Sông suối
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan
16:37', 21/4/ 2005 (GMT+7)

Sông An Tượng:

Nằm trọn trong địa phận An Nhơn. Phát nguyên tại vùng Hòn Bà (phía Bắc Hòn Ông). Từ Nam chảy ra Bắc chừng tám chín cây số thì chuyển mình xuống Đông Nam, qua vùng núi An Tượng, đoanh đoanh lộn lộn trên vài chục cây số, và hợp nhau khi tiếp nhận nước nhiều suối nhiều khe, sông An Tượng hợp cùng sông Cửa Tiền để chảy xuống đầm Thị Nại.

Nước sông An Tượng không được dồi dào, nhất là về mùa nắng. Chỉ đủ tưới cho những cánh đồng ở hai bên sông: Thọ Lộc, Đông Viên, Trung Ái, Phụ Quan, Hòa Nghi. Và có thể coi sông này là một phụ lưu của sông Côn. Nhưng sông được nổi danh là nhờ có Nguồn An Tượng, nơi giao dịch giữa các lái buôn người dân tộc thiểu số và người Kinh.

Sông Hà Thanh:

Nằm phía Đông sông An Tượng và cũng như An Tượng, sông Hà Thanh chạy từ Nam ra Bắc.

Sông có nhiều nguồn. Hai nguồn phát xuất tại vùng núi ở phía Nam hòn Phước Sơn tức Hòn Ông, tục gọi là suối Rào và suối Cây Sung. Một nguồn nữa từ vùng Mục Thịnh chảy ta, tục gọi là suối Sơn Thành. Ba nguồn này hợp nhau lại tại Vân Canh, thành sông Hà Thanh.

Từ Vân Canh, sông chảy xiêng xiêng xuống Đông Bắc, chừng 26, 27 cây số, thì đến Vân Hội  tục gọi là Cây Da  (thuộc Tuy Phước). Trong khoảng này, sông tiếp nhận nhiều khe suối ở hai bên bờ phía Đông phía Tây, nên cữ nước lên cao và lòng sông mở rộng.

Tại Vân Hội sông chia ra làm hai chi:

- Một chi tục gọi là sông Tọc, chảy ra Bắc, qua Trung Tín, Thuận Nghi… để xuống đầm Thị Nại ở phía Đông.

- Một chi tục gọi là sông Ngang, chảy xuống Đông, qua An Thạnh, Bình Thạnh… rồi vào đầm Thị Nại. Trên nhánh sông này có nước đầm Ngọc Châu tức Bàu Cả ở dưới chân núi Sơn Chà, và nước đầm Thanh Cẩn ở dưới chân Đèo Son, chảy ra, hợp nhau lại rồi mới chảy vào biển.

Từ huyện Tuy Phước xuống Quy Nhơn, đi trên Q.L 19, chúng ta phải đi qua ba cầu dài: Cầu Trường Úc bắc ngang nhánh sông Tọc chảy qua Trung Tín; Cầu Chợ Dinh ở trên nhánh sông Ngang chảy qua Bình Thạnh; và Cầu Đôi ở trên con nước từ đầm Thanh Cẩn chảy ra.

Khi đi ngang qua những cầu này, chúng ta thường nghe những câu hát ru em, tuy mộc mạc, nhưng nếu chúng ta để ý thì cũng biết được những phần nào những đặc điểm của địa phương và tánh tình người bản xứ. Như:

- Bao giờ Cầu Úc hết vôi

Đôi ta hết đứng hết ngồi với nhau.

- Chợ Dinh bán nón quai hai,

Bộ tua quan mốt bộ quai năm tiền.

- Cầu Đôi nằm cạnh tháp Đôi,

Vật vô tri còn đèo bồng duyên lứa,

huống chi tôi với mình.

Hà Thanh nước mãi trong xanh,

Đèo Son thắm mãi mối tình đôi ta…

Sông sâu cầu đã bắc qua,

Nén hương bên tháp gọi là đền ơn.

Sông Hà Thanh, sông An Tượng cũng như hầu hết các con sông trong tỉnh Bình Định, lòng không được sâu, nên chỉ có lợi cho nhà nông. Thuyền trọng tải nặng không thể lên xuống được.

Về mặt phong cảnh, sông Hà Thanh và An Tượng có nhiều vẻ kỳ tú khi còn chảy quanh co trong vùng núi non trùng điệp. Nhưng khi ra ngoài đồng bằng rồi thì quang cảnh ít thay đổi của những ruộng nương làng mạc không làm cho du khách quan sanh nhiều khoái cảm như lúc còn ở trên cao. Tuy vậy, lặng nhìn những sắc xanh chen vàng điểm lục của ngũ cốc, những điểm xanh xám hoặc đo đỏ của những nóc nhà chen chúc dưới bóng tre xanh, xoài xanh, những đàn cò trắng, những bầy én tía điểm xuyết tình cây cỏ nước mây…, thì chúng ta sẽ nhận thấy vẻ đẹp của những cô thôn nữ, không làm duyên, không làm dáng, lúc nào cũng giữ nét thùy mị tự nhiên.

Đó là đặc điểm của Hà Thanh và An Tượng.

Sông Tân Quan:

Ở quận Hoài Nhơn, phía Bắc sông lại Dương.

Thường gọi là sông Tam Quan.

Cổ nhân cho là một con sông nhánh của Lại Giang. Có lẽ xưa kia hai con sông lưu thông với nhau do con nước mà hiện nay là con sông đào chảy từ Trung Yên đến Tài Mương.

Hiện nay con sông Tân Quan biệt lập hẳn.

Sông có nhiều suối làm nguồn, từ dãy núi phía Tây chảy xuống. Có hai nguồn chính:

- Một từ ngã Phụng Du chảy xuống Cầu Nước Mặn, xuống Trung Lương, Tăng Long rồi chảy ra Cửu Lợi.

- Một từ ngã Phú Thọ, Phú Lương (tức Lương Thọ) chảy xuống nhập với nhánh trên tại Cửu Lợi, rồi chảy ra cửa Tân Quan.

Vì phát nguyên nơi vùng núi chạy xuống gần biển quá, nên sông Tân Quan dài không quá 15 cây số. Lòng sông cũng không được sâu. Thuyền trọng tải chỉ vào được đến Cửu Lợi.

Chảy vào cửa Tân Quan còn một con sông nữa do những con suối vùng núi Hoài Sơn và Hoài Châu hợp thành.

Con sông này từ phía Tây Bắc chảy xiêng xiêng xuống Đông Nam, đến Trường Xuân (Thiện Xuân và Trường Thành) thì chảy vào cửa Tân Quan. Sông dài độ chừng 11, 12 cây số. Cũng không được sâu, nên chỉ có lợi cho nông nghiệp.

Nhưng cửa Tân Quan nhờ hai con sông hợp lại, nên nước nhiều và lòng sâu. Thuyền trọng tải vào ra tấp nập. Nhờ vậy mà những vùng ở quanh cửa trở nên phồn thịnh. Và Tân Quan trở thành một nơi đô hội, nổi tiếng phong lưu tự ngày xưa. Một vị tiền bối tỉnh Bình Định, tự danh Ông Kiều có bài ca kể những nơi danh thắng ở dọc bờ biển Việt Nam, từ Phú Xuân vào Gia Định. Trong bài có câu nói về Tân Quan:

Đi qua khỏi mũi Sa Hoàng (Sa Huỳnh)

Kìa kìa lố thấy Tam Quan nhiều dừa.

Anh em thề thốt buổi xưa,

Nam thanh nữ tú rõ vừa con ngươi.

Gặp nhau chưa nói đã cười,

Lần vô Từ Phú là nơi nhiều ghè…

Cửa Tam Quan là cửa sông nằm dọc theo mé biển, từ Nam ra Bắc dài chừng ba cây số, từ Tây xuống Đông rộng hơn nửa cây số. Hai con sông ở hai đầu Bắc, Nam. Cửa Tam Quan chảy ra cửa biển Kim Bồng ở phía Bắc, hẹp nhưng sâu, ghe thuyền vô ra dễ dàng, và không sợ sóng gió.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 2)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 1)  (04/04/2005)
Nghĩa lớn Tăng Bạt Hổ  (01/04/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 5)  (30/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 4)  (28/03/2005)
Lẫm liệt Bùi Điền  (25/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 3)  (24/03/2005)
Còn ai đánh nhạc võ Tây Sơn 45 trống ?  (23/03/2005)
Nghề thợ mộc ở Bình Định  (22/03/2005)