Núi non Bình Định (kỳ 15)
15:57', 14/3/ 2005 (GMT+7)

Đối trĩ cùng Hòn Bà có núi Tự Sơn tục gọi là Núi Am, cao suýt soát Hòn Bà (1122 thước).

Ba ngọn Hòn Ông, Hòn Bà và Núi Am đứng chung trong một vùng, ở giữa nhiều núi khác trong dãy. Đứng mói ngoài phía Bắc, đi ngoài quốc lộ 19 trông vào thấy toàn hình rõ dạng, còn một hòn núi nữa rất có danh: Hòn An Tượng nằm trong địa phận An Nhơn.

Hòn An Tượng không cao (trên 500 thước), hình giống con voi nằm, đầu hướng về Đông. Nơi "đầu voi" có hai vùng đá xanh lộ hẳn ra ngoài sắc cây xanh, trông in ái tai và mắt, điểm xuyết cho núi An Tượng thêm giống voi.

Nhìn hình thù hòn An Tượng khách làng thơ liên tưởng đến Triệu Bà Vương và Bùi Nữ Tường, nên có bài vịnh rằng:

Cây cối lông da, đá thịt xương,

Đúc hòn An Tượng dãy Nam Cương.

Vòi tung suối biếc mây dồn sóng,

Tiếng dội rừng sâu gió tét sương,

Cờ đỏ rạng danh Bùi Nữ Tướng,

Bành vàng roi dấu Triệu Bà Vương.

An phần tuổi tác không vùng vẫy

Giữ vững nghìn thu chí tự cường.

Hình thù làm cho nhiều người để ý. Nhưng An Tượng nổi danh còn nhờ nhiều điểm khác.

Trước hết là di tích lịch sử:

Năm Kỷ Vị (1799) thành Quy Nhơn của Tây Sơn bị Nguyễn Ánh lấy, đổi tên là Bình Định thành, và giao cho Võ Tánh cùng Ngô Tùng Châu trấn thủ. Thành Quy Nhơn tuy bị mất nhưng quân Tây Sơn vẫn giữ các nơi hiểm yếu ở các miền núi như Dương An, An Tượng…

Tháng giêng năm Canh Tân (1800) Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng kéo quân vào đánh thành Quy Nhơn. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đánh không lại, đóng cửa thành cố thủ.

Được tin Võ Tánh và Ngô Tùng Châu bị khốn, Nguyễn Ánh liền cử đại binh ra cứu viện, sai Nguyễn Văn Thành cùng Lê Văn Duyệt, Tống Viết Phước, Trương Tiến Bảo… đi đường bộ từ Phú Yên đánh ra, còn mình thì từ Thị Nại đánh lên. Quân đường thủy của Nguyễn Ánh không đổ bộ nổi. Quân của Nguyễn Văn Thành bị đánh lui mấy phen. Sau đó biết phía Tây Nam Núi Chúa có đường tắt, nên theo đường ấy đánh bọc hậu quân Tây Sơn đóng ở Núi Chúa. Còn Lê Văn Duyệt thì kéo binh đến đánh úp quân đóng ở An Tượng. Hai bên kịch chiến. Nhưng vì không đề phòng nên quân Tây Sơn bị thua. Song liền đó quân Trần Quang Diệu kéo đến đánh lấy lại Dương An và An Tượng; đuổi quân nhà Nguyễn ra khỏi đất Quy Nhơn.

An Tượng lại là nơi phát nguyên nhiều sông suối. Nên vùng đó gọi là Nguồn An Tượng. Nơi nguồn An Tượng, đồng bào Kinh thường đến mua bán cùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có lập thủ sở với chức Trấn Thủ Thừa Biện ở giữ. Niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899) triệt bỏ, lại đặt "mậu dịch thị trường" để thâu thuế.

Nhờ vậy mà các tầng lớp nhân dân ở xa cũng như ở gần phần đông đều biết tiếng An Tượng.

Chung quanh hòn An Tượng có nhiều ngọn phù dực mà hòn Thủ Đường nằm ở phía Tây Nam đáng để ý nhất.

Hòn Thủ Đường cao hơn hòn An Tượng (581 thước), song vì nằm phía sau nhiều núi khác nên đi ngoài quốc lộ 19 không trông thấy. Núi này liền với núi vùng Bình Phú.

Trong dãy Nam Sơn còn một ngọn núi nữa cũng được nhiều người để ý. Đó là hòn Chóp Vung, thuộc địa phận Tuy Phước. Đi ngoài quốc lộ 19 trông vào, thật giống chiếc vung úp sấp. Ca dao Bình Định có câu:

Ngó lên hòn núi Chóp Vung

Thấy hai con thỏ nằm chung với mèo.

Thật không ai hiểu ý nghĩa câu ấy như sao. Nhưng không phải là một câu hát "bắt vần" như nhiều người tưởng. 

Những câu ca dao còn truyền lại đều có sở do. Mình không hiểu, không tìm ra, bảo càn rằng "vô nghĩa" cho "xong chuyện".

Hình dáng làm cho Hòn Vung được khách đi đường lưu ý. Nhưng chính câu ca dao "gần như vô nghĩa" kia đã đưa danh Hòn Vung đi xa.

Trong dãy Nam Sơn trừ Hòn Vung, hòn Núi Chúa và một số núi ở trong xa đỉnh nhọn, phần nhiều núi đi ngoài quốc lộ 19 trông thấy, đều có dáng tròn tròn, xa trông như một bầy voi khổng lồ chen nhau rất linh động. Chúng ta đi mau thì chúng chạy như bầy chiến tượng của bà Triệu bà Bùi xông trận. Chúng ta đi chậm chậm thì chúng là bầy "voi chàm" trong thơ Chế Lan Viên:

Giữa ngàn rậm, muôn cây chen lá thắm,

Voi Chàm đi lẳng lặng dáng uy linh

Cùng rung chuyển, dưới chân Ngài, rừng núi thẳm

Dưới chân Ngài rên rỉ lá vàng xanh.

Và nếu chúng ta dừng lại ngắm thì chúng ta thấy chúng vẫn "đi", đi để đến.

Nơi, một sáng Đồ Bàn vang tiếng hát

Muôn binh Chàm thắng trận giở quân về,

Đàn chiến tượng trong hương trầm man mác,

Càng oai hùng, lặng lẽ, nặng nề đi…

Khí thế dãy Nam Sơn, hùng tráng không kém dãy Tây Sơn và hình dáng đại để là thế.

(còn tiếp)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi non Bình Định (kỳ 14)   (13/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 13)   (11/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 12)  (09/03/2005)
Đi hội vía Bà   (08/03/2005)
Những vị nữ tướng thời Tây Sơn  (07/03/2005)
Hàng chục ngàn người đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 11)  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 10)   (04/03/2005)
Vài nét về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh   (04/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 9)  (03/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 8)  (02/03/2005)
Quan niệm về ma chay, cưới hỏi của người Chăm   (01/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 7)  (28/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 6)  (27/02/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 5)  (24/02/2005)