Nghề thợ mộc thì ở đâu, ở thôn xã nào cũng có, nhưng không tập trung vào một vùng, một khu như nghề dệt và nghề rèn, mà là tạo thành từng nhóm và phục tùng theo thợ cả, vì thường là bạn bè đồng nghiệp hoặc là môn đệ (học trò) từng theo thầy để có dịp nâng cao tay nghề hay thủy chung với sư phụ. Ở thị trấn hoặc các khu đông dân cư, những người thợ giỏi có điều kiện mở các hàng trại, kêu nhiều thợ mộc xung quanh vào làm các mặt hàng gia dụng để bán và nhận gia công mặt hàng của tư gia, công sở và trường học. Người ta thường gọi các nhóm thợ mộc bằng tên của thợ cả, và khi có làm nhà, đóng cửa thì chỉ đến nhà thợ cả để hợp đồng hay giao kèo bằng miệng rồi tùy theo công việc nhiều hay ít mà người thợ cả gọi thêm người trong băng thợ của mình. Có khi thợ cả nhận cả hai hay ba nơi, rồi điều động nhóm thợ của mình hoặc kêu thêm thợ lẻ khác cùng làm, nhưng việc chịu trách nhiệm chung vẫn là thợ cả.
Trong việc làm nhà ngày xưa, khi mà các vật liệu như: xi măng, gạch ngói, sắt thép… còn khan hiếm, người nông dân nơi đây làm nhà chủ yếu là bằng gỗ và tranh tre, vì người có tiền rất ít, nhà ngói tường gạch là giấc mơ nhiều đời. Và như vậy người ta phải nhiều năm kham khổ, thắt lưng buộc bụng tích lũy, gom góp mua sắm cây gỗ mỗi năm một ít, nhất là chọn loại gỗ có tên (danh mộc) để làm cột kèo, cửa nẻo. Ngôi nhà nhiều khi được hình thành trong đầu óc của họ, chứ không dám nói ra, vì sợ dự định của mình không thành, bạn cười chúng chê, sợ thói thường: nói trước bước không tới mà trong dân gian không làm sao tránh khỏi. Khi muốn khởi sự làm nhà thì chủ nhà phải có được đôi ba bồ lúa, chứ không phải gạo mua. Họ có quyền chọn nhóm thợ có tiếng qua người thợ cả. Thợ cả biết được mọi tên cây và từng tính năng của nó để áp dụng vào vị trí của nhà. Dân gian có câu: “Dụng nhơn như dụng mộc". Và người thợ cả áp dụng ở hai từ sau. Thợ cả ít khi ngồi làm công việc cưa, bào, đục như các thợ con, nhưng tất cả mực lạc, rộng hẹp, ngang xuôi của ngôi nhà, cho tới mẫu cột, miệng kèo, trính xiên đều do thợ cả thủ mực, tính toán và hình thành trong đầu mà cánh thợ con chỉ được làm theo đó. Gia chủ phải lo cơm nước ngày ba bữa, trầu thuốc đàng hoàng và thêm hai bữa phụ xế và nửa buổi nữa là khác. Nên trong dân gian có câu: "Làm ruộng khổ đàn bà, làm nhà khổ đàn ông". Nhưng với các bà việc bếp núc, chợ quán cả ngày, vừa cho cánh thợ vừa cho cả nhà nữa cũng đâu phải là nhàn. Còn thợ cứ đủng đỉnh mà làm việc (sớm giũa cưa, trưa mài đục). Và khi mặt trời đã về chiều thì “mặt trời vàng vàng, đục chàng vào giỏ”, cơm chủ ngày trời, hết ngày này sang ngày nọ “mặt trời lên đỏ, xách giỏ đi làm, cứ đến gần trưa "đục gõ râm ran, bà chủ rộn ràng, cơm nước chưa dọn" là thế. Phải thừa nhận là tay nghề của những người thợ ngày xưa là rất khéo léo và chính xác vô cùng, nhất là cánh thợ “đồ mốt” đóng các loại bàn, tràng kỉ, tủ thờ, ghế nghi tất cả đều được khớp bằng mộng, rồi chạy chỉ, chạm trổ rồng phượng rất tinh vi. Nên trong thùng đồ nghề của họ, ngoài những dụng cụ thông thường như: khoan, cưa cắt, cưa mộng, cưa đại, đục tuông, đục bạc, đục móng, chàng dũm, thước mộc, thước thợ, ống mực, còn có các loại đục bào nhỏ để chạy chỉ, bào xoi, khoan con…. Một ngôi nhà dù lớn hay nhỏ, hay cho đến bàn tủ, giường ghế… người thợ mộc ngày trước đều không bao giờ sử dụng đinh sắt. Nhờ đó, họ quan niệm tuổi thọ của công trình và vật dụng được bền lâu hơn nhiều là vì tất cả đều dùng mộng. Có một điều cần nhắc lại là: thợ mộc tính toán rất chính xác, khi đã đặt cưa vào gỗ để cắt rồi thì không thể hàn gắn lại được, và cũng không thể nói qua nói lại hoặc đổ lỗi cho ai nếu chẳng may có làm hư Hồi ấy, lỡ khi làm hư gỗ, người ta không thể đến tiệm gỗ mua gỗ sẵn như bây giờ, vả lại số gỗ ấy đã được gia chủ tính toán mua vừa đủ, được đưa đi ngâm bùn, và được chất khô lâu ngày trong mát để tránh mối mọt và rạn nứt. Khi đã sắm đủ số gỗ cho một bộ sườn nhà, gọi là một “nét gỗ”, rồi mới xem ngày lành tháng tốt, mới hợp đồng thợ đến làm, gọi là “vỡ gỗ”. Trường hợp đã đến ngày giờ vỡ gỗ mà giàn thợ chưa có thì chính thợ cả đến lật đống gỗ ra, lấy rìu vạt vài ba miếng dăm, gọi là lấy ngày giờ, rồi khoảng 5-7 ngày sau đó đến tiếp tục làm cũng được.
Riêng người tổ chức ra hàng trại, tuy phải huy động đồng vốn cao, nhưng lợi nhuận đem về cũng khá hơn nhiều mặt: một là, tận dụng được ván gỗ, hai là trả công thợ rẻ vì nhờ tập trung được các thợ lẻ, ba là dạy được số đông học trò để sau này giúp việc lại chủ, bốn là công việc được liên tục, liên mùa, năm là kinh doanh hợp lý.
Có một câu chuyện liên quan đến việc “công đức” cho người làm nghề thợ mộc, tưởng cũng nên nêu ra ở đây:
Ngày xưa, có 2 vợ chồng gia chủ giàu có, rước thợ mộc về làm cho một tòa nhà rất lớn. Hằng ngày, bà vợ lo cơm nước cho thợ, mỗi khi đi chợ về, trên rổ bà mua rất nhiều thịt, về đến nhà, khi chưa vào bếp, trên tay vẫn còn bưng cả rổ thịt, cá, rau, bà đến nói chuyện với cánh thợ, hết người này đến người khác. Cánh thợ mộc cứ bỏ bụng, ngày nào mình cũng được bà chủ cho ăn nhiều thịt, nhưng đến bữa cơm thì chỉ thấy chủ dọn ít thịt, kèm ít cá, rau, mắm mà thôi. Họ nghĩ bụng bữa nào mình cũng bị chủ lừa, bèn sau đó tìm cách trả đũa cho hả giận. Khi đến ngày quan trọng là gác đòn dông, thợ cả mật ra lệnh cho cánh thợ con chạm khắc vào cây đòn dông hai đầu có hai chiếc thuyền chở đầy của cải mà quay đầu ra, để sau này nhà chủ sẽ từ từ nghèo mạt đi, cho bỏ thói giàu có mà keo kiệt, lại còn lừa xảo người làm mướn ăn công nữa. Việc ấy nhà chủ không làm sao biết được. Nhà làm xong, buổi công đức thợ, nhà chủ tổ chức tiệc nhậu có cả rượu thịt đàng hoàng, lấy sổ tính công thợ từng người, từng ngày và quy ra tiền mặt, trả sòng phẳng. Đồng thời bà chủ mang ra tặng cho mỗi thợ một hủ thịt muối, thợ cả hủ lớn, thợ con hủ nhỏ đều nhau, và nói rằng: “Phần công thì quý thợ đã ăn cơm chủ, và nhận tiền rồi. Còn đây (bà chỉ vào các hủ thịt muối) là phần đức các thợ được mang về cho vợ con ăn. Cả đám thợ sửng sốt, thợ cả trong lòng hối hận vô cùng, nhưng không dám nói ra, bèn thưa với nhà chủ: “Thôi còn bao nhiều cây gỗ thừa, chúng tôi xin tự nguyện làm giúp cho nhà chủ một cái nhà ngõ để tỏ lòng mến mộ”. Đến khi gác đòn dông nhà ngõ, thợ cả ra mật lệnh cho cánh thợ con là: Khắc chạm trên đòn dông những 6 chiếc thuyền chở đầy của cải vàng bạc quay đầu vào, để nhà chủ tiếp tục làm giàu. Bởi thế, ở miệt quê bây giờ vẫn còn phong tục làm nhà ngõ và có buổi công đức thợ no say rồi thanh trả tiền công đâu vào đó.
Ngày nay, nhờ có các loại máy: cưa, bào, soi chỉ, đục.. thường bào ngay chuốt thẳng, không cầu kỳ, ít dùng mộng nên lạm dụng đinh để đóng. Lại thêm gỗ xẻ sẵn vừa cỡ, gỗ bào, soi chỉ được làm sẵn, nên cánh thợ mộc hiện đại không dám làm những đồ gỗ kép công chạm trổ tinh vi như ở trong các đình chùa, nhà cặp, nhà lắm mái đang có trong làng xã. Rồi đến sắt cây, sắt ống (tròn, vuông), nhôm cây, nhôm lá đã chen chân cánh thợ mộc nông thôn giàu truyền thống nhưng cũng phải theo với thị hiếu của thời đại.
. Trần Xuân Toàn |