Sông suối
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt
17:2', 26/4/ 2005 (GMT+7)

Suối Nước Nóng

Suối ở tại thôn Hội Vân quân Phù Cát, chữ gọi là Thang Khê. Suối ở giữa gò mọc cây tràm và chổi thanh hao (dùng nấu dầu khuynh diệp). Phát nguyên từ vùng núi thấp ở phía Bắc, đến Hội Vân nước chảy vào một vũng lòng chảo rộng chừng một sào, đáy sâu chừng trên dưới một thước tây, đá mọc lởm chởm. Nước nóng từ dưới "đáy chảo" trào lên, bong bóng sôi, hơi bốc. Mùi tanh tanh. Nước ngoài chảy vào pha với nước nóng trong vũng, rồi chảy xuống gò, theo hướng Nam chảy vào sông Quai Vạc.

Suối Nước Nóng (ảnh: Văn Lưu)

Vì có nước lạnh pha lẫn nên nước ở bốn phía bìa, nhiệt độ không cao bằng nước ở giữa vũng. Nước ở giữa vũng nóng phỏng tay. Những người ở chung quanh, khi làm heo làm gà, thường đem đến suối mà trụng. Khi xuống khỏi gò chừng năm chục thước thì nước nguội hẳn và không còn phảng phất mùi tanh.

Ngoài vũng nước nóng ra, suối không có gì lạ.

Nhưng dưới thời Pháp thuộc, suối đã làm chấn động cả tỉnh.

Nguyên có một người mắc bệnh phong đến tắm mấy bận thì bệnh lành. Tiếng đồn. Những người có bệnh ngoài da, như ghẻ ruồi, chùm bao… đến tắm cũng đều lành hết. Tiếng nổi vùn vụt… người ta đồn rằng "đức Thánh Mẫu" giáng trần chữa bệnh cứu dân. Ban đầu năm mười người đến…, và mới chỉ có những người mắc bệnh ngoài da. Rồi mỗi ngày mỗi đông thêm, và những người vàng da, ỏng bụng, đau ruột ruột đau gan, đau phèo đau phổi…, cả đến kẻ mù, người câm… hết gần đến xa, đều kéo đến… Đi đường hỏi thăm nhau. Ai nấy đều bảo linh nghiệm hết sức"… Ai nấy đều tin và một số người bệnh vừa đến tới suối "trong mình khỏe lắm rồi!". Một đồn mười, mười đồn trăm, đồn ngàn, đồn muôn… Tự nhiên chẳng những rắn sanh chân mà sanh cả sừng cả gạc! Người khắp tỉnh kéo nhau đi… Người Phú Yên, Quảng Nghĩa nghe đồn cũng đưa nhau đến… Chật cả đường, đầy cả đồng… Chen nhau mà tắm gội, lấn nhau mà múc nước đem về nhà tặng bà con… Có đến gần cả tháng, ngày nào cũng đông nghẹt cả người. Chánh quyền địa phương sợ lâu ngày sanh biến, liền ra lệnh cấm ngăn. Nhưng chận ngã này người ta đi ngả khác. Sau phải bắt giam một số mới "chấm dứt" được việc "đi tìm nước thiêng".

Nhờ đó mà suối nước Nóng nổi tiếng.

Có gì đâu. Suối nước nóng từ các lớp đá nóng trong lòng đất  chảy ra, có chất lưu hoàng, tức là diêm sinh, trị được các chứng bệnh hô hấp, ghẻ sài, phong thấp, nhức óc… những người mắc phải những bệnh ấy uống hoặc tắm nước nóng ở suối thì tất nhiên bệnh giảm hoặc ít hoặc nhiều. Nếu bệnh nhẹ thì khỏi hẳn. Nhưng vì không biết tính chất của nước, nên mới tưởng rằng linh thiêng. Người mình lại có tánh ưa long trọng hóa sự việc. Nhiều người không hẹn nhau, nhưng  vì "đồng thanh tương ứng ", cùng nhau gây nên một "phong trào nước thiêng".

Không phải chỉ ở Bình Định mới có suối nước nóng. Trong sách "Đất Việt Trời Nam" của Thái Văn Kiểm có bài nói về Suối Nước Nóng ở Việt Nam. Thái quân cho biết rằng " khắp lãnh thổ Việt Nam, người chuyên môn nghiên cứu về suối nước nóng đã tìm ra từ trước đến nay gần 100 suối". Các địa điểm đều có ghi rất rõ trong Đất Việt Trời Nam.

Trong các Suối Nước Nóng ở Việt Nam, chỉ có suối Vĩnh Hảo ở Bình Thuận được khai thác theo phương thức khoa học.

Suối Nước Nóng ở Thừa Thiên, nằm ở nguồn Tả Trạch sông Hương, cách Huế chừng 30 cây số, được vua Minh Mạng ban cho tên là "Tây Lãnh Thang Hoằng" và được vua Thiệu Trị liệt vào "Thần Kinh nhị thập thắng cảnh" với thơ đề vịnh khắc vào bia đá dựng trên bờ suối.

Còn suối Hội Vân ở Bình Định thì:

- Thời Pháp thuộc các nhà chuyên môn đến lấy nước thử và cho biết rằng trong nước có rất nhiều chất lưu hoàng và nóng 73 độ.

- Thời Tự Đức, quan chánh chủ khảo trường Bình Định khoa Ất Mão (1855) là Bảng Nhãn thị Trạng Nguyên Vũ Duy Thanh có đến thăm và đề vào đá một vịnh rằng:

Cảnh ấy khen ai khéo đặt bày,

Nước sôi một vũng ở nơi đây.

Rát bao nhiêu độ càng thêm nóng,

Nắng mấy mươi phen vẫn cứ đầy.

Lò tạo hóa nung thâu sớm tối,

Lửa âm dương nấu mãi xưa rày.

Đồ Bàn dấu cũ nay còn lại,

Muốn hỏi nguồn cơn nỗi nước này.

Thật là một tao ngộ đáng ghi.

Và ngày nay, đá tuy không còn nét chữ, nhưng tên người đề thơ cùng mấy vần thơ lưu niệm vẫn còn mãi trong lòng người biết quí Suối Nước Nóng Hội Vân.

Suối Nước Ngọt

Chảy xuống đầm Nước Ngọt, ngoài con sông La Tinh ra còn nhiều suối, mạch nước dồi dào, mà người địa phương gọi là sông.

Vì chung chảy vào đầm Nước Ngọt nên xin gọi chung những suối ấy là "Suối Nước Ngọt" cho được gọn gàng.

Những suối đó là:

- Sông Ngòi phát nguyên tại vùng Núi Bà ở phía Nam đầm Nước Ngọt, chảy từ Chánh Hùng, Chánh Thắng, ra An Quang để xuống Đầm. Đi con đường từ Chợ Gành xuống Đề Gi phải qua cầu bắc ngang sông, gọi là Cầu Ngòi.

- Sông Đức Phổ cũng từ vùng Núi Bà chảy ra Chánh Danh, Gia Lạc, rồi chuyển mình xuống Đạo Long, An Trị, đến Đức Phổ để trút nước vào Đầm.

- Sông Bến Trễ, có hai ngọn. Một từ vùng núi Lạc Phụng chảy vào, một từ Núi Hương ở Trung Thuận chảy xuống, hợp nhau ở An Hoan rồi xuống Công Trung Thanh Xuân để vào Đầm.

- Sông Xuân Kiển từ triền phía Đông núi Lạc Phụng chảy vào Nam, qua Xuân Chánh, để vào Đầm.

Sông Xuân Kiển và sông Ngòi ở bờ phía Bắc và phía Nam đầm. Bến Trễ và Đức Phổ ở bờ phía Tây; Bến Trễ ở gần Xuân Kiển, phía Bắc, Đức Phổ ở gần sông Ngòi, phía Nam.

Trong bốn con sông trên, chỉ có sông Đức Phổ là có tiếng.

Có tiếng nhờ nhiều cá.

Sông Đức Phổ từ nguồn đến Đầm, dài chỉ độ mười một, mười hai cây số. Sông có nhiều con suối nhỏ rót vào nên nước không bao giờ cạn. Khúc sông tại vùng Đạo Long, An Trị lại rất sâu và có nhiều hầm hố, nên cá tụ rất nhiều. Nhiều nhất và ngon nhất là giống cá Vược.

Cá Vược ở đây lớn con và nhiều mỡ, thân trắng nõn nà như những bắp tay cô gái Tây Phương , nhìn cá bơi trong lòng nướctrong xanh thì thật là ngon mắt.

Chính giống cá Vược đã làm cho nhiều người ở phương xa để ý đến sông Đức Phổ. Không biết giống cá Vược này có phải là loại cá Lư Ngư ở Ngô Giang mà Trương Hàn mỗi lần gió thu thổi chạnh nhớ đến phong vị, đó chăng? Chỉ biết rằng, ngoài vẻ đẹp bề ngoài vô cùng gợi hứng, thịt cá Vược sông Đức Phổ rất ngon. Côn Giang có cá chép, Lại Giang có cá bống, thì Đức Phổ có cá vược. ba giống cá này đã làm cho mỗi con sông có một biệt thú đối với khách "Dân Thiên" tri vị.

Còn các tay hàn mặc lại tìm thấy nơi sông Đức Phổ, cũng như nơi sông Côn, sông Lại Dương, cái thú của thầy Trang lúc chơi trên hào cùng thầy Huệ. Nên có mấy câu tỏ tình:

Côn Giang cá chép mép son,

Lại Giang cá bống trắng non vóc ngà.

Tình cờ Đức Phổ lần qua,

Đầy sông cá vược nõn nà búp măng.

Đừng lòng tung lưới tấn đăng,

Để lòng chung thú đớp trăng giữa vời.

Hương vị của sông Đức Phổ kể cũng đã ngọt ngào, nên mệnh danh là "Suối Nước Ngọt" tưởng thật xứng đáng vậy.

Trong những nơi đồng vắng non cao của Bình Định, còn nhiều suối nhiều khe , phong cảnh đẹp đẽ, khí vị thanh thoát. Nhưng chưa được xem tường, chỉ mới nghe mà nghe cũng chưa được rõ, nên tạm "dừng bước" nơi đây:

Nguồn tiên mạch suối còn đầy,

Còn duyên bút mực còn ngày tới lui.

Tình sâu ai dễ  khơi vơi,

Muôn năm vàng đá tạc lời nước non

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 2)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 1)  (04/04/2005)
Nghĩa lớn Tăng Bạt Hổ  (01/04/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 5)  (30/03/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 4)  (28/03/2005)
Lẫm liệt Bùi Điền  (25/03/2005)