Đầm ao
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy
15:51', 12/5/ 2005 (GMT+7)

Bình Định có ba đầm lớn, kể từ Bắc vào Nam:

-    Đầm Trà Ô

-    Đầm Đạm Thủy

-    Đầm Thị Nại

Cả ba đều nằm dọc theo bờ biển, nước xà hai.

Đầm Trà Ô

Tục gọi là Bàu Bàn, nằm trong cánh đồng Phù Mỹ, cách biển chừng ba cây số về phía tây. Ba mặt bắc tây nam đều là núi, hợp thành một tòa "nhà chữ môn" vĩ đại, mà đầm Trà Ô là khoảnh hồ ở trước sân.

Đầm rộng chừng 13, 14 cây số vuông. Bề ngang từ tây xuống đông, chỗ hẹp trên dưới một cây số, chỗ rộng cũng đến ba cây số. Các khe suối ở các núi ở ba mặt đều chảy vào đầm. Có hai con suối được khách phương xa biết tên nhiều nhất là suối Đập Đãng ở Phú Nhiêu chảy ra và suối Đập Khê ở phía tây chảy xuống. Ngày xưa đầm và biển tiếp xúc với nhau luôn luôn nhưng từ khi cửa Hà Ra bị lấp thì chỉ mùa nước lụt mới lưu thông. Nhờ các khe suối và nhờ không ảnh hưởng thủy triều biển cả, nên đầm Trà Ô luôn luôn đầy, nước đầm không mặn lắm.

Trong đầm, gần bờ phía tây, nổi lên một cù lao nhỏ, cây cối sum sê. Truyền rằng trong rừng cây có quỷ thần ở nên người địa phương rất tôn kính, không ai dám xúc phạm.

Phía nam cù lao nước đầm sâu, làm chỗ nuôi cá. Phía bắc nước cạn, làm nghề trúc đăng. Từ trước đến nay, hai thôn Châu Giang và Trúc Võng trưng thuế đánh cá trong đầm.

Cá tôm trong đầm rất nhiều. Có tiếng nhất là chính và tép. Chình có chình mun và chình bông, thịt ngon và bổ. Còn tép thì bán tươi không hết phải phơi khô để chở đi bán ở các nơi xa. Ca dao có câu:

Rủ nhau mua tép Trà Ô,

Sẵn bờ cát trắng phơi khô đem về.

Phía đông Trà Ô, có hai đầm nhỏ. Một nằm ở hướng bắc tại An Bình, gọi là Bình Hồ Hải Đông Đàm, gọi tắt là Bình Hồ. Một ở phía nam tại Thanh Thủy, gọi là Thúy Ky Đàm.

Bình Hồ hình giống bàn tay trái nắm và chỉ vào nam, chung quanh có một dòng suối bao bọc, nhưng nước đàm và nước suối thường không liên lạc với nhau.Trông thật ngộ nghĩnh.

Còn Thúy Ky thì hình thoi, đầu phía nam đón nước suối từ núi Lạc Phụng chảy ra, đầu ngoài lưu thông với Trà Ô do một con nước hẹp và dài chừng một cây số chảy ra bắc dọc theo bờ Trà Ô rồi chuyển lên tây giáp đầm.

Có thể ví đầm Trà Ô là con gà mẹ, và đầm Bình Hồ, đầm Thúy Ky là cặp gà con. Phong cảnh khá ngoạn mục. Phải chi có thêm hai hồ nữa thì chúng ta có thể thực hiện được trong phạm vi nhỏ hẹp, thú "huề Tây Thi du Ngũ Hồ" của Phạm Lãi.

Đầm Đạm Thủy

Tục gọi là đầm nước ngọt, nằm một nửa ở Phù Mỹ, một nửa ở Phù Cát, có hình chữ nhật cạnh hơi đều. Bề ngang từ tây xuống đông trên dưới ba cây số. Bề dài từ bắc vào nam chừng sáu cây số.

Núi Lạc Phụng của Phù Mỹ làm cánh cửa phía bắc. Núi Bô Chinh tức núi Bà của Phù Cát làm cánh phía nam. Tây là lưu vực sông La Tinh và các con sông nhỏ. Phía đông là động Bạch Sa từ Tân Phụng đến Vĩnh Lợi.

Đầm đón nước sông La Tinh và các khe suối ở Lạc Phụng Bô Chinh chảy vào, rồi chảy ra biển qua cửa Đề Gi.   

Gọi là đầm nước ngọt, nhưng nước đầm không được như vậy. Bằng chứng cụ thể là ở quanh đầm, ba mặt bắc tây nam có bảy thôn lấy nước đầm làm muối, kể từ nam ra bắc là: Thạch An, Đức Phổ, An Xuyên, An Hoan, Hưng Lạc và Xuân Cảnh. Danh thực thật khác nhau xa.

Nhưng chẳng phải riêng gì đầm mới có sự trái ngược. Ở Hoài Nhơn có con suối chạy từ Phụng Du xuống sông Tam Quan. Trên suối, cách Q.L số 1 chừng 300 thước về phía tây có một cái cầu. Nước dưới cầu vẫn là nước ngọt. Nhưng cầu lại mang tên là cầu nước mặn. Dựa vào chỗ danh không đi đôi với thực, nên bạn gái thường hát đố bạn trai:

Tiếng đồn chàng hay chữ,

Tài ngang tú cử,

Lại đây em hỏi thử đôi câu:

Ngọt ngay nước chảy dưới cầu,

Gọi "cầu nước mặn" cớ bởi đâu hỡi chàng?

Lâm thế bí, bên trai bèn mượn đầm nước ngọt mà gỡ:

Thật thà là thói hồng nhan,

Ăn xuôi nói ngược thá gian lạ gì!

Mặn chằng nước vũng Đề Gi,

Gọi đầm nước ngọt lẽ gì hỡi em?

Chàng không đáp được, nàng cũng không đáp được, thành huề cả làng.

Có người cho biết rằng:

Xưa kia nước biển lên đến vùng Phụng Du, theo sông Tam Quan những khi thủy triều lớn. Sau cửa sông và lòng sông bị bồi cạn, nước mặn không lên được nữa, lớp đất trên trôi hết muối, không còn ảnh hưởng đến nước nguồn, nhưng nếu đào nơi vùng cầu, sâu xuống chừng vài sải thì có mặn ngay.

Có người lại bảo:

Gần đó có mỏ calcium hay sodium nên nước chịu ảnh hưởng, chớ không phải do nước biển ngày xưa còn đọng ở dưới lớp đất sâu.

Chưa biết bên nào phải, vì chưa ai thí nghiệm.

Còn về đầm nước ngọt thì nghe truyền rằng:

Năm Giáp Ngọ (1774) chúa Nguyễn là Định Vương bị họ Trịnh ở mặt bắc, nhà Tây Sơn ở mặt nam, đánh mạnh, liệu không chống nổi, bèn cùng cháu là Nguyễn Phúc Ánh xuống thuyền chạy vào Gia Định. Vội vã không kịp trữ nước uống. Nửa đường Định Vương cùng đoàn tùy tùng đều bị khát. Thuyền ghé vào động Bạch Sa, nhưng tư bề đều nước mặn. Vào xóm sợ quân của Tây Sơn bắt gặp, Nguyễn Ánh bèn ngửa mặt lên trời khấn: "Nếu Hoàng Thiên chưa dứt nhà Nguyễn thì xin ban cho nước ngọt". Đoạn truyền đào cát thành lỗ: ai nấy đều hết sức vui mừng vì toàn là nước ngọt (Ở Bình Định thì truyền như thế. Còn ở các nơi thì truyền rằng Nguyễn Ánh được nước ngọt ở giữa biển. Không có gì lạ nếu biết rằng dưới biển vẫn có dòng nước ngọt chảy. Nơi mà Nguyễn Ánh đào giếng hiện còn dấu, tục gọi là giếng Bẹn ở dưới chân Hòn Lang). Do đó, đầm mới lấy tên là nước ngọt.

Nếu chuyện có thật, thì cũng không có gì là huyền bí linh thiêng cả. Hiện giờ nếu chúng ta đào quanh đầm, cách mé nước chừng vài thước thì vẫn có nước uống được chớ không đợi phải cầu trời xanh trời vàng, mà chẳng phải chỉ bờ đầm nước ngọt mới có đặc điểm ấy. Ở Quy Nhơn, Phương Mai… người chài lưới cũng thường đào giếng nơi bãi cát ở mé biển để lấy nước ngọt.

Đầm nước ngọt có rất nhiều cá, nhiều hơn tất cả các đầm. Cá cũng ngon hơn cá các đầm và ngon nhất là cá làm gỏi. Có người bạn "Dân Thiên trị vì" đã nói:

Đến Đề Gi mà không ăn gỏi thì cũng như đến Thủ Đức mà không ăn nem, vào Nha Trang không ăn hải sản cước cá.

Đó là hương vị đặc biệt của đầm nước ngọt mà Đề Gi đã có công quảng cáo, cho nên đầm nước ngọt cũng gọi là vũng Đề Gi.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 2)  (07/04/2005)