Bờ biển Quy Nhơn hình lưỡi liềm, mà mũi là Cầu Tấn và cán là Gành Ráng. Lưỡi liềm "bằng bạc" sáng ánh, dài trên năm cây số, luôn được sóng biển cọ mài cho thêm bén thêm xinh. Người địa phương có câu:
Gió Cầu Tấn trưa chiều thổi mát,
Bãi Quy Nhơn mịn cát dễ đi…
Phương Mai Gành Ráng tương tri,
Ngâm câu "thủy tú sơn kỳ…" thảnh thơi…
|
Biển Quy Nhơn |
Qua khỏi 5 cây số "cát mịn dễ đi", đến Gành Ráng thì dãy Nam Sơn chạy xuống sát biển, nên bờ biển nổi cao. Nơi đây gò đống nổi cao, hang hốc hê hủng, gành cao sóng vỗ, khí thế thật là hùng hiểm, khôi kỳ.
Gành Ráng tên chữ là Nhạn Châu, ở phía Tây Nam, cùng với núi Phương Mai ở phía đông bắc, làm hai cánh cửa ngoài che cửa biển Quy Nhơn.
Qua khỏi Gành Ráng đến Quy Hòa, thì núi lại rút lên phía tây để tiếp tới núi Cù Mông, nên bỏ trống một vùng đất bằng rộng độ vài trăm mẫu. Do đó bờ biển hạ thấp xuống, và chạy độ vài ba cây số thì đến chân núi Cù Mông chạy sát biển, sóng bạc gành đen…
Đến đây là cuối tỉnh Bình Định.
Nhưng cách Cù Mông chừng hai hải lý về phía đông nam và cách thành phố Quy Nhơn chừng ba hải lý về phía nam, có một cù lao to lớn, tên chữ là Thanh Châu Dự, tục gọi là Cù Lao Xanh. Trên đảo có đài hải đăng.
Từ Gia Long trở về trước, đảo này thuộc về Phú Yên. Đến triều Minh Mạng mới cải thuộc Bình Định.
Đó là bức bình phong che gió cho cửa Quy Nhơn.
Trong bài ca của ông Kiều, có câu:
Cửa giã có hòn án ngoài,
Các lái chạy ngoài gọi hòn Lao Xanh.
Từ trước đến nay cửa Thị Nại tức cửa Quy Nhơn, đã chứng kiến bao cuộc hưng vong và các trận đánh mà sự kiện vẫn còn ghi trong sử sách.
Đời nhà Lý (1010-1225) ở nước Chiêm Thành, các bộ lạc làm phản. Vua Chiêm sai sứ ra cầu cứu vua nhà Lý. Lý Thánh Tông (1054-1072) sai người con thứ tám là Oai Minh Vương đem thủy binh vào giúp. Oai Minh Vương vào cửa Thị Nại, đóng binh dưới núi Phương Mai, được vua Chiêm Thành ngự giá nghênh kiến. Các bộ lạc nghe đức của Oai Minh Vương, rủ nhau kéo đến quân môn, lạy lục xin tuân theo mệnh vua Chiêm Thành, không dám đem lòng phản trắc nữa. Sứ mệnh xong, Oai Minh Vương kéo quân về nước. Vua Chiêm Thành nhớ công đức lập đền tại Phương Mai phụng tự.
Đời nhà Trần, năm Giáp Thân (1284), vua nhà Nguyên sai con là Thoát Hoan cùng các tướng Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân, giả tiếng, mượn đường Việt Nam, sang đánh Chiêm Thành. Thoát Hoan chia binh làm hai đạo. Một đạo đi đường bộ qua ải Nam Quan. Một đạo đi đường thủy kéo thẳng vào cửa Thị Nại, do Toa Đô chỉ huy. Quân Chiêm Thành để cho quân Toa Đô vào cửa, nhưng giữ các đường hiểm yếu không cho tiến, Toa Đô đánh mãi không được, phải bỏ Thị Nại theo đường bộ ra Nghệ An. Đến đây bị quân ta đánh phải chạy ra bắc, và sau mấy trận kịch chiến, Toa Đô bị quân ta giết chết tại trận Tây Kết.
Năm Bình Thìn (1376), vua Trần Duệ Tông cử 12 vạn quân vào đánh Chiêm Thành. Tháng giêng năm Đinh Tỵ (1377) tiến vào cửa Thị Nại. Quân Chiêm Thành không chống cự. Quân Trần Duệ Tông chiếm cứ đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang (tức vùng Quy Hòa, Gành Ráng và động cát ở chân núi Xuân Quang). Đắc thắng quân nhà Trần kéo lên đánh thành Đồ Bàn. Chế Bồng Nga lập mưu và đánh thắng tiêu diệt gần hết tướng sỹ.
Sang đời nhà Hồ, năm Quí Mùi (1403), quân Hồ Hán Thương lại vào Thị Nại để đánh Đồ Bàn một lần nữa, nhưng hao bao nhiêu xương máu rốt cuộc không thắng.
Nhưng đến đời Lê (1428-1527), vận mệnh nước Chiêm Thành lần lần xuống… Năm Canh Thìn (1470) là năm Hồng Đức nguyên niên, vua Lê Thánh Tông cử hơn 20 vạn tinh binh vào đánh Thị Nại. Quân Chiêm Thành chống giữ kịch liệt, nhưng khí thế quân vua Lê quá mạnh, vua Chiêm Thành là Trà Toàn phải bỏ Thị Nại, rút quân về giữ thành Đồ Bàn. Từ thời Lê Thánh Tông đến thời chúa Nguyễn Phúc Thuần, gần 300 năm (1470-1744), biển Thị Nại được gió yên sóng lặng, chất nước đã trở nên trong. Đến cuối thế kỷ 19 trở về sau, đầm Thị Nại chứng kiến các trận đánh giữa hai nhà Nguyễn. Trận đánh đầu tiên của hai họ Nguyễn trên biển Thị Nại là trận năm Nhâm Tí (1792). Trận này có tướng Pháp là Dayot và Vannier, tục gọi là Nguyễn Văn Phấn, Nguyễn Văn Chấn giúp sức. Chỉ huy thủy quân của Tây Sơn là đô đốc Nguyễn Thành. Lúc bấy giờ gió nam thổi mạnh. Quân Nguyễn Ánh dùng hỏa công đốt cháy thủy trại Tây Sơn. Đô đốc Thành chống giữ không nổi, phải chạy lên thành Quy Nhơn (tức thành Đồ Bàn cũ). Nguyễn Ánh đổ bộ, song liền đó bị đại binh ở thành Quy Nhơn kéo xuống đánh lui.
Qua năm sau, thủy quân Nguyễn Ánh lại ra đánh Thị Nại lần thứ hai. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc sai thái tử là Nguyễn Bảo cầm quân chống giữ. Nguyễn Bảo bị thua, thành Quy Nhơn bị khổn. Vua Thái Đức phải cầu cứu Phú Xuân. Quân cứu viện vừa đến, Nguyễn Ánh liệu không chống nổi liền rút binh về. Quân Tây Sơn trọn thắng, nhưng thắng ở mặt ngoài mà nội bộ trở thành mâu thuẫn: Cháu giết bác để cướp đất đai. Nhà Tây Sơn lần xuống.
Năm Kỷ Vị (1799) Nguyễn Ánh cử đại binh ra đánh Quy Nhơn. Thủy quân vào cửa Thị Nại vào giữa mùa hạ, đồng thời lục quân từ Diên Khánh kéo ra, bị đánh hai mặt, quân Tây Sơn đại bại. Thành Quy Nhơn và thành Thị Nại vào tay Nguyễn Ánh.
Nhưng qua năm sau, tức năm Canh Thân, quân Phú Xuân do Trần Quang Diệu chỉ huy vào đánh lấy Thị Nại giao cho Võ Văn Dũng trấn giữ, rồi kéo quân lên vây đánh thành Quy Nhơn (lúc bấy giờ Nguyễn Ánh đã đổi tên là Bình Định). Nguyễn Ánh được tin Quy Nhơn bị khổn, bèn cử đại binh ra cứu viện. Võ Văn Dũng dùng ba chiếc đại thuyền định quốc và hơn trăm chiếc thuyền chặn ngang cửa biển, lại sai đắp đồn bảo ở Gành Ráng và Phương Mai, đặt súng lớn bắn xuống. Quân Nguyễn Ánh không thể tiến phải rút lui.
Qua năm sau, tức năm Tân Dậu (1801) đợi mùa gió nam thổi, Nguyễn Ánh khiến chế tạo chiến cụ hỏa công, rồi sai Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy, Nguyễn Văn Trương đem đại binh ra đánh Thị Nại. Mặc dù cố gắng tả xông hữu đục, hải thuyền của nhà Nguyễn vẫn không thể vào nổi. Biết không thể dùng sức, tướng nhà Nguyễn bèn dùng mưu. Nguyễn Văn Trương cho gián điệp trà trộn vào quân Tây Sơn lấy khẩu hiệu, rồi đang đêm cởi thuyền nhỏ lẻn vào Hổ Ky, nổi lửa đốt thủy trại. Võ Văn Dũng đương chỉ huy trận tiền thấy lửa cháy ở hậu cứ, thất kinh chia binh trở vào cứu. Võ Di Nguy thừa cơ cởi hải đạo thuyền lướt vào lòng địch. Súng trên đồn bắn xuống, Võ Di Nguy bị trúng đạn chết. Lê Văn Duyệt đốc binh tiếp theo, liều chết vượt khỏi tầm súng. Quân Tây Sơn vẫn giữ đồn bảo cự chiến. Tiếng súng vang trời. Thấy thuyền nhà Nguyễn xông vào, thuyền Tây Sơn chận đánh. Khi hai bên giáp chiến, Lê Văn Duyệt thừa ngọn gió nam thổi mạnh nổi hỏa công. Lửa cháy rần rật và theo gió tạt vào đoàn thuyền Tây Sơn. Gió thổi càng mạnh, lửa cất càng cao. Ánh sáng rực cả mặt thuyền, ngất cả tầng mây và tiếng súng nổ tiếng quân hò reo rầm trời dậy đất. Quân nhà Nguyễn bị chết rất nhiều, nhưng thuyền Tây Sơn bị đốt gần hết. Võ Văn Dũng không chống nổi, phải bỏ Thị Nại kéo quân lên hợp cùng Trần Quang Diệu giữ những nơi hiểm yếu khác.
Trận này là trận lớn nhất giữa hai nhà Nguyễn ở trên biển Thị Nại và cũng là trận sau cùng.
Từ ấy quân nhà Nguyễn giữ vững Thị Nại.
Khi Gia Long lên ngôi rồi vẫn đóng thủy trại ở Thị Nại để canh phòng.
Năm Minh Mạng thứ 7 (1826) cho xây lại Thượng Lộc (tức Cẩm Thượng) một thành đất chu vi 48 trượng bốn thước, cao sáu thước, mở một cửa. Phía đông cửa tại Hổ Ky lại xây một kỳ đài và 12 pháo mô. Đồng thời đặt chức Thủ ngự và Hiệp thủ đến coi việc canh phòng. Phủ sở đóng tại Thượng Lộc. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836) làm thêm một kho ngói, hàng năm trữ 30 ngàn hộc lúa, để tải đi các nơi.
Năm Tự Đức thứ 18 (1865) đặt sở Hải Phòng tại Thị Nại, phía sau Hổ Ky đắp một lũy dài ba trượng có bốn pháo mô, gọi là lũy Thuyền Úc, tức Vũng Tàu và mộ dài ba trượng có năm pháo mô, gọi là lũy Quỳnh Đế. Việc canh phòng rất nghiêm ngặt.
Nhưng năm Ất Dậu, lấy xong kinh đô Huế, quân Pháp đổ bộ lên Thị Nại, xả súng bắn vào các thành lũy đồn bảo. Quân ta không chống cự nổi phải đầu hàng. Pháp chiếm đóng Thị Nại dùng làm căn cứ quân sự đến khi đã dẹp yên phong trào Cần Vương đặt vững nền đô hộ lên đất nước Việt Nam. Chánh quyền thực dân dùng Thị Nại làm lỵ sở và đổi tên là Quy Nhơn, mượn tên cũ thời vua Lê chúa Nguyễn để ngụ ý rằng nơi đây là nơi quy tụ nhân nghĩa, chớ không phải nơi bị giặc Tây di đánh cướp như lời các sỹ phu đương thời đã bảo.
Những cơ sở quân sự của ta ở Thị Nại từ khi Pháp làm chủ lãnh thổ đều bỏ hoang. Nhưng mãi đến triều Thành Thái (1889-1907) mới triệt hạ.
Như thế, cửa biển Quy Nhơn, tức Thị Nại ngày nay là một thương cảng phồn thịnh, nhưng xưa kia là vũng chiến trường. Cho nên thời Pháp thuộc, Trường Xuyên có bài thơ hoài cổ rằng:
Thị Nại xưa kia vũng chiến trường,
Nổi chìm thế sự mấy triều Vương…
Non mây nghi ngút nơi binh dữ,
Biển ráng chưa tan bọt máu hường.
Nhạn lãnh sóng vờn gương đế bá
(Vùng núi tại Gành Ráng tên là Nhạn Châu lãnh. Tại nơi gành phía đông, thời Pháp thuộc có xây biệt thự để vua Bảo Đại nghỉ mát, tục gọi là lầu Bảo Đại. Lầu đã bị phá hủy năm 1949. Và gọi là Gành Ráng không phải là Ráng trời. Người đi biển có bốn tiếng để lái thuyền: Cay: cho thuyền từ phải qua trái; Biết: cho thuyền từ trái qua phải; Nhượng: xoay mũi thuyền theo đầu gió; Ráng: đổ gió trong buồm ra, xoay mũi theo cuối chiều gió. Thuyền hễ qua Gành này thì phải đổ gió nên gọi là Gành Ráng...)
Phương Mai rừng đắp vết tang thương.
Bùi ngùi ngắm cảnh quay trông lại
Lớp lớp xe ai rộn phố phường!
Bờ biển Bình Định qua khỏi Qui Hòa là dừng, để cho Cù Mông chạy tiếp vào Phú Yên với ghềnh với vũng… khiến đất tuy chia ranh giới hẳn hoi, nhưng tình hình đất nước từ bắc vào nam không bao giờ gián đoạn.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn) |