Suối Đá Dàn
Suối phát nguyên ở vùng núi Phú lạc, thuộc Bình Khê, chảy xuống Kiên Ngãi, Thuận Yên, rồi chảy ra suối Thuận Ninh. Suối còn một tên nữa là Suối Cây Cóm.
Cũng như suối Từ Bi, Suối Đá Dàn, không có kỳ nham quái thạch, nhưng có danh là nhờ câu ca dao ý nhiệm tình thâm:
Chim kêu dưới suối Đá Dàn,
Em còn chút mẹ cậy chàng viếng thăm.
Câu này vì quá phổ biến đã trở thành ca dao, chớ sự thật là một câu tâm sự của người xưa: anh hùng Mai Xuân Thưởng, quê Phú Lạc, nơi phát xuất suối Đá Dàn.
Mai anh hùng tuẫn quốc năm Đinh Hợi (1887). Thái mẫu lúc bấy giờ còn sức khỏe, và khỏi bị liên lụy vì nghĩa Cần Vương. Câu thơ trên là của Mai anh hùng nhắn một ông bạn đồng chí được thoát khỏi nanh vuốt của đối phương.
Truyền rằng: Sau khi phong trào Cần Vương đã lắng dịu, bọn phong kiến thực dân hết đi lùng bắt những người trong phong trào còn sống sót, thì ở Phú Phong các nhân sĩ hợp nhau để cầu tiên hỏi vận nước nhà. Tiên giáng nhưng không xưng tên. Chỉ viết chữ bảo đi mời "Vân Sơn tiên sinh". Vân Sơn tiên sinh tức cụ Nguyễn Trọng Trì, ở thôn Vân Sơn, thuộc An Nhơn, một trong những lãnh tụ phong trào Cần Vương Bình Định được miễn tố. Các nhân sĩ nghe tiên bảo đều có ý ngần ngại:
- Xuống An Nhơn mời được Vân Sơn tiên sinh, trở về thì trời sáng rồi còn chi?
Tiên liền cho biết rằng tiên sinh hiện nằm tại nhà một ông bạn ở xóm trên. Các nhân sĩ cử người đi mời. Lúc bấy giờ tiên sinh đang nằm nơi tây hiên. Phần trời nóng, phần ghẻ ngứa, tiên sinh không ngủ được, đương nghĩ làm "thơ ghẻ" để mua vui. Không giấy bút, tiên sinh lấy ngón tay viết lên không trung những câu nghĩ được. Nghe nói "tiên mời" tiên sinh liền đứng dậy khoác áo đi ngay.
Vừa thấy Vân Sơn đến, cây cọ liền cử động và viết ngay một bài thơ. Vân Sơn giật mình, vì bài "Thơ Ghẻ" của mình vừa phác thảo. Liền đó, cọ viết thêm bài họa. Vân Sơn tiên sinh hỏi tên, Tiên không chịu nói. Hai bên xướng họa cho đến khuya. Những bài xướng họa đều là chữ Hán. Và những vần thơ đều chứa đựng khí vị thần tiên, chớ không đề cập đến quốc sự. Các nhân sĩ có ý chán, bỏ ra về lần lần. Lúc đã thưa người, cọ liền viết một câu Quốc âm:
Nghìn thu Hà Nhạc nương theo bóng,
Một gánh quân thân gởi lại chàng.
Vân Sơn tiên sinh biết thần tiên không phải người xa lạ nhưng chưa đoán được là ai, thì cọ viết tiếp:
Chim kêu dưới suối Đá Dàn,
Em còn chút mẹ cậy chàng viếng thăm.
Vân Sơn tiên sinh liền ôm cọ khóc lớn:
- Mai Nguyên Soái! Mai Nguyên Soái! Cố nhân ơi! Cố nhân!
Câu chuyện không mấy chốc đã truyền xa. Nhưng rồi qua lại ngày qua, già đi trẻ đến, câu chuyện lần lần phai nhạt chỉ còn nghe "Chim kêu dưới suối Đá Dàn…"
Ngày nay:
Ai lên thăm suối Đá Dàn
Để lòng tưởng tới can tràng người xưa.
Suối Đục
Tên chữ là Trược Tuyền. Phát nguyên tại vùng núi phía Bắc ngả Tùng Chánh, chảy vào Thuận Hạnh, chạy gần chân núi Chà Rang, qua ruộng Ba Gò, xuống Hữu Hạnh, rồi hợp cùng suối An Hành chảy vào sông Gò Găng tức sông Quai Vạc.
Nước suối hơi ngà ngà như nước vo gạo. Do đó mà mệnh danh. Suối chảy giữa khoảng đồng trống gò hoang, phong cảnh không có chi lạ. Duy tại Thuận Hạnh, gần đường cái đi, có hai bụi tre lâu đời mọc ở hai bên bờ suối phía Nam phía Bắc. Hai ngọn giao liên, hợp thành một cái nhà tạm thiên nhiên, bóng lồng nước mát. Dưới gốc tre phía Bắc, nổi lên một ụ gò mối vừa to vừa cao. Bò trâu qua lại hằng ngày, cạ lưng vào hoặc lấy sừng hút, năm này sang năm nọ, chân gò mối bị lõm sâu vào thành một mái hiên.
Đã có "nhà tạm tre" lại có "mái hiên gò mối" đủ che mưa tủ nắng, nên khách bộ hành gặp lúc mưa to nắng dữ, thường ghé vào đụt cho qua cơn. Bởi vậy suối cũng có tên nữa là Suối Đục.
Những lúc ghé vào Suối Đục đụt nắng, đụt mưa, trai "anh hùng" gái "thuyền quyên" thường hay gặp gỡ. Mắt qua lời lại, nhiều khi gây nên nợ nên duyên, và "nảy nở" ra những câu hát huê tình làm vang danh Suối Đục:
- Ghé vào Suối Đục đụt mưa,
Chẳng duyên thời nợ gió đưa gặp nàng.
Tư bề ruộng vắng gò hoang,
Cho đây gởi chút can tràng được chăng?
- Giữa đường không tiện nói năng,
Xửng mưa cùng xuống Gò Găng tỏ tình.
Gò Găng có chợ có đình,
Người quen thấy mặt thần minh chứng lời.
Đó là gặp lúc mưa. Còn gặp lúc nắng thời:
- Trời mưa không quán không nhà,
Bờ tre Suối Đục đôi ta cùng ngồi,
Chờ cho ráo giọt mồ hôi,
Cầm tay tỏ thiệt rằng tôi yêu mình.
- Yêu nhau thời mối thời manh,
Tình trao cát trắng dâu xanh tốt gì,
Bọt bèo chút phận nữ nhi,
Miệng đời thị thị phi phi cực lòng.
(Còn nữa)
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|