Sông suối
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi
17:7', 22/4/ 2005 (GMT+7)

Suối phát nguyên tại Đồng Lớn, thuộc xã Bình Nghi, quận Bình Khê, ở phía Nam quốc lộ số 19.

Ngọn nước từ Đông chảy lên Tây rồi chuyển ra Bắc qua cầu Đập Bộng ở xóm Cao, thôn Phú Thiện (Bình Nghi) rồi chảy ra sông Côn qua cầu Đập Bộng.

Người ta gọi suối Đá Trải là vì nhiều khoảng trong lòng suối, đá xanh trải dài ngay ngắn, bằng lặng, như có tay người sửa sang.

Từ cầu Đập Bộng (QL 19) đi vào Nam chừng ba cây số, chúng ta thấy trên mặt đá có nhiều dấu chân to lớn, in sâu vào đá, như dấu chân người đi, mỗi dấu cách nhau chừng năm sáu bước người lớn, và cứ một dấu ở phía trái thì đến một dấu bên phải. Đi một khoảng dài đến nơi gọi là Trổ Đó.

Tại Trổ Đó có dấu hai bàn chân ngón sâu ngón cạn và dấu hai đầu gối. Chính giữa hai đầu gối có một lỗ tròn, miệng lớn như miệng bát uống nước và sâu đến hai gang tay. Truyền rằng xưa kia có ông Khổng Lồ vào đây đơm cá. Những dấu chân kia là dấu chân Khổng Lồ đi. Và những dấu chân nơi Trổ Đó là dấu chân và đầu gối cùng dấu "cậu ấm" in vào đá khi Khổng Lồ quỳ xuống để giở đó bắt cá.

Vì những dấu "ông Khổng Lồ" ở dưới nước, nên mỗi ngày bị nước chảy mòn lần. Hiện những vết chân đi chỉ còn thấy lờ mờ. Riêng những dấu nơi Trổ Đó còn thấy rõ, nhất là lỗ "cậu ấm" nước rữa láng bong.

Suối Đá Trải có nhiều cá. Nhưng tuyệt nhiên không có cá rô. Vì ông Khổng Lồ ăn cá rô bị mắc cổ, tức mình không cho cá rô vào Đồng Lớn và ở các mương suối xung quanh.

Khách du quan tìm đến Suối Đá Trải chỉ vì Ông khổng Lồ và Thi Nại Thị có để lại mấy câu hài hước:

Lòng tham con diếc tiếc con rô,

Trổ đó còn bia tiếng Khổng Lồ

Hồng để mống chân rồng để nhớt,

Khổng Lồ đi để dấu hồ lô!

Lại có mấy câu nữa rằng:

Không Lộ Khổng Lồ

Ông bắt cá rô

Ông ăn mắt cổ

Ông không xấu hổ

Đỗ lỗi cá rô!

Nước nguồn đồng lớn ít khô

Ông thù ông cấm cá rô không được vào!

Rồi ông bỏ Suối Đá Trải,

Ông đi mãi đến phương nào?

Tháng ngày vắng vẻ âm hao,

Nước qua Trổ đó dạt vào nguồn cơn!

Bụi đời lòng suối sạch trơn!

Lòng ông còn giận còn hờn cá rô?!

Nhớ nguồn rô chẳng dám vô…

Cổ nhân nói rằng:

Sơn bất tại cao hữu tiên tắc danh,

Thủy bất tại thanh hữu long tắc linh.

Nghĩa là :

Non chẳng tại cao, hễ có tiên thì nổi tiếng

Nước chẳng phải tại sâu, hễ có rồng thì phải linh.

Ông Khổng Lồ không phải tiên, cũng không phải rồng, nhưng đi đến đâu để dấu lại đến đó, và làm cho nơi ông đến nổi danh. Như thế công ông Khổng Lồ có thể sánh với rồng  tiên vậy.

Thế mà vào chơi Suối Đá Trải, ít người nghĩ đến công "trang điểm nước non" của Khổng Lồ. Nghe chuyện ông đối với cá rô và thấy những dấu tích ông để lại, mọi người đều giễu cợt ông. Ngoài những vần thơ hài hước của Thi Nại Thị dẫn trên, còn có mấy vần của Định Phong cũng không kém phần hí lộng:

Hỡi ông Khổng Lồ

Ông vô Đá Trải,

Vì tình qua lại

Vướng ngãi vướng nhân

Đi rồi để lại dấu chân,

Gởi tình thêm dấu "đòn cân nặng tình".

Nước tràn Trổ Đó xinh xinh,

Các cô yếm thắm rùng mình… khi đơm.

 

Suối Từ Bi

Suối ở xóm Tiên An, ấp Tiên Thuận, xã Bình Giang, quận Bình Khê. Phát nguyên tại vùng núi đèo Bồ Bồ ở phía Bắc, chảy vào Nam, quanh co chừng sáu, bảy cây số thì vào sông Hà Giao tức Hà Rêu.

Khi đến Tiên Thuận thì suối chảy ngang qua chân phía Tây hòn Kho.

Gọi là suối Từ Bi vì hai bên bờ suối có giống cây Từ Bi mọc đầy. Lá cây thơm, đàn bà thường hái về nấu nước gội đầu, hoặc lót dưới chiếu nằm cho hết mỏi.

Phong cảnh không có gì đặc biệt. Danh được truyền chỉ vì mấy vần ca dao ngậm chứa một niềm cay đắng trong lời văn nửa thống thiết nửa mỉa mai:

Củ lang Đồng Phó,

Đỗ phộng Hà Nhung,

Chàng bòn,

Thiếp mót,

Đổ chung một gùi.

Chẳng qua duyên nợ sụt sùi,

Chàng giận chàng đá cái gùi thiếp đi.

Đồng Phó thuộc Thương Giang, Hà Nhung thuộc Hữu Giang là những vùng ở dưới Tiên Thuận. Cặp tình nhân trong câu ca dao, có lẽ là người Tiên Thuận xuống làm ăn nơi Đồng Phó, Hà Nhung.

Nhưng xét trong ba vùng này, dấu tích nghĩa quân Cần Vương còn rải rác ở nhiều nơi (như Hòn Kho là một). Nên ngờ rằng tâm sự trong câu cao dao kia không phải về tình nhân mà về quốc sự vậy. Có điều gì phũ phàng xảy ra trong các đồng chí coi giữ những vùng này, nên mới thác lời mà gởi nhắn.

Ai viếng suối Từ Bi, thử "đi sâu vào lòng suối" xem coi, ngoài giống cây làm thơm tóc phái nữ, còn có những gì bí ẩn nữa chăng.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 2)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 1)  (04/04/2005)
Nghĩa lớn Tăng Bạt Hổ  (01/04/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 5)  (30/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 4)  (28/03/2005)
Lẫm liệt Bùi Điền  (25/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 3)  (24/03/2005)
Còn ai đánh nhạc võ Tây Sơn 45 trống ?  (23/03/2005)