Bờ biển và cửa biển (tiếp theo)
Cửa Đề Gi, Cách Thử
16:39', 9/5/ 2005 (GMT+7)

Cửa Đề Gi

Thông với đầm Nước Ngọt ở phía Tây. Hòn Lang sơn làm cánh cửa phía bắc, mũi đất Đề Gi làm cánh phía nam.

Đây cũng là một hải tấn quan trọng, có Thương Chánh coi việc thu thuế ghe thuyền ra vào.

 

Vùng Đề Gi nhờ có cửa ở phía Đông và chợ ở phía Tây, tục gọi là Chợ Gành. Cũng như cửa An Giũ, cửa Đề Gi còn ghi một vết nhục cho nhà Tây Sơn vào cuối đời Cảnh Thịnh: Năm Canh Thân (1800), Phó thống chế Tây Sơn tên là Thụy đem 150 thuyền lương từ Bắc Hà vào Quy Nhơn. Thuyền vào đậu ở cửa Đề Gi. Lúc bấy giờ quân nhà Nguyễn đã chiếm đóng thành Quy Nhơn, nhưng đương bị Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vây đánh kịch liệt. Nguyễn Ánh được tin đem thủy binh ra cứu. Nhưng không vào được cửa Thị Nại. Tướng nhà Nguyễn là Nguyễn Văn Trương, nhân đi tuần ngoài biển, được tin thuyền lương của Tây Sơn vừa vào đậu ở cửa Đề Gi, liền kéo quân đánh úp. Không kịp day trở, Phó thống chế Thụy thua chạy, bỏ cả số lương có trên 30 ngàn vuông thóc.

Cửa Đề Gi, cũng như cửa Kim Bồng, hẹp và không được sâu nên tàu lớn không vào được.

Ngay trước cửa, cách chừng hai hải lý, có mấy hòn đảo nhỏ tục gọi là hòn Trâu, trong các bản đồ ghi là "He aux Buffles". Không biết đó có phải là nhóm đảo "Trâu nằm" mà vị tiền bối Phù Mỹ là ông Kiều đã đề vịnh chăng? Vịnh rằng:

Trâu ai cắc cớ chẳng ăn đồng,

Lúc ngúc ra nằm giữa biển đông.

Sóng bạc lô nhô xao trước mặt,

Rong xanh tấp tểnh đóng bên hông.

Cán roi Nịnh Thích không sờn dạ,

Ngọn lửa Điền Đan chẳng cháy lòng.

Phải gặp ông Y mà hỏi thử:

Nội sằn lúc trước có cày không?

Ông Kiều còn có bài ca kể các nơi có tiếng ở dọc theo bờ biển từ Phú Xuân vào đến Gia Định. Nhân tiện xin trích một đoạn từ Tam Quan tới Đề Gi để bổ khuyết những nơi mà trên đây không đem vào vì thấy không cần thiết:

Gát ra thấy mũi Sa Hoàng,

Kìa kìa lố thấy Tam Quan nhiều dừa.

Anh em thề thốt buổi xưa,

Nam thanh nữ tú ắt vừa con ngươi.

Gặp nhau chưa nói đã cười,

Bước vô Từ Phú là nơi nhiều ghè. (Từ Phú ở gần cửa An Giũ)

Dông trên suối biếc đẹp ghê,

Muốn cần nước củi ta về Lộ Giao. (Lộ Giao ở phía trong đèo Diêu Quan. Đã nói ở mục Núi)

Ngó ra thấy lò Khô Khao (Khô Khao tức là hòn Khô (hòn Rùa) ở trước Hà Ra)

Ta sẽ đem vào cửa lấp Hà Ra.

Bàu Bàn Gành Mét bao xa, (Bàu Bàn tức đầm Trà Ô-Xem mục "đầm ao" ở sau)

Vi Rồng Phường Mới xinh đà quá xinh.

Vũng Bầu Nước Ngọt lố gành,

Vũng Tô Suối Bún rất tình nên vui… (Xem mục cổ tích "Đá Vọng Phu"-

Vũng Tô Suối Bún ở phía trong Đề Gi).

Từ Đề Gi trở vào đến Cách Thử, trong khoảng trên vài chục cây số, bờ biển thấp và cũng đầy vun cát trắng. Duy tại vùng Chánh Oai Thanh Hy và vùng Tân Lý, núi Bà chạy lài ra sát biển, tạo thành những gành đá gồ ghề. Giữa những gành ấy, ăn sâu vào mấy vũng nhỏ như: vũng Tô, vũng Bắc, vũng Nồm. Những vũng này không có ghe thuyền đậu, chỉ có lợi cho việc chài lưới.

Qua khỏi Tân Lý vào đến Cách Thử thì bãi cát chạy dài theo biển.

Cách Thử  

Cũng gọi là Kẻ Thử, xưa kia là một hải tấn, mệnh danh là Nha Phiên hải tấn, lưu thông cùng đầm Thị Nại ở phía nam.

Năm Quí Sửu (1793) quân Nguyễn Ánh đã vào cửa Cách Thử rồi lên đánh đồn Càn Dương ở Núi Bà. Nhưng sau khi nhà Tây Sơn bị diệt thì cửa biển bị lấp.

Tại sao gọi là Cách Thử?

Truyền rằng thời xưa nơi cửa ghe thuyền ra vào tấp nập. Việc buôn bán rất thạnh. Chẳng những chỉ có thương gia bốn phương giao dịch với nhau, mà người cõi âm cũng đến mua hàng hóa. Người trần không biết, bán hàng lấy tiền, nhưng tiền thâu được khi đem về nhà mở ra đếm lại, thì thấy toàn giấy tiền vàng bạc. Để khỏi bị thiệt thòi người ta mới bày ra cách thử tiền: Lấy một chậu nước bỏ tiền vào, đồng nào chìm tức là tiền thiệt, đồng nào nổi là tiền giấy. Nhân cách thử tiền ấy mà cửa biển lấy tên là Cách Thử.

Còn Kẻ Thử tức là vùng đất của kẻ thử tiền vậy.

Khi cửa Cách Thử chưa bị lấp thì núi Triều Châu là một vùng hải đảo. Sau khi cửa bị lấp rồi thì Triều Châu trở thành một bán đảo, chạy từ Cách Thử đến Phương Mai. (Đã nói rõ ở mục địa lý phía trước)

Bờ biển chạy dưới chân bán đảo, khi thì cát trắng mênh mông, khi thì gành cao mũi nhọn. Từ Cách Thử vào đến Hưng Lương, dài bảy, tám cây số, bờ biển thấp và cát vun từ mé cho tới đầu non. Đi ngoài khơi trông vào trắng phau như tuyết. Khoảng cát này gọi là Trường Châu hay Trường Chử, tức Bãi Dài.

Từ Hưng Lương trở vào, thỉnh thoảng có đôi ngọn núi đá mọc lên sát mé biển, thành bờ biển có nhiều chỗ nổi cao, gập ghềnh khúc khuỷu. Từ Dốc Ngựa vào đến Phương Mai thì bờ biển toàn là gành đá, thỉnh thoảng mới có đôi dải cát viền chân non.

Từ Bắc vào Nam, dọc theo bán đảo Triều Châu có nhiều vũng như vũng Nồm, vũng Bấc, vũng San hô.

Vũng Nồm, vũng Bấc có nhiều cá. Còn vũng San hô thì có nhiều san hô. Trên bờ vũng có một làng cũng lấy tên là San hô. Dân cư thường lấy san hô ở vũng bán cho thợ hầm vôi.

Ngoài khơi rải rác một ít cù lao nhỏ. Được người hàng hải để ý là hòn Cỏ và hòn Cân ở trước mặt núi Hưng Lương, cách chừng hơn một hải lý. Và tại vũng San hô có hòn Khô làm bình phong che cho làng San hô bớt gió.

Ở Bình Định, mùa hè, gió Nam thổi rất mạnh, nhiều khi thổi trốc cả cây cối, nhà cửa. Vùng biển dọc theo triền phía đông bán đảo Triều Châu, ngọn gió thổi lại còn mạnh gấp bội nhất là tại Eo Vược. Người ta gọi là Nam Lò. Ghe thuyền đi qua gặp lúc Nam Lò thổi mạnh thì khó tránh khỏi tai nạn. Cho người đi biển có câu:

Cha chết không lo,

Hỏi thăm Nam Lò thổi dịu, hay săng.

Qua khỏi vũng San hô thì đến mũi Mác tức mũi Yến, một mũi đá nhọn hoắc đâm thẳng vào Nam. Mũi Mác là điểm cuối của dãy Triều Châu. Từ mũi Mác chạy lên tây, qua hòn Mai, đến Gành Hổ tức Hổ Ky, thì bờ biển là chân núi, sóng vỗ gành cao, bãi cát chỉ bày ra khi nước xuống.

Hổ Ky trở mũi lên thành phố Quy Nhơn. Lưỡi cát Quy Nhơn lại chạy dài xuống Phương Mai. Đầu lưỡi dài và thỏn trông như cổ con rùa nằm sát đất và ngó nghiêng vào nam, tục gọi là mũi Cổ Rùa, sách gọi là qui Cảnh Chủy. Mũi Cổ Rùa và gành Hổ giao lại với nhau như hai chiếc răng nanh, làm hai cánh cửa cho đầm Thị Nại. Theo các thầy địa lý, cuộc đất có hình thế "Thủy khẩu giao nha" như thế rất tốt.

Từ Cách Thử đến Phương Mai, bài ca của ông Kiều tiếp rằng:

Thương cha nhớ mẹ ngùi ngùi,

Hòn núi Cách Thử có người bồng con.

Nhớ người hẹn nước thề non,

Lòng ghi dạ tạc bồng con để đời.

Vũng Nồm vũng Bấc xem chơi,

Trong vịnh ngoài vời thấy hòn Cỏ, Cân.

Nam lò Eo Vược rần rần,

San hô, mũi Mác ăn lần hòn Mai…

Cửa Giã có hòn án ngoài…

Cửa Giã nói trong bài ca là cửa Thị Nại.

Cửa Thị Nại thường gọi là cửa Quy Nhơn, là một cửa biển quan trọng nhất của Bình Định.

Từ đời Chiêm Thành cho đến đời Tây Sơn, đời nhà Nguyễn, Thị Nại luôn luôn có quân đóng để phòng ngự. Ở hai bên cửa có đồn lũy kiên cố, hiện còn sót lại đôi dấu tích ở Phương Mai.

Thị Nại hiện nay là một thương cảng, xưa kia là một hải tấn, có quan Tấn thủ coi giữ. Nơi quan Tấn thủ đóng lỵ sở ngày trước, nay gọi là xóm Tấn và chiếc cầu nơi mũi Cổ Rùa gọi là Cầu Tấn. Cầu này có từ đời Chiêm Thành, xây bằng đá, nên sử chép là Thạch Kiều, thời Pháp được sửa lại, đúc bằng xi măng cốt sắt.

Đó là lai lịch xóm Tấn và cầu Tấn.

-    Còn vì sao gọi là cửa Giã?

-     Giã là làm cá. Trước kia nơi lưỡi cát Quy Nhơn chỉ có người chài lưới ở để làm nghề mà thôi, và cửa Quy Nhơn, thời bình, chỉ có ghe thuyền đánh cá ra vào hàng ngày, cho nên mới gọi là cửa Giã.

-    Còn tên Thị Nại do đâu mà ra?

-    Các nhà khảo cổ Tây phương cho biết rằng do tiếng Chiêm Thành Thi Lị Bị Nại sau gọi tắt là Thị Nại.

Tên Thị Nại chẳng những dùng để chỉ cửa biển, mà còn dùng gọi luôn đầm nước ở phía Bắc, vùng biển ở phía Nam và lưỡi cát chạy ở giữa đầm và biển. Sau khi đặt nền đô hộ lên đất nước Việt Nam, Pháp mới đổi tên đất và tên biển ra Quy Nhơn. Tiếng Thị Nại từ ấy chỉ còn dùng để gọi tên đầm.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 2)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 1)  (04/04/2005)
Nghĩa lớn Tăng Bạt Hổ  (01/04/2005)