Sông suối
Sông La Tinh
16:51', 18/4/ 2005 (GMT+7)

Con sông lớn thứ ba của Bình Định, sau Côn Giang và Lại Giang là sông La Tinh.

Đối với ba huyện ngày xưa, ba con sông chẳng khác ba ngọn tim đèn sáp, như trên đã nói. Sông Côn là “sợi tim” của Tuy Viễn, sông Lại Dương là sợi tim của Bồng Sơn, và sông La Tinh là sợi tim của Phù Ly. Cho nên sông La Tinh thường gọi là sông Phù Ly. Hiện nay làm ranh giới cho Phù Mỹ và Phù Cát.

Sông La Tinh phát nguyên tại vùng Hội Sơn thuộc Phù Mỹ.

Hội Sơn là nơi nhóm hội các núi trong vùng. Những khe phát nguyên từ các ngọn núi chung quanh hợp thành Suối Cả. Suối Cả chạy độ 11 cây số thì đến An Điềm, sau khi tiếp nhận nước nhiều khe suối nhỏ ở hai bên bờ phía Đông phía Tây. Đến An Điềm dòng nước chuyển xuống hướng Đông, chạy quanh co chừng mười cây số thì đến Vạn Ninh. Trong khoảng này, có nhiều suối chảy vào. Suối lớn nhất phát nguyên từ vùng Phú Hội Hội Khánh (Phù Mỹ) ở phía Bắc chảy vào, dài đến 11, 12 cây số. Nhờ vậy mà lòng sông mở rộng, lưu lượng lên cao.

Đến vạn Ninh, tại Cửa Khẩu, sông chia làm hai phái: Nam Phái tục gọi là Sông Cái và Bắc Phái tục gọi là Sông Con. Hai phái chảy song song và cách nhau chừng hơn nửa cây số.

Nam Phái chảy xuống Phú Hội, An Mỹ, An Bình rồi vào đầm Đạm Thủy tức đầm Nước Ngọt.

Bắc Phái chảy xuống Kiên Trinh, An Lương, An Xuyên, và cũng vào đầm Nước Ngọt.

Nơi địa đầu Kiên Trinh. bắc Phái có tiếp nhận thêm con suối từ Trung Thành chảy vào, dài chừng năm cây số.

Từ Cửa Khâu đến Nước Ngọt, mỗi phái dài chừng 11,12 cây số, thường bị cạn về mùa nắng.

Thôn Kiên Trinh và thôn Phú Hội nằm trên bờ hai phái, Kiên Trinh thì Hữu Ngạn Bắc Phái, Phú Hội thì  thì ở tả ngạn Nam Phái, đối diện nhau. Ở Kiên Trinh thì có đập Bờ Xe, ở Phú Hội lại có đập Ông Tờ. Gần đập Ông Tờ có một bến đò mà người lái đò lại là một người có học nhưng không xuất sĩ. Ở gần đập Bờ Xe lại có một nhà giáo họ Trần có hoài bão:

Rèn tâm chí trẻ bền son sắt,

Mong nước nhà sau vững cột rường.

Nhà giáo đi dạy ngày nào cũng qua lại bến đò. Ông lái đò không chịu nhận tiền, tiền chuyến cũng không đã đành, tiền tháng, tiền năm cũng nhất định không. Đã biết rằng là chỗ thân tình, nhưng đi năm này sang năm khác, nghĩ cũng ngài ngại trong lòng, nên nhà giáo ngỏ ý muốn đền ơn. Ông Lái Đò cười đáp:

- Thì tặng lão một bài thơ hay.

Tiền bạc thì dễ kiếm chớ thơ hay đào đâu ra! Nhưng nghĩ rằng “Cây nhà lá vườn, không thơm cũng thắm” nhà giáo bèn rủ ông lái đò lên bãi cát, lấy que làm bút, dùng cát làm giấy, và viết một bài theo thể song thất lục bát, có nhiều câu khả ái, rằng:

Bác ở bến Ông Tờ đưa khách,

Tôi lệ thường cặp sách ngày hai

Trần ai tri kỷ là ai?

Non xanh nước biếc hôm mai bạn bằng.

Tôi không ước cung Hằng bẻ quế,

Bác chẳng lòng đáy bể mò châu…

Tình cờ mây nước gặp nhau,

Càng quen càng mến càng lâu càng tình.

Câu tâm sự nay dành riêng bác,

Mong gởi cùng gió mát trăng trong:

Phái chia Nam Bắc mặc lòng,

Vẫn đầm Đạm Thủy vẫn dòng La Tinh,

Nguồn biển vẫn chung tình đất nước,

Thú yên hà mượn chước làm khuây .

Non cao còn quyến lấy mây,

Cá nằm ấp trứng đợi ngày mưa sa…

Vững chèo lái phong ba nào ngại,

Càng chông gai bước lại càng hăng.

Muôn xa chưa tiện cánh bằng,

Đồng giang bóng nguyệt Vũ Lăng hoa đào…

Câu chuyện vừa xảy ra trong vòng mười năm nay, và từ bấy đến nay, khách qua bến Ông Tờ thường nghe nhắc đến câu chuyện. Đó cũng là một cái thú lúc sang sông.

Trên sông La Tinh, cách đầm Đạm Thủy chừng 400 thước, tại xóm Xuyên Mỹ, Thôn An Thuyên, có lăng của Mãn Xà Vương.

Lăng nhỏ xây trên một cồn đất ở giữa đìa nước.

Lăng mới xây vào khoảng Minh Mạng, Thiệu Trị.

Nguyên thời ấy ở trên núi trôi xuống một vỏ rắn to đến hai ôm và dài đến mấy chục thước, tấp đìa nhà họ Trần ở bên sông, mà không ai thấy. Đêm đến, rắn ứng mộng cho dân làng:

- Phải lập lăng thờ, nếu không thì sẽ xảy ra tai nạn.

Dân làng kéo nhau đến nhà họ Trần. Nhà họ Trần ra đìa xem thì quả thấy vỏ rắn, bèn xuất gia-xuy xây lăng nơi đìa mà thờ, Xuân kỳ thu tế. Sau không đủ sức tiếp tục việc phụng sự, bèn giao lại cho làng.

Truyền rằng thần rắn rất linh. Ai cầu gì được nấy. Người qua lại phải lấy nón cổi guốc. Nếu buộc giây lưng đỏ thì phải mở ra cất đi. Trong vùng có hai người không tin, tỏ ý xấc xược, bị thần rắn bắt hộc máu chết tươi.

Một năm cách đây không xa (vào khoảng 1910-15) Bình Định bị nắng hạn, vùng Phù Cát Phù Mỹ không còn một hột nước tưới đồng. Quan Tỉnh nghe đồn lăng Xuyên Mỹ linh thiêng, bèn đến cầu đảo. Hương bén mới nửa cây thì ngoài sau nghe tiếng reo mừng:

- Trời sắp mưa! Trời sắp mưa!

Quan đòi vào hỏi có gì chứng ứng? Thưa rằng có hai “sứ giả” đến báo tin. Quan ra ngoài sân xem thì thấy hai con quạ ở hướng Tây bay về đậu nơi cây đước ở cạnh lăng. Lúc bấy giờ trời vừa đứng ngọ. Trời nắng chang chang. Bỗng gió hiu hiu thổi, rồi mây từ hướng Nam kéo ra, mỗi lúc một dày, ùn ùn ngùn ngụt… Không mấy chốc che lấp cả ánh mặt trời. Liền đó mưa đổ như xối…

Vì thần rắn linh thiêng nên quan địa phương tâu lên triều đình Huế, và nhà vua sắc phong tước “Mãn Xà Vương”.

Lại truyền rằng sau khi lập lăng xong thì có một cặp cua biển và một cặp rắn ngựa đến chầu. Cặp cua biển mai lớn bằng mâm, mắt sáng như một chùm đôm đốm và càng to bén như lưỡi thanh long đao. Những khi tạnh trời thường nổi lên mặt nước. Còn cặp rắn ngựa, thân lớn như cột nhà, da đen mồng đỏ. Khi thì vào nằm trong lăng. Khi thì quấn nơi các cây đại thọ. Những lúc ra đi, tiếng kêu rẻng rẻng như tiếng lạc ngựa rung. Người ta bảo đó là bộ hạ của Mãn Xà Vương. Không ai dám xúc phạm.

Lăng Mãn Xà Vương hiện vẫn còn. Tục gọi là “Lăng Ông Mãn”. Còn cua và rắn thì đã bỏ đi từ khi non nước nôi phong trần.

Những khách du quan đến viếng sông La Tinh, không mấy ai ghé vào Lăng Ông Mãn, nghe chuyện ngày xưa.

Lăng xưa trước mặt sờ sờ,

Khó tin rằng có khó ngờ rằng không.

La Tinh hai nhánh một dòng,

Vàng gieo ánh nguyệt, hoa lồng bóng mây.

Ngoài ba con sông lớn Côn Giang, Lại Dương Giang và La Tinh Giang, Bình Định còn nhiều con sông nhỏ. Đáng kể là :

- Sông Tân Quan thường gọi là Tam Quan.

- Sông An Tượng.

- Sông Hà Thanh.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 2)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 1)  (04/04/2005)
Nghĩa lớn Tăng Bạt Hổ  (01/04/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 5)  (30/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 4)  (28/03/2005)
Lẫm liệt Bùi Điền  (25/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 3)  (24/03/2005)
Còn ai đánh nhạc võ Tây Sơn 45 trống ?  (23/03/2005)
Nghề thợ mộc ở Bình Định  (22/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 2)  (21/03/2005)