Thắng cảnh - Cổ tích
Các ngọn tháp (tiếp theo)
10:37', 23/5/ 2005 (GMT+7)

Nếu theo dòng sông Côn đi ngược về hướng tây, cách Quy Nhơn chừng ba chục cây số, chúng ta được xem hai cụm tháp nữa là tháp Thủ Thiện và tháp Dương Long.

Tháp Dương Long

Tháp Thủ Thiện, người Pháp gọi là Tour de Bronze (Tháp Đồng) đứng trên một dãy gò thấp, chung quanh ruộng nương, làng xóm, thuộc thôn Thủ Thiện xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn. Tháp đứng một mình, trên đỉnh có một cây đa cổ thụ, cành lá sum sê, đứng lắc la lắc lẻo, làm cho cảnh tháp trông thêm phần cổ kính.

Tháp Thủ Thiện ở bên nam ngạn sông Côn, cách sông chừng một cây số. Tháp Dương Long ở bên bắc ngạn sông Côn và cách tháp Thủ Thiện chừng bốn năm cây số.

Tháp Dương Long gồm có ba ngọn đứng ngang nhau trên một nổng gò cao, một nửa thuộc thôn Vân Tường, một nửa thuộc thôn Trường Định, quận Bình Khê. Ngọn tháp chính giữa cao hơn hai ngọn hai bên, một mười một tám. Người Pháp gọi tháp này là Tour d'Ivoire (Tháp Ngà).

Trong các tháp ở Bình Định, tháp Dương Long ít hư hơn hết và cũng đẹp hơn hết.

Về mặt kiến trúc, tháp này về kiểu thức cũng như về cách xây dựng không khác mấy các tháp trong nước, trong tỉnh: cũng xây bằng gạch nung đỏ nhưng không thấy dấu hồ, cũng chân vuông đỉnh nhọn, kiên cố hoành tráng. Song ở những hình chạm trổ trên đá xanh nguyên khối, trang trí nơi cửa tháp, bốn phía tháp và trên đỉnh tháp trông vẫn còn rõ ràng như mới. Kỹ thuật điêu khắc thật tinh vi. Những con vật kỳ hình, dị dạng, những vị thần mặt mày dữ tợn, những vũ nữ đương múa…, được chạm khắc tỉ mỉ, đường nét mềm dẻo nhịp nhàng, trông linh động như sống. Các nhà khảo cổ nước ngoài đến Bình Định, đều tìm đến xem tháp này, ai nấy cũng đều công nhận là một trong những ngọn tháp đẹp trong các tháp Chiêm Thành còn sót lại trong các tỉnh.

Tháp Dương Long và tháp Thủ Thiện xưa kia làm móc ranh giới cho ấp Tây Sơn, nơi phát tích nhà anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ và vị nguyên soái lãnh đạo phong trào Cần Vương bốn tỉnh Bình, Phú, Khánh, Thuận Mai Xuân Thưởng, mà dấu thành lũy vẫn còn nơi núi Hương Sơn cảnh tháp.

Bởi vậy khách du lịch qua nơi này thường nghe hát rằng:

Vững vàng tháp cổ ai xây?

Bên kia Thủ Thiện, bên này Dương Long.

Nước sông trong,

Dò lòng dâu bể,

Tiếng anh hùng,

Tạc để nghìn thu…

Xa xa con én liệng mù,

Tiềm long hỏi chốn, vân du đợi ngày.

Những ngọn tháp của Chiêm Thành xây lên chắc để thờ phượng. Khắp miền Trung chỉ còn một ngọn tháp còn đủ tượng thần, bàn thờ và được người Việt Nam tiếp tục lễ bái là tháp Thiên Y-A-Na ở Nha Trang. Còn tất cả đều hoang phế. Trong các tháp Bình Định, ngoài những hình tượng trang trí, không còn thấy một tượng thờ nào, cũng không còn thấy dấu bàn thờ. Lòng tháp đều trống không, lâu lâu một viên gạch cũ rơi rụng, tiếng vang dội vào trong lòng những người hay cảm cổ thương kim.

Những cảnh tháp Chiêm Thành đã khơi nguồn hứng cho nhà thơ Chế Lan Viên sáng tác tập Điêu tàn giá trị. Chế quân đã "Bên cửa tháp ngóng trông người Chiêm nữ" và còn gởi tình trong mấy vần thơ:

Đợi người Chiêm nữ

Tối hôm nay chị Hằng nghiêm nghị quá,

Dãy cây bàng đợi mộng, đứng im hơi.

Không một mối trăng ngà rung muôn lá,

Không một làn mây bạc vẩn chân trời.

Thành Đồ Bàn cũng thôi không nức nở

Trong sương mờ huyền ảo, lắng tai nghe

Từ một làng xa xôi, bao tiếng mõ

Tan dần trong im lặng của đồng quê.

Bên cửa tháp ngóng trông người Chiêm nữ,

Ta vẩn vơ nhìn không khí bâng khuâng:

Vài ngôi sao lẻ loi hồi hộp thở

Một đôi cành tơ liễu nhúng trong trăng.

Nàng không lại, và nàng không lại nữa!

Cả thân ta dần tan trong hơi thở!

Ôi đêm nay, lòng hỡi biết bao sầu!

Kìa trời ca, trên mãi chín tầng cao,

Hồn ta bay trong một làn khói tỏa,

Chẳng biết rồi lưu lạc đến nơi nao?

Cùng với những ngọn tháp Chiêm Thành xưa, người Bình Định chung lòng hoài cổ. Bạn đến viếng cảnh, lòng tha phương chắc cũng không khác lòng địa phương.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)