Thứ Hương Sơn (kỳ 1)
12:38', 20/3/ 2005 (GMT+7)

Thứ Hương Sơn đã ngăn được bước tiến của giặc Pháp trong một thời gian. Nhưng rồi một việc thương tâm đã xảy ra làm hoen ố ít nhiều trang sử oai hùng của nòi giống!

Nguyên nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương là Bình Tây Nguyên Soái Mai Xuân Thưởng giao phó việc trấn thủ Thứ Hương Sơn cho ba người:

-     Tham trấn Võ Phong Mậu, một cử nhân ở thôn Thuận Hạnh, quận Bình Khê tục gọi là Tham Mậu.

-     Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì, một danh sĩ ở An Nhơn, đậu cử nhân, làm quan ở Huế, triều Tự Đức, vì không chịu nổi quốc nhục mà bỏ về vườn.  

-     Quản trấn Trần Tân tục gọi là Quản Nhã, một phú hộ ở thôn Trường Định, tánh hòa hiệp, võ tinh luyện.

Ông Tham Mậu và ông Quản Nhã tuy người cùng huyện, nhưng không ưa nhau, vì tâm tánh khác nhau. Tham Mậu điềm tĩnh, nhưng thâm hiểm, mưu mô, lại háo kỳ, háo tửu, háo sắc. Mặc dầu thân ở giữa ba quân, mà thói phong lưu vẫn đeo theo canh cánh. Ông Trần trái lại, tánh trung trực can cường và rất nóng nảy, lại ghét thói phong lưu như nhà nông ghét cỏ, thường đem lời chỉ trích Tham Mậu. Tham Mậu rất căm, nhưng chưa có dịp để làm hại.

Một hôm đương đi tuần được tin Tướng Nguyễn Cang bị tử thương, ông Trần hối hả chạy vào dinh quan Trấn Thủ báo biến. Nhằm lúc Tham Mậu cùng quan Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì ngồi uống rượu đánh cờ với nhau, ông Trần nổi giận thét:

-     Giặc đến không lo đánh, tướng bị thương không lo đi cứu, cả ngày chỉ lo rượu với cờ.

Nói đoạn sấn tới giựt bàn cờ ném ra sân.

Đã căm sẵn, lại bị xúc phạm mạnh, Tham Mậu liền thét quân hầu bắt trói. Ông Trần đương giận càng giận thêm, không còn kể chi đến quân pháp, bèn la hét chửi mắng vang dậy. Tham Mậu liền buộc tội phản loạn, truyền quân đem chôn sống. Hiệp trấn Nguyễn Trọng Trì tuy không có hiềm khích chi với ông Trần, song bị làm mất thể diện giữa ba quân nên đồng tình để cho Tham Mậu hạ độc thủ.

Ông Trần vốn có một con ngựa Ô, vừa đẹp vừa khôn. Đó là một con chiến mã đã cùng con Hồng của Mai Nguyên Soái lập nhiều quân công. Con Ô thấy chủ bị nạn, liền bứt dây cương chạy thẳng về dậm chân hí thảm thiết, chưa biết chuyện gì thì có người tâm phúc đến báo tin dữ. Bà Trần liền sai người lên Phú Phong cáo cấp cùng Mai Nguyên Soái. Tức tốc, Nguyên soái phi ngựa đến Hương Sơn sai đào ngay ông Trần lên, nhưng đã quá muộn. Vừa thương, vừa giận, nhưng nước nhà đương khi cần người, không lẽ giết thêm hai tướng nữa, Nguyên Soái đành gạt lệ cắn răng, cho lập công chuộc tội.

Đó là vào năm Bính Tuất (1886). Sang năm Đinh Hợi (1887) nghĩa quân bị đại bại trận Bàu Sấu. Mai anh hùng tuẫn quốc. Phong trào Cần Vương tan rã. Võ Phong Mậu và Nguyễn Trọng Trì chạy thoát, ra đầu thú, được tha.

Tham Mậu về nhà chưa được bao lâu, một đêm nghe tiếng sột soạt trên đầu hè trên, bèn mở cửa ra xem, thì một con cọp tàu cau lớn như một con bò đực sức, nhảy đến vồ. Tham Mậu kêu cứu. Hàng xóm chạy đến. Con cọp liền vật Tham Mậu xuống đất, móc cuống họng, rồi bỏ xác lại mà đi. Người ta bảo rằng đó là ông Trần mượn cọp báo oán.

Còn bọn Pháp, sau khi dẹp loạn nghĩa quân, liền phá hủy tất cả căn cứ quân sự. Thứ Hương Sơn cũng như các đồn lũy,  các nơi trong toàn tỉnh, đều bị phá thành đất bằng. Hiện nay chỉ còn dấu hào lũy khuất lấp trong đám bìm lau và một đống đá nằm gan lì cùng tuế nguyệt. Đi ngang qua Thứ Hương Sơn, Cổ Bàn Nhân có mấy câu cảm tác:

Bình Tây dù chẳng thành công,

Hương Sơn để dấu anh hùng ngàn thu.

Giận ai cưu mối tư thù

Cho gương phấn dũng bị lu ít nhiều!

Chuyện đời cỏ nhạt màu rêu,

Mùi hương chính khí gió chiều thoảng đưa.

Cách Thứ Hương Sơn chừng nửa cây số, về hướng Đông Bắc, có ba ngọn cổ tháp đứng sừng sững trên nổng gò sỏi cao nằm sát chân núi.

Thứ Hương Sơn tô điểm núi về mặt tinh thần.

Cổ tháp giúp cho núi thêm phần duyên dáng. Thật không khác nốt ruồi son trên má người thôn nữ. Khách phương xa đến du ngoạn, để ý đến Hương Sơn vì tháp nhiều hơn vì di tích lịch sử cận đại.

Thứ và tháp nằm tròn địa phận An Chánh và Vân Tường.

Ở phía sông Côn, trên miền núi mé Tây Nam, thuộc địa phận Kiên Thạch, trước đây có ngôi miếu thờ đức Khổng Tử, gọi là Văn Chỉ.

Miếu nằm ở lưng chừng núi. Qui mô rộng lớn. Lưng tựa vào núi, mặt ngó ra sông. Mái ngói tường vôi ẩn hiện trong bóng xoài xanh mát. Phong cảnh thật là thanh u cao khiết. Đi thuyền dưới sông Côn, hay đi bộ trên con đường núi chạy trước miếu, ngước mặt trông lên, ai cũng khen là cảnh trí rất hợp với tinh thần Nho giáo. Và trước cảnh vừa trang nghiêm vừa cao nhã, lòng người dễ hướng về đức Nhân.

Văn Chỉ Hương Sơn là miếu chung của các nho sĩ hai huyện Bình Khê và An Nhơn. Miếu dựng năm Thành Thái thứ 12 (1900). Sau đó các nhân sĩ trong hai huyện bàn rằng các nhà khoa mục đã già cả, phần đông lại ở bên kia sông, không thể lội nước trèo non đến đình tế được, bèn triệt hạ miếu, lấy vật liệu đem xuống An Nhơn, cất lại trên nền phủ cũ. Cảnh thanh cao trang trọng ngày trước không còn giữ được phần nào ở trong nơi thấp hẹp này. Có người than rằng:

-     Một nơi bị người lo việc phàm tục chê bỏ đi, lại được người lo việc Thánh đạo lấy lại. Thế mới biết lúc thế vận suy vi, Đạo Đức phải chạy theo sau Quyền Thế.

Và nhân việc dời Văn Chỉ, một nhà Tây học cười:

-     Té ra các vị nho sĩ hiện đại xây cất Văn Chỉ không phải vì đức Khổng Tử cũng không phải vì Thánh giáo, mà chính vì các nhà khoa mục.

Văn Chỉ tuy dời, nhưng vườn Chỉ vẫn còn, nền Chỉ vẫn chưa mất dấu. Những người ngưỡng mộ đạo Nho đi ngang qua Hương Sơn, thường dừng bước để tưởng lại cảnh thạnh vượng của thời xưa.

Như thế là Hương Sơn đã may mắn được giữ lại hai di tích quí báu của dân tộc: Nền Đạo Đức và Gương Anh Hùng, cùng một di tích lịch sử của văn hóa Chămpa: ba ngọn cổ tháp.

Hương Sơn phong cảnh tương đối ngoạn mục, lại có nhiều cổ tích, nên ngoài khách du lịch, các nhà văn nhà thơ cũng thường đến ngâm thơ vịnh trăng. Định Phong có một luật Vịnh Hương Sơn được nhiều người biết, rằng:

Ba mặt đồng xanh một mặt sông,

Non Hương đoanh lộn gió hương lồng.

Sườn cây điểm sỏi phơi vằn báo,

Dòng sóng chen mây ánh vẩy rồng,

Lũy chất trung can hàng đá dựng,

Nền xây thánh đức lớp rêu phong.

Cùng non tháp cổ bền mưa nắng,

Tiếng địch chiều hôm gởi nhớ nhung.

Hương Sơn đã được các di tích trang điểm, thì thanh danh đã có sẵn từ xưa, mỗi ngày chắc sẽ mỗi thêm bay xa và sáng tỏ.

Có người hỏi:

-     Tên Hương Sơn là do tên Núi Thơm mà dịch ra Hán tự, hay là Núi Thơm do Hương Sơn mà sanh ra?

Thật khó trả lời một cách dứt khoát. Có người bảo:

-     Tên Núi Thơm có trước. Chữ Thơm đây là cây Thơm chứ không phải mùi thơm. Vì trước kia trên núi mọc đầy cả Thơm Tàu. Người ở gần núi đến cắt tàu về lấy chỉ. Của vô chủ, ai lấy đều lo "bóc lột", chớ không ai chịu khó "vun quến" nên thơm bị tiêu diệt gần hết. Hiện chỉ còn lơ thơ đôi chòm. Hoàn cảnh Núi Thơm thật chẳng khác Trà Sơn. Khi lập Thứ nơi núi, nhân chữ Thơm, các Văn thân mới đặt tên Thứ. Lại có kẻ quả quyết: Núi Thơm là Hương Sơn có từ xưa. Và văn thân sẵn có tên đẹp đẽ mượn đặt tên Thứ là Hương Sơn. Từ ấy, núi mang luôn tên là Thứ.

Nghe nói thế thì hay thế, chớ không biết đâu mà cãi. Nghĩ rằng dù vì Thơm Tàu mà có tên Núi Thơm đi nữa, đó là thuộc về thời "tiền sử", tưởng nên cho qua để chấp nhận chữ Thơm là Hương của Thứ Hương Sơn, một điểm son trong trang lịch sử Việt Nam cận đại, hầu mong tiếng tăm của núi được thơm lâu và thơm xa hơn.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tư duy kinh tế Đào Phan Duân  (18/03/2005)
Tục mừng lúa mới của đồng bào Ba na  (18/03/2005)
Những hòn độc sơn ở Bình Định  (17/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 16)  (15/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 15)   (14/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 14)   (13/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 13)   (11/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 12)  (09/03/2005)
Đi hội vía Bà   (08/03/2005)
Những vị nữ tướng thời Tây Sơn  (07/03/2005)
Hàng chục ngàn người đến với Lễ hội chùa Linh Phong  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 11)  (06/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 10)   (04/03/2005)
Vài nét về nghệ thuật điêu khắc gỗ của người Ba na Kriêm Vĩnh Thạnh   (04/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 9)  (03/03/2005)