Thứ Hương Sơn (kỳ 5)
17:7', 30/3/ 2005 (GMT+7)

Phía Nam hòn Kỳ Sơn, tức Tây Nam hòn Xương Cá, có hòn Hàm Long cũng là một hòn núi có tiếng của Tuy Phước.

Núi không cao (92 thước) cũng không lớn, nằm trong địa phận thôn Thuận Nghi. Hình núi giống như đầu rồng, ngó ra đường Q.L số 1, miệng há rộng. Con sông Hà Thanh chạy từ Nam ra Bắc, qua khỏi núi thì quành xuống Đông để ra đầm Thị Nại, tạo thành một cánh tay ôm lấy chân núi ở mặt Bắc và mặt Tây.

Núi còn có tên nữa là Úc Sơn tức núi Úc. Sông Hà Thanh chạy qua Q.L số 1, núi là Cần Sơn, còn Úc là cái vực ở sát núi phía Tây do con sông Vân Hội tạo nên, gọi là Cần Úc.

Trước núi, nơi "miệng rồng" có ngôi chùa thờ Phật gọi là Long Sơn Tự. Phong cảnh thanh u.

Núi tuy thấp bé, nhưng có thế dụng binh, nên đời Tây Sơn nơi đây có đắp đồn bảo để chống giặc.

Năm Kỷ Vị (1799), Nguyễn Ánh cử đại binh, ra đánh thành Quy Nhơn. Nguyễn Ánh vào cửa Thị Nại, sai Nguyễn Văn Thành và Tôn Thất Hội lẻn qua Kỳ Sơn, đánh úp mặt sau, còn Võ Văn Lượng và Lê Văn Duyệt đánh mặt trước. Không phòng bị quân Tây Sơn bị thua. Kế đó thành Quy Nhơn bị Nguyễn Ánh đánh chiếm và đổi tên là Bình Định.

Trận Hàm Long là một trận đánh lớn trong những trận đánh lớn giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn trên đất Bình Định.

Cách 85 năm sau, một trận kịch chiến thứ hai đã xảy ra trong vùng Hàm Long.

Năm Ất Dậu (1885), quân Pháp đổ bộ lên bãi Thị Nại, rồi kéo lên thành Bình Định. Nghĩa quân Cần Vương chận đánh tại chân núi Hàm Long. Quân giặc đã đông lại đầy đủ binh khí tân tạo. Còn nghĩa binh thì chỉ độ năm trăm người, với mấy khẩu súng đại bác cổ lổ và giáo sào trường kiếm, nên không chống nổi, phải lui lên giữ Cần Úc. Giặc đuổi theo bắn như mưa vãi. Nghĩa binh mượn thế bờ sông, giữ chặt lấy cầu. Giặc thôi bắn dùng lưỡi lê giáp chiến. Nghĩa quân đánh hăng quá, giặc bỏ chạy. Nhưng vừa qua khỏi núi Hàm Long thì quay trở lại bắn. Nghĩa quân đuổi theo không đề phòng chết quá nữa. Còn bao nhiêu thì tứ tán.

Đó là trận đầu giữa nghĩa quân Cần Vương và giặc Pháp.

Trận đó gọi là trận Cần Úc.

Bên Cần Úc có một nổng gò bằng phẳng, mỗi năm cứ mồng một Tết thì nhóm chợ, tục gọi là Chợ Gò. Người ở thành phố Quy Nhơn và người trong quận Tuy Phước đến mua bán và hưởng xuân, tưng bừng rộn rịp.

Và núi Hàm Long nằm ôm ngôi chùa Long Sơn Tự, đã trở thành một nơi u tĩnh thanh lương.

Mai chiều gió ngạt ngào hương

Ai hay rằng bãi chiến trường ngày xưa

Ở phía Tây Hàm Long, cách chừng ba bốn cây số, tại Diêu Trì cũng thuộc về Tuy Phước, có hòn Thù Lộ Sơn tục gọi là Ông Vồ.

Núi đứng giữa đồng ruộng, không cao (137 thước), nhưng rậm rạp. Trên núi có thứ đá xanh rất mịn và rất bền. Người địa phương dùng tiện cối đá bán khắp tỉnh.

Dưới chân núi, phía Đông Bắc có một vực nước, gọi là vực Ông Đô nước lưu thông với vực Thanh Huy ở phía Tây núi.

Trong thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954), nhân dân địa phương đã đào một con mương chạy từ vực Ông Đô  xuống Cần Úc để tưới ruộng. Vừa đánh giặc, vừa đào hàng bốn, năm cây số mương để tăng gia sản xuất. Xem đó đủ biết tiềm lực của người Việt Nam dồi dào biết bao.

Ba hòn núi kể trên (Kỳ Sơn, Hàm Long, Ông Vồ) tuy đứng rải rác giữa đồng ruộng, nhưng đều là dải dóc của dãy Nam San. Còn nhiều hòn khác song không có gì đặc sắc đáng lưu ý.

Trong vùng Phù Cát, Phù Mỹ cũng có nhiều hòn núi nhỏ được khách phương xa nhắc nhở hoặc tới lui. Như:

Hòn Se Sẻ nằm trên cánh đồng Phú Hội, giáp ranh Phù Cát và Phù Mỹ.

Đó là cụm núi còi, đá nổi lổm chổm, mày xam xám, xa trông như một bầy se sẻ đậu. Tên núi do đó mà ra.

Nhưng núi được lưu ý không phải vì "bầy se sẻ đá" mà chính vì ở quanh vùng nhân dân chuyên nghề đan những vật dụng bằng tre, như thúng, mủng, dừng, sàng, nong, nia… Sản xuất đã nhiều, lại khéo và chắc. Nhiều không nơi nào bì kịp, khéo chắc cũng không đâu bì kịp. Sản phẩm chẳng những bán khắp nơi trong tỉnh, mà còn "xuất cảng" ra Quảng Nghĩa, vào Phú Yên… Giá rất rẻ, nên bán rất chạy, chạy hơn cả tôm tươi.

Gần đó lại còn hai thứ tiểu công nghệ nữa là Đồ Gốm ở Chợ Gồm (trên Phú Hội) và Võng ở Cảnh An (trong Phú Hội). Đồ gốm Chợ Gồm có tiếng là nấu không nổ và không khét. Còn võng Cảnh An làm bằng thơm Tàu rất mỹ thuật. Ba món tiểu công nghệ đồ đan, đố gốm, võng đã quyến rũ khách phương xa thường lai vãng, và làm cho nơi sản xuất làm bạn với văn chương:

Chợ Gồm đồ gốm,

Phú Hội đồ đan,

Tiện đàng ghé lại Cảnh An,

Mua thêm chiếc võng cho nàng đưa con.

Ở Chợ Gồm xuống Đề Gi để thăm hòn Lang Sơn. Đây là một hòn núi đá nho nhỏ nằm xuống phía Đông cửa Đề Gi, trên bờ phía Đông đầm Đạm Thủy tục gọi là đầm Nước Ngọt. Núi nhỏ và không cao (169 thước), nhưng đứng ở giữa khoảng trời rộng biển khơi, cảnh trí thật vô cùng ngoạn mục.

Năm 1939, hai nhà thơ có danh ở Nam phần là Đông Hồ và Mộng Tuyết có đến viếng hòn Lang Sơn. Nhân cao hứng Mộng Tuyết ứng khẩu đọc mấy câu mà mãi nay người địa phương còn ca ngợi:

Đề Gi có ngọn Lang Sơn,

Có đầm Đạm Thủy sóng dờn dợn xanh.

Có thơ có rượu có tình,

Có trăng có gió có mình ở trong.

(Vì người nghe truyền miệng lại, nên sợ không đúng nguyên văn. Rất mong tác giả lượng thứ).

Đứng tại hòn Lang trông ra hướng Bắc, cách chừng chín, mười cây số có một ngọn núi nhỏ nữa cũng đứng sát mé bể, đối trĩ cùng hòn Lang, ở ngoài biển trông vào thật cân đối.

Đó là hòn Vi Rồng.

Núi nằm ở thôn Tân Phụng, sát biển. Dáng nhỏ và thấp (105 thước), toàn đá và bị xẻ làm đôi, một nửa ở trên cạn, một nửa ở dưới nước, trông giống chiếc bánh ít xẻ dọc.

Dưới chân nửa núi ở dưới nước, nằm ngổn ngang những tám đá mỏng, chỉ lớn bằng bàn tay sè, hình tròn tròn như vảy cá. Người địa phương gọi là "Đá Vảy Rồng".

Hòn Vi Rồng và hòn Lang liền nhau do một động cát rộng đến hai cây số và dài đến mười cây số. Động cát chạy từ thôn Tân Phụng dọc theo mé biển. Đến thôn Hưng Lạc thì chạy thọc ra biển cho tới thôn Vĩnh Lợi, dưới chân hòn Lang, làm bờ phía Đông cho đầm Nước Ngọt. Cát trong động mịn và trắng phau phau, rải rác có những viên son điểm xuyết. Giữa động, phía trong Hưng Lạc, cát nổi vun lên một vùng rộng có hơn vài mẫu ta, cao như một nổng đồi (43 thước) và lum lum như chiếc thúng úp. Trên nổng cát này có vô số đá son. Do đó nổng cát mệnh danh là Hòn Son.

Son ở đây rất đặc biệt. Chất cứng, ngoài mặt trong hơi đen đen, cầm không vấy tay, nhưng khi mài thì đỏ thắm như son Tàu. Ngày xưa học trò ở các nơi thường đến lượm về mài cho thầy học chấm vở.

Truyền rằng hòn Vi Rồng xưa kia nguyên một khối hình giống vi cá chép. Đời nhà Đường, Cao Biền sang nước ta, đi tìm những nơi thắng địa để ếm. Trông thấy hòn Vi Rồng có linh khí kết tụ, bèn chém đứt để trừ hậu họa cho Trung Hoa. Long mạch bị chém đứt, vảy rồng rơi, máu rồng đổ. Lâu ngày máu đọng lại thành son và vảy cứng lại thành đá. Đó là "Đá Vảy Rồng" và Son trên động cát, trên Hòn Son kia cũng vậy.

Trên hòn Xuân Kiển, trong dãy Lạc Phụng, giữa khoảng Công Trung và Trung Tường, có một dấu bàn chân lớn và dài độ hai gang tay, in sâu vào một tảng đá xanh rộng lớn, người ta bảo đó là dấu chân ông Cao Biền để lại lúc chạy theo chém con rồng tại Tân Phụng.

Sự liên lạc tưởng tượng của dấu chân nơi Lạc Phụng và dấu chém đứt hòn Vi Rồng cho chúng ta thấy rõ sự thật: Hòn Vi Rồng thuộc sơn lệ Lạc Phụng vậy.

Ngoài những núi kể trên, trong tỉnh còn nhiều nữa. Nhưng vì ở trong những nơi khuất tịch, tiếng tăm không được bay xa, nên ít người biết.

Núi Bình Định không lấy gì làm cao (không có ngọn nào cao đến 2.000 thước), nhưng hùng dũng, hiểm tuấn. Càng vào sâu càng thấy nhiều quái thạch kỳ nham và càng nhìn kỹ càng thấy đượm một phong khí thiêng liêng huyền bí.

(còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thứ Hương Sơn (kỳ 4)  (28/03/2005)
Lẫm liệt Bùi Điền  (25/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 3)  (24/03/2005)
Còn ai đánh nhạc võ Tây Sơn 45 trống ?  (23/03/2005)
Nghề thợ mộc ở Bình Định  (22/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 2)  (21/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 1)  (20/03/2005)
Tư duy kinh tế Đào Phan Duân  (18/03/2005)
Tục mừng lúa mới của đồng bào Ba na  (18/03/2005)
Những hòn độc sơn ở Bình Định  (17/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 16)  (15/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 15)   (14/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 14)   (13/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 13)   (11/03/2005)
Núi non Bình Định (kỳ 12)  (09/03/2005)