Diện tích toàn tỉnh Bình Định phỏng chừng tám nghìn cây số vuông, tức 800 nghìn mẫu tây. Núi non chiếm hơn 2/3 diện tích. Còn độ trên dưới 200 nghìn mẫu Tây là đồng bằng.
Đồng Bình Định là cánh đồng lớn trong những cánh đồng lớn ở trung Việt. Nhưng không được nhất trí như đồng ở nam Việt. Đồng thường bị núi gò làm gián đoạn. Song đoạn nào cũng bát ngát mênh mông, nhất là những cánh đồng ở lưu vực những con sông lớn, như Côn Giang, Lại Giang…. thì sắc xanh của hoa màu liền với sắc xanh của trời biếc.
Ngoài những cánh đồng ở bình nguyên, Bình Định còn nhiều cánh đồng ở nơi miền núi.
Những cánh đồng ở bình nguyên đã có từ khi người Chiêm Thành làm chúa lãnh thổ. Và khi người Việt Nam định cư thì những nơi ở trong lưu vực các con sông lớn được khai thác, khẩn hoang lần lần, từ bình nguyên lên miền núi.
Đồng ở bình nguyên thì lấy tên địa phương mà gọi. Còn ở nơi miền núi, thì có tên riêng từng vùng. Như ở Hoài Nhơn có đồng Vuông ở giữa thung lũng núi thuộc xã Hoài Sơn.
Ở An Lão có đồng Dài tức là đồng Thanh Lương, chạy từ Năng An đến Truông Ổi.
Đồng Dí, đồng Dớn ở vùng Kim Sơn.
Đồng Đế ở xã Mỹ Chánh, quận Phù Mỹ.
Nhiều nhất ở Bình Khê (nay một phần thuộc tỉnh Gia Lai và phần thuộc tỉnh Bình Định là huyện Tây Sơn). Những đồng có danh như:
Đồng Hươu tức Lộc Đỗng, nơi xưa kia nghĩa quân Cần Vương đóng tổng hành dinh nay đã trở thành một xóm ruộng tốt người đông, thuộc thôn Phú Phong, xã Bình Phú.
Đồng Vụ thuộc thôn Trinh Tường, xã Bình Tường. Đây là nơi đóng trại trữ lương của nghĩa quân, tục gọi là nam trại.
Đồng Vụ gồm có đồng Vụ nội và đồng Vụ ngoại. Hiện giờ đồng Vụ nội cũng như ngoại là một đồng lúa phì nhiêu, rộng rãi, chung quanh có núi non, có sông suối. Dấu tích nghĩa quân Cần Vương không còn tìm thấy. Nhưng nhân dân ở đồng Vụ không mấy ai quên trận đánh Pháp ở đây.
Đó là năm Bính Tuất (1886), quân Pháp kéo lên đánh Bình Khê. Nghĩa quân rút lui vào mật khu. Quân địch không tìm ra dấu vết liền đóng binh tại đình Phú Phong cho bọn Việt gian đi dọ thám. Dò biết được lực lượng của địch, Mai nguyên soái bố trí phục kích ở hai bên đường vào đồng Vụ. Quân địch cho điều tra thấy nghĩa binh đóng ở đồng Vụ nội, bèn tiến binh công kích. Để quân địch vào sâu trận địa rồi, nghĩa quân hét lên một tiếng vang trời dậy đất rồi bốn mặt đổ xô ra chém giết. Địch trở tay không kịp, lớp bị chết lớp quăng súng chạy. Nghĩa quân đại thắng. Quân địch rút lui về Quy Nhơn. Từ ấy, những lúc hành binh, địch không dám đi vào sâu trong làng xóm ở xa quốc lộ.
Trong trận này địch bị thương nhiều hơn chết. Và trong số quân tử trận có một tên chỉ huy ngoại quốc, mà nghĩa binh gọi là "ma ní" (vì không phải Pháp chính cống). Chí căm thù xâm lăng lên tới cực độ, và cuộc chiến thắng đồng Vụ kích động tinh thần nghĩa quân đã hăng càng thêm hăng.
Phía trong đồng Vụ, ném về phía Tây Nam, có đồng Le. Tại vùng núi đồng Le có Linh Đỗng là mật khu của nghĩa quân.
Ba nơi đồng Hươu, đồng Vụ, đồng Le ở cách nhau xa nhưng có đường liên lạc bí mật. Đó là khi xưa, chớ hiện nay thì đường qua lại đã mở rộng.
Trong vùng kế cận ba đồng trên, còn nhiều đồng khác như đồng Sim, đồng Gian, đồng Tranh, đồng Dầu, đồng Sa… Những cánh đồng này trước kia đã khai thác, nhưng hiện nay phần nhiều đều bị bỏ hoang.
Những đồng kể trên đều ở phía tả ngạn sông Côn. Phía hữu ngạn còn có một đồng nữa, đất rất phì nhiêu, ruộng cấy hai mùa không bao giờ mất: đó là đồng Quan, nơi nghĩa binh đóng bắc trại.
Ngoài ra, còn nhiều đồng khác, song không có chi đáng nêu.
Những tên đồng ở nơi miền núi, thường thường cổ nhân theo đặc điểm ở mỗi chỗ mà đặt danh. Nhiều nơi hiện nay danh còn đúng với thật. Như đồng Sim vẫn còn nhiều sim, đồng Dầu vẫn còn nhiều cây dầu rái… Nhưng có nhiều nơi đã thay đổi khác. Ví dụ đồng Hươu tên chữ là "Lộc Đỗng" khi xưa có rất nhiều nai. Cổ nhân có câu:
Lên đồng Hươu giục chó săn nai, bị cọp rượt chạy đà giáp ngựa
Xuống quán Ngỗng mua gà ấp vịt, rủi diều tha nuôi thật uổng công.
Nhưng ngày nay thì lộc đã không có mà nai cũng ít thấy bóng nơi núi nơi rừng. Cho nên người địa phương có câu:
Tiết trời đông chí người nhiều rận,
Vùng đất đồng Hươu núi ít nai.
Đồng Bình Định, cũng như đồng ở các tỉnh miền Trung gồm có "điền" và "thổ". Điền trồng lúa. Thổ trồng hoa màu phụ và cây công nghiệp. Điền chia ra ruộng rộc và ruộng gò:
Ra đi cha mẹ dặn dò,
Ruộng rộc thời cấy, ruộng gò thời gieo.
(Ca dao)
Còn hoa màu phụ thì nhiều nhất là dừa, dâu, đậu, mía, khoai lang, khoai mì..v.v..
Đồng Bình Định tuy không phì nhiêu bằng đồng miền Nam, nhưng đứng vào bậc nhất, bậc nhì ở trung Việt. Lại thêm nông dân Bình Định áp dụng triệt để những yếu tố cần thiết trong nghề làm ruộng là nước, cần, phân, giống. Nên từ trước đến nay, người Bình Định ít khi bị đói, và trong chín năm kháng chiến chống Pháp đồng Bình Định chẳng những nuôi sống 800 ngàn dân của tỉnh mà còn tiếp tế cho các tỉnh khác trong liên khu 5.
Nếu có được đầy đủ dụng cụ tân chế, và vốn liếng dồi dào, với cánh đồng tỉnh nhà, nhân dân Bình Định có thể sống một đời sống phú túc phong lưu.
Nên có thơ rằng:
Rộc tiếp gò, soi, đồng tiếp đồng.
Trời mây chung bóng biếc mênh mông,
Vàng cao nghĩa đất hai mùa lúa,
Bạc chứa nguồn tin sáu ngã sông.
Thêm lợi vì dân dừa đỗ mía,
Chung tình với nước giống phân công.
Cuộc đời nay nắng mai mưa mặc
Nuôi tám mươi muôn vững một lòng.
(Còn nữa)
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |