Thắng cảnh - Cổ tích
Các ngọn tháp
16:33', 20/5/ 2005 (GMT+7)

Một tỉnh có thắng cảnh - cổ tích nhiều chừng nào thì nổi danh chừng nấy. Thắng cảnh và cổ tích ở Bình Định không hiếm.

Nhưng hầu hết du khách đến Bình Định, người trong nước cũng như người nước ngoài ngày xưa cũng như ngày nay, ai nấy cũng đều để ý trước nhất đến những cổ tích. Mà vì Đồ Bàn là đất cũ của Chiêm Thành nên cổ tích phần nhiều là dấu tích cũ của Chiêm Thành để lại. Những ngọn tháp cổ đứng sừng sững khắp đó đây và những dấu thành trì nằm dưới lớp rêu xanh sỏi đỏ.

Các ngọn tháp

Tháp Phú Lộc (ảnh Đào Tiến Đạt)

Ở Bình Định hiện còn 8 cụm tháp. Theo con Quốc lộ số 1 đi từ bắc vào nam thì trước hết chúng ta thấy hòn tháp Phú Lộc, tục gọi là Phốc Lốc, và Pháp gọi là Tour d'Or (Tháp Vàng).

Tháp đứng chon von trên ngọn thổ sơn tròn trịa, không cây cối, ở giữa cánh đồng lúa mênh mông, một nửa thuộc Châu Thành (Phù Cát), một nửa thuộc Nhơn Thành (An Nhơn).

Tháp trông có vẻ ngạo nghễ nhưng đượm sắc trầm tư.

Từ tháp Phốc Lốc đi vào một chặng đường nữa lại thấy một ngọn tháp thứ hai cũng cao ngất trời xanh và cũng nhuộm màu bể dâu như Phốc Lốc. Đứng xa nhìn hai ngọn tháp thật giống hai chiếc sừng tê giác phủ khăn đà. Có người lại bảo giống đôi đũa gắp mây trời qua lại.

Ngọn tháp thứ hai đó là tháp Cánh Tiên, chữ gọi là Tiên Dực, và Pháp gọi là Tour de Cuivre (Tháp Thau).

Tháp ở trong phạm vi thành Đồ Bàn cũ, thuộc huyện An Nhơn. Vì đứng trên một gò cao và rộng đến mươi lăm dặm nên ở xa ngó thấy tháp cao ngất, nhưng lại gần vì không thể nhìn thấu chân gò được, trông dường không lấy làm cao. Bởi vậy cảnh tháp ngó không được oai nghi bằng tháp Phốc Lốc. Và cũng như tất cả các cổ tháp khác, tháp này dưới chân đã bị nắng mưa xói mòn nhiều lắm, và trên chóp cũng có đôi chỗ sập hư.

Tháp ở cách miếu Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu không xa, nên người địa phương có câu:

Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên

Cảm thương ông Hậu thủ thiền ba năm.

Và một nhà thơ đến viếng Cánh Tiên có để lại mấy vần ký thác:

Rồng thiêng tiên cỡi đi đâu?

Cánh Tiên để đó dãi dầu nắng mưa.

Cùng non tháp giữ tình xưa,

Trải bao dâu bể vẫn chưa núng lòng.

Đồ Bàn còn núi còn sông,

Còn tiên kết cánh, còn rồng tuôn mây.

(Nói đến rồng vì có núi Long Cốt bên cạnh)

Qua khỏi Cánh Tiên, đi chừng mươi cây số thì thấy trên đỉnh núi sát bên đường một nhóm bốn tháp: một ngọn lớn ở trên cao, ba ngọn nhỏ ở dưới thấp, xa trông giống hình bốn chiếc bánh ít lá gai lột trần đơm trên mâm cổ bồng vun ngọn. Đó là tháp Thị Thiện, tục gọi là Bánh Ít, thuộc địa phận Tuy Phước, Pháp gọi là Tour d'Argent (Tháp Bạc).

Tại sao gọi là Thị Thiện?

Đại Nam nhất thống chí chép: "Tương truyền có bà Thị Thiện làm quán ở chân núi để bán bánh, nên gọi là tên ấy".

Tháp gọi là Thị Thiện, núi cũng gọi là Thị Thiện. Núi nằm trong địa phận Huỳnh Kim, Vạn Bửu, Phong Niên, Đại Lộc, thuộc quận Tuy Phước. Núi đất trơ trụi và không cao (177 thước) nhưng trông có bề thế.

Dưới chân núi Thị Thiện có con sông (một nhánh của sông Côn) chảy sát đường quốc lộ. Trên sông có cầu tục gọi là cầu Bà Di, nên đi qua tháp Bánh Ít, hành khách thường nghe hát rằng:

Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di,

Sông xanh núi cũng xanh rì,

Vào nam ra bắc ai cũng đi con đường này.

Nghìn năm gương cũ còn đây,

Lòng ơi! Phải lo nung son sắt kẻo nữa đầy bể dâu.

Theo tiếng hát mà đi xuống tới địa đầu thành phố Quy Nhơn lại có tháp Hưng Thạnh, Pháp gọi là tháp Kmer (Cờ Me), người mình thường gọi là tháp Đôi.

Mang tên là tháp Đôi là vì tháp có hai ngọn đứng song song trên khoảnh đất liền, một ngọn cao một ngọn thấp, xê xích nhau bên chín bên mười. Tháp trông có vẻ hiền lành, khiêm tốn và đối với cảnh vật chung quanh coi bộ hòa hảo, chớ không có ý cô cao, độc lập như những ngọn tháp vừa qua.

Ở phía bắc tháp có một dãy núi chạy xuống và ở phía tây có một nhánh sông (chi lưu của sông Hà Thanh) chảy ngang. Trên sông có hai cầu, một cầu xe hỏa, một cầu ô tô bắc song song. Người ta gọi là cầu Đôi.

Tháp đã đôi mà cầu cũng đôi - cũng thật hữu tình quá. Bởi vậy những cặp tình nhân thường mượn cảnh cầu cảnh tháp để ngỏ nỗi lòng với nhau. Rằng:

Cầu Đôi nằm cạnh tháp Đôi,

Vật vô tri còn đèo bồng duyên lứa,

Huống chi tôi với mình.

Lại hát nữa rằng:

Tháp kia còn đứng đủ đôi

Cầu nằm đủ cặp, huống chi tôi với nường.

Tháp ngạo nắng sương,

Cầu nương sắt đá.

Dù người thiên hạ,

Tiếng ngã lời nghiêng,

Cao thâm đã chứng lòng nguyền,

Còn cầu còn tháp, còn duyên đôi lứa mình.

Non sông nặng gánh chung tình.

Các ngọn tháp trên đây đều nằm hai bên Quốc lộ 1, Quốc lộ 19, khách du lịch đến thăm viếng được dễ dàng. Ở trái đường xe, cách Quy Nhơn chừng vài chục cây số, có tháp Long Triều ở tại thôn Xuân Mỹ và tháp Thanh Trúc ở thôn Bình Lâm. Cả hai đều thuộc Tuy Phước, đường khó đi nên ít người đến viếng.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)