Hồi năm 1978, khi tiến hành nghiên cứu và tổ chức Hội nghị nghiên cứu về phong trào nông dân Tây Sơn và Anh hùng dân tộc Quang Trung Nguyễn Huệ tại Qui Nhơn, võ sư Đinh Văn Tuấn là người đóng góp công sức vào việc sưu tầm, cung cấp nhiều tài liệu về chủ đề này. Ông cũng là người còn đánh được nhạc võ Tây Sơn 45 trống. Nhân dịp hội nghị, ông có đề nghị với lãnh đạo các cấp, các ngành chức năng tạo điều kiện cho ông truyền dạy lại bài nhạc võ độc đáo này, kẻo khi ông qua đời sẽ bị thất truyền. Tuy vậy, đề nghị của ông không được ai đáp ứng, dù đầu tư cho việc này chỉ là đóng bộ trống đủ 45 chiếc và chọn người, chọn nơi mở lớp.
Võ sư Đinh Văn Tuấn sinh năm 1942 ở thôn An Vinh, xã Bình An, huyện Tây Sơn, nơi nổi tiếng của những lò võ. Từ thủa nhỏ, Đinh Văn Tuấn được thọ giáo ba vị võ sư nổi danh làng võ. Đó là võ sư Đinh Hề, tức Hương kiểm Mỹ, là ông nội chú (tức em ruột ông nội) của Đinh Văn Tuấn. Người thứ hai là võ sư Hồ Ngạnh ở Thuận Truyền và người thứ ba là võ sư Ấm Hổ ở An Thái.
Được ba thầy tận tâm truyền dạy, võ thuật của Đinh Văn Tuấn khá giỏi. Nhưng ông chỉ lặng lẽ dạy học và bốc thuốc chữa các chứng về xương gân như gẫy xương, bong gân, trật khớp… Sau này, ông Tuấn mở lò dạy võ và khoảng năm 1990 và 1992, Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam tại Pháp mời cố võ sư Kim Dũng và võ sư Đinh Văn Tuấn sang truyền dạy và trao đổi kinh nghiệm cho các học trò từ các nước Tây Âu, Bắc Mỹ đang theo học.
Ngày 24-5-1992, võ sư Đinh Văn Tuấn biểu diễn võ thuật ở quận 11 Paris trước mấy ngàn người. Với các bài quyền kiếm theo phong cách võ Bình Định, khi xem võ sư Đinh Văn Tuấn biểu diễn, giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét : "Múa cả bốn hướng, khi tấn khi lui, thân thể, tay chân và đôi mắt của võ sư thể hiện được sự dày công luyện tập, tay đánh nghe hơi gió mà mặt không đổi sắc. Rất mạnh mẽ nhưng cũng rất đẹp mắt". Báo chí Pháp thì viết: "Xem tứ hành quyền võ sư Tuấn biểu diễn, lúc mạnh như hổ, lúc nhanh như khỉ, lúc như chim cắt vồ mồi, lúc như chim hạc tung bay…thật là tuyệt diệu".
Mấy năm trước, võ sư Đinh Văn Tuấn còn sang Angiêri làm huấn luyện viên võ thuật để "đánh đổi" lấy huấn luyện viên bóng đá nước bạn cho đội bóng tỉnh nhà theo thỏa thuận giữa ngành TDTT hai nước. Rồi võ sư trở về công tác ở Sở TDTT, làm trưởng bộ môn võ dân tộc của Liên đoàn võ thuật tỉnh nhà.
Trên mảnh đất Bình Định, võ sư Đinh Văn Tuấn có hàng ngàn học trò võ thuật. Ông cũng có hàng trăm người bệnh khỏe mạnh nhờ những bài thuốc gia truyền của ông. Nhưng đáng tiếc nhất là bài nhạc võ 45 trống của ông chưa có điều kiện truyền dạy cho ai tại Bình Định, bởi ông đã chuyển cả gia đình vào TP Hồ Chí Minh sinh sống gần một năm nay.
Đánh nhạc võ 12 trống, 16 trống đã là rất khó, hiện nay cũng chỉ còn vài ba người. Đánh nhạc võ 45 trống thì gần như chỉ còn võ sư Đinh Văn Tuấn. Dàn trống 45 chiếc gồm 5 trống chầu, 24 trống chiến và 16 trống lỡ. Phương pháp đánh theo trận pháp bát quái, ngũ hành, sử dụng bộ pháp tứ hành thủ âm. Sử dụng cả hai bàn tay sấp ngửa, nắm đấm, cổ tay, cùi chỏ… để đánh, đòi hỏi người đánh phải có sức khỏe, sự khéo léo nhanh nhẹn, chính xác cả về thủ pháp và bộ pháp. Tóm lại, đánh được 45 trống cùng lúc theo một bài bản đòi hỏi sự khổ luyện ghê gớm, phải có lòng kiên trì và sự khéo léo của nghệ thuật.
Những năm trước, võ sư đã biên soạn một số sách về võ thuật và y thuật, được các nhà xuất bản ấn hành, như các tập: "Quyền An Vinh - tự luyện cơ bản", "Roi Thuận Truyền - tự luyện cơ bản", "Ngọc trản công tự luyện", "Nguyên tắc âm dương ứng dụng trong võ Tây Sơn - Bình Định", "Y thuật và nghệ thuật ứng dụng trong võ Tây Sơn - Bình Định"… Chắc chắn võ sư Đinh Văn Tuấn còn có thể truyền lại hậu thế một số công trình về võ thuật và y thuật trong nhiều tác phẩm biên soạn nữa, nhất là truyền dạy và biên soạn về đánh nhạc võ Tây Sơn 45 trống.
Nhưng bây giờ thì ông đã đi rồi. Còn ai đánh được nhạc võ Tây Sơn 45 trống ở đất võ này không?
. Nguyễn Văn Chương |