Đầm ao (tiếp theo)
Đầm Thị Nại
10:56', 16/5/ 2005 (GMT+7)

Tên thật là Hải Hạc Đàm, nhưng tên này đã bị tên Thị Nại làm lu mờ từ khi Pháp đã thay chữ Hán bằng chữ Quốc ngữ trong học đường và trong các cơ quan hành chính.

Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định.

Đầm rộng trên ba nghìn mẫu tây. Bề dài từ bắc vào nam có đến 12, 13 cây số. Bề ngang từ tây xuống đông phỏng chừng 3, 4 cây số.

Các chi phái sông Côn và sông Hà Thanh đều chảy xuống đầm chia bờ phía bắc và bờ phía tây thành nhiều cửa, nhiều lạch, nhiều bãi, nhiều doi… Thành phố Quy Nhơn làm bờ phía nam, dãy Triều Châu chạy từ Cách Thử đến Phương Mai làm bờ phía đông, phía ngoài cát vun trắng, phía trong non chồng xanh hô hê hóc hiểm.

Nước đầm chảy ra biển Quy Nhơn, qua hai "răng nanh giao mũi" là Gành Hổ và mũi Cổ Rùa.

Nước đầm theo thủy triều mà lên xuống. Khi lên thì lênh láng, ghe thuyền trọng tải lên xuống dễ dàng, những khi có gió thì sóng dậy như biển. Còn khi nước xuống thì ven bờ đầm bị lộ, bùn lầy lênh láng.

Trong đầm ở phía tây, gần phía Quy Nhơn nổi lên một cụm đá rộng, chừng một vài sào và cao chỉ trên mặt nước chừng một thước khi thủy triều lên. Người ta gọi là tháp Thầy Bói. Không hiểu tại sao gọi thế. Có người bảo rằng:

Xưa kia có một bốc sư bói hay như thần, xây một tòa tháp nơi đó. Ai muốn bói thì phải chịu khó đi thuyền ra. Sau khi bốc sư qua đời, không có người coi ngó bị sóng gió phá hoại.

Lại có người bảo:

Thầy Bói đây không phải là bốc sư, mà là tên của một giống chim ăn cá, lớn bằng bắp tay, lông xanh, ức đỏ, mỏ dài, tương tợ chim sa sả. Các nơi gọi là chim bói cá. Người Bình Định gọi là chim thầy bói. Giống chim này thường tụ nơi khóm đá để bắt mồi. Khóm đá dáng tròn tròn nho nhỏ trông như ngọn tháp, nên gọi là tháp Thầy Bói.

Thuyết sau có lẽ đúng hơn bởi vì ở phía bắc tháp Thầy Bói tại bờ phía tây của Thị Nại, nơi Gành Đăng (cửa sông Làng Sông) có một bãi cát rộng tên là Nhạn Chủ, tức bãi Nhạn. Nhạn là giống chim ăn cá như thầy bói, lớn bằng cổ vế, lông trắng cánh dài, giống này thường tụ tập nơi bãi hàng ngàn hàng vạn để nghỉ ngơi sau khi mồi no cánh mỏi.

Chim thầy bói thì chiếm tháp; chim nhạn thì chiếm bãi; nên có tên tháp Thầy Bói và bãi Nhạn.

Trước kia đi thuyền ngang qua tháp Thầy Bói và bãi Nhạn, chúng ta được thưởng thức cảnh:

Nước biếc dờn thu hồng thúy điểm,

Cát vàng trải nắng phấn ngân phơi.

Cách Bãi Nhạn chừng bảy cây số về phía bắc có một làng từ đời Gia Long đến đời Bảo Đại, dân làng được miễn sưu miễn thuế. Đó là làng Dương Thiện, thuộc huyện Tuy Phước.

Vì sao lại được đặc ân ấy?

Truyền rằng:

Lúc Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng Nguyễn Phúc Ánh chạy vào Gia Định đến cửa Cách Thử thì dây chèo bỗng đứt. Trời lại tối, gió bấc thổi mạnh, sóng bạc trùng trùng. Thuyền Nguyễn Vương dạt vào cửa rồi trôi thẳng vào đầm Thị Nại (Cửa Cách Thử lúc bấy giờ chưa bị lấp, và thông lưu cùng đầm Thị Nại). Mịt mờ bốn mặt, không biết nên vào núp nơi đâu. Đương lo sợ phân vân thì chợt nghe tiếng "khịt khịt" ở trước mũi thuyền. Nhìn xem thì thấy một con rái cá to lớn nổi lên mặt nước, lưng óng ánh màu ngân. Rái vừa bơi vừa kêu, như mời như rủ. Nguyễn Vương liền truyền bơi thuyền theo. Rái trước thuyền sau. Đi được một chặng đường thì rái nhảy lên bờ, thuyền theo rái mà cập bến.

Nơi thuyền gặp rái thuộc địa phận làng Vinh Quang. Nơi rái đưa thuyền vào bờ thuộc địa phận làng Dương Thiện. Nguyễn Vương cùng đoàn tùy tùng được tiếp đãi trọng hậu.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ ơn cứu nạn, phong cho rái chức Đại Tướng Quân, lập đền thờ tại lăng Vinh Quang và xuống chiếu miễn sưu thuế đời đời cho toàn dân làng Dương Thiện. Bởi vậy trong thời phong kiến, ai cũng muốn tịch vào Dương Thiện. Và vì được vua phong làm Đại Tướng, Rái trở thành một vật linh thiêng. Người trong vùng đều gọi bằng "Ông" (Ông Rái) và không ai dám sát hại. Nếu bị phá lưới phá đăng để ăn trộm cá, thì đành vái "Ngài đoái thương". Do đó những kẻ không tài  không đức mà có chút ít công lao cùng kẻ có quyền thế rồi được lên một địa vụ cao sang, người Bình Định thường gọi là "Tướng Rái".

Ở mé đông bắc đầm, dưới chân dãy Triều Sơn tại thôn Huỳnh Giản (Tuy Phước) có đền thờ  bà Cố Hỷ.

Bà Cố Hỷ sống vào thời đại nào không được rõ, có lẽ đã lâu đời lắm nên có nói những việc quá cũ kỹ, người Bình Định thường nói "Từ đời bà Cố Hỷ Cố Lai". Bà nuôi trâu rất nhiều. Sau khi bà qua đời, trâu không người chăn, phá chuồng lên núi, lâu ngày thành trâu hoang. Trước đây trên dãy núi Triều Sơn có nhiều trâu rừng, người ta bảo đó là trâu bà Cố Hỷ.

Đền thờ bà Cố Hỷ do nhân dân sở tại lập, đền ngó xuống sông. Mỗi năm vào tiết xuân thiên, nhân dân trong thôn kết thuyền ở trước đền làm sân khấu, rước bạn hát bội đến hát để cầu bà phù hộ cho biển lặng sóng êm, chài lưới được nhiều cá.

Cuối thôn Huỳnh Giản, về phía nam, sát mé đầm có một rừng rậm, bùn lầy sập sình và mọc toàn cây chại. Trong rừng có nhiều trăn, ít người dám tới. Vùng ở quanh rừng gọi là bến Trảy.

Nơi bến Trảy có một cái khe gọi là khe đá. Hai bên khe nổi lên hai ngọn núi đất đen, cao chừng 59 thước, mọc toàn cây tràm.

Truyền rằng ở dưới khe có con cù to lớn, đầu quay ra Hòn Bà, đuôi trở vào Phương Mai, thỉnh thoảng cựa mình làm cho cát bồi đất sụp. Khe đá và núi đất đen tại bến Trảy do con cù mà ra. Từ khi ông Núi đến cất chùa tại núi Phương Phi, thuộc hòn Bà, thì cù không cựa quậy được nữa. Nhân dân trong vùng được bình yên. 

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)