Khi những hạt lúa trên nương bắt đầu ngậm sữa, cũng là lúc đồng bào Ba na tại các buôn làng cùng nhau chuẩn bị cúng mừng lúa mới tạ ơn "Giàng".
|
Đánh cồng mừng lúa mới. (Tranh màu dầu của Nguyễn Anh Hộ) |
Ngày trước, bà con làm lúa rẫy mỗi năm 1 vụ, lúa được trỉa vào tháng 4 và thu hoạch vào tháng 10 Âm lịch hằng năm, khi thấy màu vàng của lúa được phơi giữa lưng đồi, mỗi nhà chuẩn bị 1 con gà, giã một khay cốm, có người đi rừng kiếm thêm con sóc, con nhím… chuẩn bị sẵn vài ghè rượu. Luộc con gà xong đặt lên đĩa, bên cạnh là ghè rượu và khay cốm, người đàn ông lớn tuổi nhất trong nhà bắt đầu khấn cầu được những gié lúa trĩu bông, con cháu khỏe mạnh, gia đình vui vẻ, mời linh hồn của những người đã khuất về cùng dự. Cúng xong người lớn tuổi được ăn phép và uống rượu đầu tiên, sau đó cả nhà cùng vui, họ chuyền nhau mỗi người một nắm cốm để tận hưởng hương vị thơm ngon của những hạt thóc đầu mùa, cứ thế mọi người cùng ăn, cùng uống, cùng say…
Hôm sau, khi ông mặt trời vừa nhô khỏi núi, mọi người lũ lượt kéo nhau lên rẫy, họ mang theo gùi để tuốt lúa. Khi lúa đã về nhà, cả làng bắt đầu cúng tập thể tại nhà rông, mỗi gia đình góp 1 con gà, 1 ghè rượu và 1 khay cốm. Tất cả được bày dọc theo 2 hàng của nhà rông. Chuẩn bị xong, mỗi nhà cử một đại diện ngồi vào mâm lễ của mình, đám trai làng đi chung quanh nổi cồng chiêng, già làng cầu mong cho sự bình yên, ấm no chung của cả làng, từng gia đình có điều ước riêng cho mình. Già làng được ăn phép và uống rượu trước tiên. Tiếng cười nói, đùa vui của người già, lũ trẻ hòa vào nhau, một không khí đầm ấm, nhộn nhịp. Cuộc vui thường kéo dài thâu đêm, đến khi con gà rừng gáy báo sáng vẫn còn nghe tiếng cồng chiêng.
Ngày nay cây lúa nước đã được thay thế dần cho cây lúa nương, mỗi năm thu hoạch từ 2 đến 3 vụ, song tục mừng lúa mới bà con vẫn tiếp tục lưu giữ sau mỗi mùa lúa bội thu.
. Thái Bình Trọng
|