Núi Bình Định thuộc hệ thống dãy Trường Sơn, thường nối tiếp nhau thành dãy dài, hoặc quây quần nhau thành khóm và hầu hết đều bằng đá và cây cối sum sê.
Nhưng rải rác đó đây, lại có những ngọn núi đất mọc lẻ loi giữa đồng bằng, như những cù lao ngoài biển. Những ngọn núi này phần nhiều là núi trọc và không cao. Nhưng có lắm ngọn có danh. Như hòn Hương Sơn chẳng hạn.
Hòn Hương Sơn (100 thước) tục gọi là Núi Thơm nằm tựa sông Côn về phía Bắc ngạn, giữa những cánh đồng rộng của thôn Kiên Thạnh ở phía Tây, thôn Trường Định ở phía bắc, thôn Vân Tường tiếp theo Trường Định chạy từ Tây Bắc, vòng qua mặt Bắc rồi quẹo xuống Đông Bắc, thôn An Chánh tiếp theo Vân Tường giăng dài ở mặt Đông, từ Bắc vào Nam, thuộc huyện Bình Khê.
Hòn Hương Sơn là một hòn núi đất sỏi càn táo, gai rậm cây thưa. Chỉ phía sông Côn và phía Kiên Thạch, từ chân núi lên gần đỉnh, cây cối sum mát. Đồng bào thôn Kiên Thạnh hầu hết đều cất nhà ở trên triền núi. Nhà cất từng tầng từng bậc, xa trông tưởng chừng nhà nọ chồng lên nhà kia, tranh có ngói có, ẩn hiện trong những đám cây xanh. Buổi mai bóng núi che mát. Lúc bình minh, lúc hoàng hôn, khói nấu cơm từ sườn núi bay ra lững lờ phơ phất. Đứng bên kia sông Côn xiên xiên về hướng Tây mà trông sang thật vô cùng ngoạn mục.
Dưới chân núi, vào khoảng cuối Kiên Thạnh đầu Trường Định, có một bàu nước rộng chừng vài ba mẫu ta, gọi là Bàu Um. Bàu này có điểm đặc biệt là rất nhiều ốc bươu. Mỗi buổi sáng ốc bươu bám vào rong nổi đặc cả mặt nước. Người trong thôn lấy một chiếc rổ thưa cột sào dài, luồn dưới rong mà với ốc. Mỗi bữa vớt cả thúng. Ốc ở Bàu Um đã lớn con lại không hôi bùn. Mua về ngâm nước cơm độ vài ba giờ về rửa cho sạch ruột, rồi um dầu mà đánh chén, thì dù đã giới tửu lâu ngày cũng phải tiếc rằng không gặp Lưu Linh để chung thú. Không biết có phải vì hương của ốc um mà bàu mang danh là Bàu Um chăng? Không ai biết rõ. Chỉ biết rằng ai đến viếng Hương Sơn mà không hưởng vị ốc um thì uổng lắm lắm.
Hương Sơn còn một sản phẩm nữa cũng đáng lưu ý. Đó là Xoài Tượng. Xoài Tượng Bình Định ngon nổi tiếng khắp Việt Nam. Nhưng phải nhượng xoài Đá Trắng ở Phú Yên, vì xoài Đá Trắng (rất hiếm) thịt cứng như xoài ngâm nước đá. Xoài mọc ở Hương Sơn, nhất là nơi triền núi phía Đông, chỉ kém xoài Đá Trắng một mười một chín. Đó là do thổ nghi.
Nhờ Xoài Tượng và Ốc Bươu mà tình khách "dân thiên" đối với Hương Sơn rất nồng đượm.
Đối với Hương Sơn tình nồng đượm không kém khách "dân thiên" còn có các thầy địa lý. Nhưng các thầy địa chiếu cố đến Hương Sơn không phải vì xoài tượng ốc bươu mà là vì địa hình địa cuộc.
Hình hòn Hương Sơn là hình con miên khuyển, tức là con chó nằm ngủ. Lưng ở trên Tây, bụng úp xuống Đông, đầu mỏ quặp vào bụng, vai cổ bày ở phía Nam, đùi đuôi khoanh ở mặt Bắc. Trong cao, ngoài thấp; phía Nam, phía Bắc ngắn hơn phía Tây, Đông. Nếu tìm được huyệt "Miên khuyển hoài trung" tức là lỗ rún của con chó ngủ" để gởi lại đống thịt xương khi về chào ông bà ông vải, thì con cháu nhất định phát lớn. Bởi vậy, thỉnh thoảng người địa phương trông thấy đôi người lạ mặt, Tàu có, Việt có, xách chiếc địa bàn bọc trong khăn gói vải đỏ, đi thơ thẩn trên triền núi, hết dọc rồi ngang. Chắc chưa thầy địa nào tìm thấy huyệt, vì bụng chó úp xuống đất, mắt quý thầy dù đeo kính sáng cũng không thể xuyên qua bao nhiêu lớp đất sỏi vừa cứng vừa dày.
Hương Sơn, dưới con mắt nhà địa lý là "Miên khuyển". Nhưng dưới con mắt nhà binh pháp, thì đó là con "ẩn báo" tức con beo nằm dấu hình, có thể dụng binh. Bởi vậy, nghĩa binh Cần Vương đã dùng Hương Sơn làm một cứ điểm quân sự. Và một dãy đồn lũy đã xây đắp nơi một cái eo ở giữa núi, gọi là Thứ Hương Sơn.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|