Thứ Hương Sơn (kỳ 4)
16:56', 28/3/ 2005 (GMT+7)

Hòn Kỳ Sơn

Ở Tuy Phước có hòn Kỳ Sơn cũng là một thổ sơn được nhiều khách phương xa biết đến.

Hòn Kỳ Sơn chạy dài theo hướng bắc nam, bao quanh đến vài mươi dặm, bốn mặt đều có thôn cư: Phụng Sơn, Kỳ Sơn ở phía đông, Hoàng Mai ở phía nam và tây nam, Thọ Ngãi ở phía tây, Tình Giang và Xuân Mỹ ở phía bắc.

Hình núi không đều: Hai đầu nở rộng và cao, chính giữa hơi eo lại và thấp.

Ở đầu phía Bắc nổi lên hai đỉnh đứng song song. Một ngó xuống Phụng Sơn, dáng phưởng phất một con phi cầm, mệnh danh là hòn Phụng Sơn tức là núi Phụng (188 thước). Một ngó xuống thôn Xuân Mỹ, mệnh danh là Xuân Sơn (173 thước). Đầu phía nam, một ngọn thứ ba cao xích soát hai ngọn kia, đứng ngó mặt xuống thôn Hoàng Mai, và mệnh danh là Mai Sơn (181 thước). Khoảng giữa một phần lớn thuộc địa phận thôn Kỳ Sơn ở phía đông và Thọ Ngãi ở phía tây.

Nhưng vì kỳ Sơn có người đỗ đạt, nên núi mang danh là Kỳ Sơn. Tuy có nhiều ngọn và nhiều tên như thế, nhưng tất cả đều chung một gốc và nối liền nhau không đứt. Những tên Phụng Sơn, Xuân Sơn, Mai Sơn chỉ là "Tiểu tự". Tên chính thức ghi trong sách vở vẫn là Kỳ Sơn.

Dưới chân đỉnh Phụng Sơn nổi lên một dãy gò, cong cong hình bán nguyệt, mệnh danh là Phụng Cang tức là Gò Phụng.

Ở phía Đông có một trãng rộng chừng năm ba mẫu, một nửa nằm trên địa phận Phụng Sơn, một nửa trên địa phận Kỳ Sơn. Trên trãng đứng song song hai hòn đá to lớn, lấy cây gõ thì một hòn phát tiếng "bùm bùm" như tiếng trống, một hòn phát ra tiếng "cụm cụm" như tiếng mõ. Người ta gọi là Hòn Trống, Hòn Mõ. Vì mục đồng thường chơi nghịch gõ đá suốt ngày, làm ồn cả làng xóm, nên Chánh Quyền địa phương phải ra lệnh cấm "không ai được chạm vào".

Qua khỏi trãng, leo lên núi độ vài chục bước thì có một cái hầm rộng lớn, gọi là Qui Khanh, tức là Hầm Rùa. Không phải trong hầm có nhiều rùa, mà chính vì trước miệng hầm có một tảng đá hình giống con linh qui.

Hầm ăn sâu vào núi, rồi chạy thẳng lên triền phía Tây tại thôn Hoàng Mai. Lòng hang rộng hơn sải và cao ngó trật ót. Dài cũng đến ba bốn cây số. Nhưng không tối tăm, vì rải rác có những lỗ trống để ánh sáng trên đỉnh núi lọt vào. Thời Việt Nam chống Pháp (1945-1954), nhân dân địa phương thường vào hầm tránh nạn tàu bay khủng bố.

Dưới chân đỉnh Mai Sơn có một đường đèo chạy từ Kỳ Sơn sang Hoàng Mai, tục gọi là đèo Bà Oanh. Dưới chân đèo thuộc địa phận Hoàng Mai có cánh đồng lúa mênh mông và rất tốt, tục gọi là Đồng Đèo. Người ở ngả Phụng Sơn, Kỳ Sơn đến mùa lúa chín, kéo nhau từng đoàn sang gặt. Họ qua đèo từ lúc trời vừa hừng đông, xóm nào theo xóm nấy. Cho nên có câu ca dao:

Rủ nhau đi cắt Đồng Đèo,

Giở cơm cho sớm mà theo xóm mình.

Núi không có cây lớn, nhưng sắc núi luôn luôn xanh biếc. Phía nam lại có giống mai vàng mọc thành rừng, mỗi bận xuân về sườn núi như phơi áo ngự. Rừng mai vàng ở hẳn về hướng Nam. Do đó mà thôn sở tại lấy tên là Hoàng Mai và núi lấy tên là Mai Sơn.

Tại Mai Sơn có phần mộ nhà văn Đào Tấn, nằm trong rừng mai, đầu hướng lên tây nam. Khi tìm được nơi vừa ý để an nghỉ nghìn thu, Đào công có khẩu chiếm một tuyệt rằng:

Nhàn hướng Mai Sơn bốc thọ vôn

Thạch đầu cao cứ tiếu vô ngôn.

Mai tăng tha nhật tàng mai cốt (1)

Ứng hữu mai ba tác mộng hồn.

Tạm dịch:

Non mai vườn thọ tìm xong,

Đá cao đứng tựa ung dung mỉm cười.

Mai Tăng ngày gởi xương mai,

Hồn mai cùng giấc mộng dài nở hương.

Mấy vần thơ thanh điệu cùng với hoa hoàng mai làm thơm danh núi. Rõ là "Thanh sơn hữu hạnh mai danh cốt". Những khách phương xa tìm đến viếng hòn Kỳ Sơn, trước hết đều nghĩ đến phần mộ của nhà văn lỗi lạc đất Bình Định. Và khi đến viếng mộ Đào Công lúc mai vàng nở thạnh, khách tao nhân sao cho khỏi mơ màng đến cốt cách phong nhã của người xưa và vẳng nghe tiếng ngâm trong mùi hương trộn gió:

Gió hương thổi lọt hoàng bào,

Kiều mai tuyết điểm động Đào giăng mây (2)

Đứng tại Kỳ Sơn ngó thẳng xuống Đông, chúng ta thấy một hòn núi hình lăng kính, màu trắng xóa, như một bức bình phong quét vôi trắng.

Đó là hòn Ngư Cốt tục gọi là Xương Cá.

Hòn Xương Cá nằm trong địa phận thôn Lộc Hạ, làm tiền án cho hòn Kỳ Sơn. Đó là một hòn núi đá vôi, không cây không cỏ. Đá mọc lởm chởm, và tất cả, hòn lớn cũng như hòn nhỏ, đều có gai có ốc, trông giống hệt xương cá.

Núi đứng giữa đồng. Những buổi trưa nắng gắt, ở xa trông vào thấy sát khí bốc lên ngùn ngụt. Còn những đêm trăng sáng, những buổi sớm tinh sương, thì đó là một núi kim cương long lanh lóng lánh. Ngôi thạch lăng của Hoàng hậu Mumtaz Mahal ở Ấn Độ tưởng không nhiều hào quang hơn.

Truyền rằng, sau khi gánh hòn Chóp Vung và hòn Kỳ Sơn để yên đâu đấy rồi, ông Khổng Lồ ngồi nghỉ chân. Nhân đầm Thị Nại gần kề, ông bèn tát nước bắt cá. Cá to con béo thịt, ông ngon miệng ăn hết con này đến con kia, ăn mãi, ăn hoài, đến nỗi xương bỏ thành núi. Có người thêm rằng: Khổng Lồ to lớn như núi, nên ăn chừng nấy cá mà vẫn chưa no. Bỗng có một con cá vượt dài hơn một sải nhảy vọt qua Giốc Ngựa để ra biển Đông. Khổng Lồ nhảy theo chụp không được, tức mình dậm chân, núi sụp thành vũng (bên vũng, đá còn lại thành một cái eo, tục gọi là Eo Vược ở trên bán đảo Phương Mai). Rồi bỏ đi mất. Lại có người bảo rằng: Khổng Lồ ngon miệng ăn nhiều quá bị trúng thực bỏ mạng dưới chân đống xương cá kia.

Không biết ai nói trúng. Cổ Bàn Nhân đi qua hòn Xương Cá, nghe chuyện Khổng Lồ, có mấy câu hí tác:

Khổng Lồ ăn cá bỏ xương,

Xương khô thấy đó nghĩ thương Khổng Lồ!

Chừ còn gánh núi phương mô,

Hay hòn Xương Cá là mồ chôn ông?

Chuyện đời tuy có mà không,

Tuy không mà có chuyện ông Khổng Lồ.

(còn nữa)

(1) Mai Tăng là hiệu của Đào Công

(2) Một câu hát trong tuồng Trầm Hương của Đào Công

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Lẫm liệt Bùi Điền  (25/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 3)  (24/03/2005)
Còn ai đánh nhạc võ Tây Sơn 45 trống ?  (23/03/2005)
Nghề thợ mộc ở Bình Định  (22/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 2)  (21/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 1)  (20/03/2005)
Tư duy kinh tế Đào Phan Duân  (18/03/2005)
Tục mừng lúa mới của đồng bào Ba na  (18/03/2005)
Những hòn độc sơn ở Bình Định  (17/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 16)  (15/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 15)   (14/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 14)   (13/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 13)   (11/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 12)  (09/03/2005)
Đi hội vía Bà   (08/03/2005)