Cách Hương Sơn chừng tám chín cây số, xiên xiên về hướng Đông Bắc, đột khởi lên giữa đồng một hòn thổ sơn thứ hai, có phần cao lớn hơn hòn Hương Sơn, và chạy dài theo hướng Tây Đông. Đó là hòn Trà Lan Sơn tục gọi là Chà Rang (160 thước), ở thôn Thuận Hạnh, quận Bình Khê.
Hòn Chà Rang cũng là một hòn núi đất sỏi, không cây lớn không đá to. Không có gì đặc sắc. Nhưng nhiều người biết danh vì Chà Là. Cây chà là mọc đầy cả núi. Trong hạt Bình Khê là hạt có tiếng nhiều chà là, không núi nào chà là nhiều và sai bằng Chà Rang.
Địa phương có câu:
Tu hú kêu chà là chín,
Tu hú nín chà là già.
Cho nên đến mùa tu hú kêu, người ta kéo đến Chà Rang như hội Đạp Thanh của mùa con én đưa thoi trong truyện Kiều. Kẻ gùi, người thúng. Quang cảnh khá nhộn nhịp tưng bừng. Định Phong có mấy câu khẩu chiếm trong lúc đi hái chà là cùng các bạn thân năm nọ:
Chà là đen nhánh trái ngon,
Đồng xanh lũ lượt lên hòn Chà Rang.
Chung vui tu hú rộn ràng.
Chút tình đất nước nắng vàng sanh hương.
Trước mặt hòn Chà Rang từ Thuận Truyền chạy ra đến Phù Cát, có ba gò cát trắng rộng thênh thang và nổi lên muôn nghìn ụ gò mối giống như những ngôi tháp của các nhà sư. Những ụ gò mối này trắng như quét vôi, và nắng mưa dẫu phũ phàng, lúc nào cũng thấy y như cũ.
Đứng trước cảnh, người giàu tưởng tượng bảo rằng đó là một đạo binh áo trắng đương dàn trận. Cảnh Thạch Trận ở La Hà tỉnh Quảng Nghĩa trông u ám vì sắc đá xám đen. Trận "Gò Mối" đây, trong lúc bầu trời vần vũ, nhờ ánh cát trắng, vẫn sáng như có hào quang. Tuy vậy, người không quen đường, hễ đi lạc vào, bất kỳ lúc trời tốt hay trời xấu cũng bị khốn như Lục Tổn vào Thạch trận của Khổng Minh.
Cảnh "trận Gò Mối" giúp cho núi Chà Rang bớt hiu quạnh trong những mùa không có tu hú kêu.
Ở giữa khoảng Chà Rang và Hương Sơn, cũng thuộc địa phận Bình Khê, còn một hòn thổ sơn thứ ba nữa. Đó là hòn Trà Sơn.
Hòn Trà Sơn cũng có tên nữa là Bảo Đước Sơn (113 thước). Núi nằm trọn trong địa phận thôn Trà Sơn và giáp thôn Thuận Truyền ở phía Tây. Hình núi giống một con cừu nằm quay đầu ra Bắc, xây lưng lên Tây, trở mông vào Nam, úp bụng xuống Đông. Dưới chân núi, phía Thuận Truyền, có một bàu nước, bề ngang chừng 200 thước dày, bề dài chừng 800 thước, và sâu chừng 4 thước, nằm ôm choàng lấy chân núi từ bắc chí nam. Bàu tục gọi là Bàu Thuốc hoặc Bàu Suốt. Có tên như thế vì nước bàu không bao giờ cạn, người địa phương thường dùng lá và trái bòn bon đập dập làm "thuốc" để suốt cá. Nước bàu lại chảy ra một lạch dài chừng 150 thước, chạy quanh theo chân núi, phía Nam. Nước lạch cũng không mấy khi cạn.
Núi bằng đất sỏi. Cây cối cằn cỗi. Chỉ nơi "mông cừu" có một lùm cây xanh ngó ngay xuống lạch. Trong lùm cây có ngôi chùa Phật rất cổ và rất thiêng. Ngày xưa những năm nắng hạn, nhân dân địa phương lên chùa cầu đảo. Cầu đảo xong, rước tượng Phật xuống tắm nơi lạch. Liền sau đó hoặc vài ba hôm sau, thì trời đổ mưa, không nhiều cũng ít. Hiện nay lạch đã bị lấp, và chùa dường như cũng hết thiêng.
Triền núi ở ba mặt Bắc Đông Nam thì lài, riêng mặt Tây lại dốc và có một dãy đá mọc lởm chởm như gươm. Dãy đá ngó thẳng xuống thôn Thuận Truyền. Người thôn này có lắm kẻ hoang tàn trộm cướp. Các thầy địa lý bảo là do "đá ngó vào làng". Cũng có thể tin lắm. Vì có nhiều nơi khác bị "đá ngó" mà dân sở tại sanh lung sanh hoang như Thuật Truyền. Ví dụ thôn Hòa Đại, Đại Khoan, ở Phù Cát, bị đá núi Chợ Gồm ngó vào, mà trước kia hễ nơi nào mất ngựa mất bò đều tới đó tìm manh mối. Ngày này khoa học đã phát đạt nhiều rồi, chắc "đá ngó" không còn giữ nguyên "tánh chất".
Tại hòn Hưng Long (Bình Khê), cách Trà Sơn chừng năm sáu cây số, về hướng Tây, còn có một hòn thổ sơn nữa hình thù vóc vạc in hệt Trà Sơn. Đó là hòn Khánh Long.
Cũng hình con cừu nằm quay đầu ra Bắc, lưng trở lên Tây, bụng úp xuống Đông…hòn Khánh Long đối với hòn Trà Sơn thật chẳng khác một đứa em sinh đôi. Hai bên chỉ khác nhau ở một điểm là Trà Sơn có đá mọc ở sườn phía Tây, còn hòn Khánh Long hoàn toàn bằng đất sỏi.
Truyền rằng xưa kia lúc mà ông Trời bà Đất hết khắng khít với nhau, ông bay lên cao, bà hạ xuống thấp, bỏ nước non mây ráng bơ vơ. Ông Khổng Lồ lo việc sắp đặt núi non cho có thứ tự. Sau khi sắp xếp xong các dãy núi ở Bình Định, Khổng Lồ lựa hai hòn núi cân đối, quảy nhỏng nhảnh đi chơi. Nhìn nước nhìn mây, cao hứng quên lửng gánh núi trên vai. Đòn gánh chích, đôi gióng nghiêng, đôi núi lăn cù xuống đất. Núi rớt thình lình, Khổng Lồ vừa giật mình, vừa mất thăng bằng suýt ngã. Để khỏi té, ông liền bấm chặt một chân xuống đất, một chân bước dãng ra trước mặt ra chống. Tuy khỏi bị té ngã, nhưng bị cụt hứng, ông tức mình, bỏ núi lại đó, gánh gióng không, đi đến nơi khác. Hai hòn núi bỏ lại đó là hòn Trà Sơn và hòn Khánh Long.
Còn chỗ ông ghì chân cho khỏi ngã thì thủng xuống thành hai bàu nước. Đó là Bàu Nhâm ở ranh giới thôn Phú Ân và thôn Trường Định, gần Hưng Long, và Bàu Năng ở ranh giới thôn Thuận Hòa và thôn Thuận Truyền gần Trà Sơn.
Cho nên câu chuyện "Khổng Lồ gánh núi đi chơi" là câu chuyện tuy nói không có sách, song mách vẫn có chứng, bằng chứng rất thực tế, thực tế như mộng như thơ. Bởi vậy khách ưa mộng có thơ rằng:
Khổng Lồ gánh núi đi chơi
Gánh nghiêng gióng đổ bỏ rơi hai hòn
Hóa thành một cặp cừu non,
Chờ ông trở lại mãi còn nằm đây…
Bâng khuâng nhìn nước nhìn mây,
Gió mưa dầu dãi vóc gầy đôi phân.
Cơ trời mở lối thanh vân,
Cừu non trở hóa kỳ lân vẫy vùng…
Dưới chân núi Khánh Long, về phía Đông, có một nổng gò rộng đến bốn năm mẫu, dáng lum lum như mai rùa, tục gọi là Lum Mậu.
Trước Lum Mậu lại có một dãy gò nữa, thấp hơn nhưng rộng hơn, gọi là Gò Tháp. Gọi như thế vì trên gò xưa kia có tháp - có lẽ là tháp Chàm - Hiện còn nhiều gạch lấp dưới đất, phiến phiến lớn gấp ba gạch thường, và vô cùng chắc chắn. Người địa phương thường đến đào đem về tán cột nhà và lót chân vách.
Phía Bắc hòn Khánh Long và Lum Mậu, Gò Tháp, có một dòng suối gọi là suối Cây Cơm chạy từ suối Đá Giàn trên Phú Lạc, chảy xuống suối Thuận Ninh. Phía Nam lại còn một suối nữa chảy từ sườn núi Khánh Long chảy quanh dưới chân Gò Tháp từ mặt Nam xuống mặt Đông, rồi chạy thẳng ra Bắc rót vào suối Thuận Ninh. Suối này gọi là suối Sang. Suối Sang và suối Cây Cơm, tuy nhỏ song ít khi cạn, và tô điểm cho núi gò thêm tinh thần khí sắc.
Vùng tả ngạn suối Sang, từ chân núi Khánh Long chạy vào Nam và chạy xuống Đông, vườn xoài nối tiếp nhau trông vút mắt. Đó là vườn xoài những thôn Hưng Long, Kiên Ngãi, Phú Hữu, Phú Ân. Xoài đủ thứ, nào xoài tượng, xoài sẻ, xoài mật, xoài tro…, nào cà lăm, thanh ca… Thứ nào cũng lớn trái, cũng sai và cũng ngọt. Đến mùa xoài chín, hầu hết các tay buôn xoài trong tỉnh đều tìm đến vùng này.
Nhưng xưa nay ai nấy đều đua nhau thưởng thức trái xoài, chớ ít ai là "tri kỷ" của hoa xoài.
Hoa xoài ngắm từng nhánh một không đẹp, ngắm cả cành cũng không đẹp, ngắm cả cây cũng chưa thấy đẹp, ngắm cả vườn cũng chưa lấy làm đẹp. Muốn thấy vẻ đẹp của hoa xoài phải ngắm cả rừng hoa. Và không đâu có thể thưởng thức được đầy đủ bằng lúc xoài ra hoa (tháng chạp, tháng giêng A.L.) lên đứng nơi hòn Khánh Long mà trông. Trước mặt chúng ta một màu vàng linh động liền với sắc trời xanh. Không có một màu nào khác (cho đến cả màu xanh của lá) lẫn lộn vào. Đó là đồng lúa chính của miền Lục Tỉnh trong Nam? Không, vì sắc lúa chín vàng đậm, còn màu hoa xoài vàng tươi. Đó là rừng hoa hòe nở hạ? Không, vì hoa hòe không có mùi hương? Đó là rừng huỳnh cúc rừng huỳnh mai? Có thể ví được. Chỉ khác là hương cúc lành lạnh đăng đắng, hương mai dìu dịu và chỉ thoảng qua. Còn hương hoa xoài thì mùi lờn lợt nhưng vị lại ngòn ngọt, bay vào mũi rồi thấm lần xuống cổ, khiến khi đứng ngắm hoa xoài, nhãn, tỷ, thiệt, ý… của chúng ta đều chung hưởng thú.
Hòn Khánh Long có phong cảnh đẹp, có sự tích vui, có hương vị thanh…như thế, mà xưa nay không nổi tiếng bằng hòn Trà Sơn. Duyên cớ bởi đâu? Chỉ vì Trà Sơn có chùa Phật linh thiêng, thường giúp Dân trong khi hạn hán.
Chẳng những thế, Trà Sơn còn nổi tiếng nhờ các thầy địa lý đi đó đi đây.
Dưới con mắt chúng ta thì Trà Sơn là một con cừu. Dưới con mắt các nhà thơ thì là một "con cừu sẽ thành kỳ lân". Nhưng theo các thầy Địa lý, những thầy có cặp linh nhãn, tục gọi là Thầy Địa Sáng thì đó là một con Kỳ Lân thật sự.
Núi Trà Sơn hợp cùng ba ngọn thổ sơn khác nằm ở phía Đông, thành một bộ tứ linh Long, Lân, Qui, Phụng, rất cân xứng.
Con Lân là núi Trà Sơn.
Đứng tại Trà Sơn ngó về hướng Đông Bắc, cách chừng chín mười cây số, thấy một hòn núi xanh um hình như một chiếc thúng úp, lum lum, tròn tròn, nằm trong thôn Đại An, quận An Nhơn. Đó là con Linh Qui trong bộ Tứ Linh.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |