Đầm ao (tiếp theo)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn
16:32', 18/5/ 2005 (GMT+7)

Đầm Thị Nại

Tại Huỳnh Giản lại có một bến đò đưa "nậu rổi" ở vùng Triều Châu sang Tân Giản để đi chợ Gò Bồi (phía tây đầm). Nậu rổi toàn là đàn bà con gái, sáng sớm đi chợ bán tôm cá, trưa về Tân Giản nghỉ ngơi, đợi xế chiều đò Huỳnh Giản sang đưa về nhà. Lúc nghỉ ngơi, trai gái thường giao duyên gặp vui xa nhớ. Nên ca dao có câu:

Vui thời một chút ngọt bùi,

Bước qua thân dậu ngậm ngùi nhớ thương.

Kể cũng tình tứ lắm!

Cá ở Triều Chân đem sang các chợ bán là cá biển. Cá đầm Thị Nại cũng rất nhiều, ăn không hết, bán không hết. Người ở quanh đầm dùng làm nước mắm và phơi khô đem bán cho người dân tộc thiểu số vùng cao nguyên.

Cá Thị Nại, Triều Châu ngon không thua cá nước ngọt. Có tiếng ngon nhất là cá nục. Giống cá này có nhiều thứ, được ưa chuộng nhất là cá nục vọng, bị "hất hủi" là cá nục gai. Vì vậy, để bênh vực cá nục gai các chị bán cá vừa bán vừa hát:

Cá nục gai bằng hai cá nục vọng,

Vợ chồng nghĩa trọng,

Nhơn ngãi tình thâm

Xa nhau muôn dặm cũng tầm

Gặp nhau hớn hở tay cầm lời trao.

Cũng ý vị lắm. Dù cá không ngon, chỉ nghe cũng đủ thấy ngon rồi vậy, huống hồ "cá nục Thị Nại  ăn mãi không nhàm", cho nên khách phương xa có đến Gò Bồi và Quy Nhơn không nên quên nếm thử cá nục.

Nguồn lợi của đầm Thị Nại chẳng phải chỉ có tôm và cá. Tại bờ phía tây, từ Hưng Thạnh ra tới Bình Thới, ruộng muối thênh thang.

Thành phố Quy Nhơn phồn thịnh, một phần nhờ đầm Thị Nại. Chẳng những nhờ về sản phẩm mà còn nhờ mặt "phong thủy". Theo các thầy địa lý thì mũi Cổ Rùa và Gành Hổ là hai cái răng làm cho đầm Thị Nại trở nên cuộc đất "thủy khẩu giao nha" rất tốt vì nước tích trữ dồn tài lộc cho các miền xung quanh. Nghĩa là về mặt vật chất cũng như về mặt tinh thần, Quy Nhơn chịu ảnh hưởng của đầm Thị Nại không ít. Trái lại, đầm Thị Nại cũng chịu ảnh hưởng của Quy Nhơn rất nhiều vì có Quy Nhơn đầm mới mở mang về mặt thương mại, mới rộn rịp về mặt giao thông. Và từ trước đến nay, Thị Nại đã cùng Quy Nhơn chung vui chung chịu biết bao thăng trầm, suy thịnh.

Nhưng:

Quản bao thế sự thăng trầm,

Nghĩa non đá vững, tình đầm nước sâu.

Ngoài ba đầm đá vững, Bình Định còn nhiều ao, bàu. Đáng kể là:

Giao Trì

Tục gọi là ao cá sấu, ở làng Tài Lương, hội tỉnh, quận Hoài Nhơn.

Trước kia tên là Ngạc Ngư Trì, tức là ao cá sấu.

Năm Minh Mạng thứ 13 mới đổi là Giao Trì tức là ao cá nhám.

Chưa gặp người hiểu biết để hỏi rõ vì sao lại có tên là ao cá sấu và cớ gì lại đổi làm ao cá nhám.

Có hai ao nhỏ ở cạnh nhau, một ở phía bắc hình bầu dục, một ở phía nam hình giằng xay. Cả hai hợp lại thành hình chữ Sơn viết thảo.

Ngạc Đàm

Tục gọi là bàu Sấu ở dưới chân phía tây núi Kỳ Đồng, ở giữa thôn Đại Bình ở phía tây và thôn Triết Tràng ở phía đông (núi Kỳ Đồng nằm trong thôn Thiết Tràng) thuộc huyện An Nhơn.

Gọi là bàu Sấu vì xưa kia có một con cá sấu ở nơi bàu, sau bị lụt trôi đi mất.

Bàu chỉ lớn độ vài ba mẫu, nước sâu, nắng mấy cũng không cạn. Nước bàu do con suối ở vùng núi phía bắc chảy vào, rồi chảy ra bắc phái sông Côn, qua lại Đại Bình và Thiết Tràng, quanh năm phải đi đò chớ không bao giờ lội được.

Bàu rất nhiều cá, nhiều nhất là cá chép. Nhiều con lớn hàng ba bốn búng tay và dài hàng nửa sải, vảy sáng ánh như đồng, mắt đỏ ngời như lửa. Cá sông Côn đều do bàu Sấu mà ra.

Năm Đinh Hợi (1887) bàu Sấu đã chứng kiến một cuộc tranh đấu vừa anh dũng giữa nghĩa quân Cần Vương và giặc Pháp. Mai anh hùng đã dùng bàu Sấu để lập trận thủy bối đánh quân Trần Bá Lộc, tên Việt gian tay sai của thực dân. Sau trận này, nghĩa quân bị tan rã.

Trong bài văn tế Mai anh hùng có câu:

"Đuối tay kinh tế, hàng căn thân đóng khép Đồng Hưu;"

"Kết trận thư hùng, đoàn nghĩa sỹ máu trôi Bàu Sấu"

Ở Tuy Phước có:

Chằm Kim Ngân ở Dương Hội, chằm Thanh Huy ở thôn Thanh Huy. Hai chằm này, nước thông nhau, một nằm ở phía đông, một nằm ở phía tây. Đầm Thanh Huy ở phía đông lại thông với vực ông Đô ở phía đông bắc. Ba chằm này nằm  phía tây bắc ga Diêu Trì, dưới chân núi ông Vồ.

Ở dưới chân hòn Sơn Chà, có Bàu Cả ở giữa thôn Long Vân (phía bắc), Phú Tài (phía nam), và Ngọc Châu (phía đông) và đường Q.L ở phía tây. Gối đầu lên hai ngọn núi Sơn Chà, ngó mặt xuống hai ngọn núi Vân Quang.

Bình Khê và Phù Cát, không có bàu ao nào to lớn. Duy ở Đồng Tre thuộc thôn Tả Giang (Bình Khê) có một cái bàu không lớn mấy, nhưng có tiếng:

Bàu Đồn

Bàu nằm dưới một dốc cao gọi là dốc ông Mai.

Nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng đã lập một cứ điểm quân sự (đồn bảo) để chống Pháp tại nơi bờ bàu dưới chân dốc. Bởi vậy bàu dốc mới mệnh danh là bàu Đồn và dốc ông Mai.

Đó là một di tích lịch sử nên được nhiều người lưu ý.

Các bàu ao thượng dẫn đều có nhiều cá và nước ít khi bị khô, cho nên đồng bào ở thôn quê rất quí. Nhiều nơi có thể lấp bằng để làm ruộng, những người thấy xa không bao giờ tham chút lợi trước mắt.

Ao bàu giúp cho nhà nông "bát cơm dày, khúc cá ngon", cho nên quí là phải.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)