Thắng cảnh - Cổ tích
Các dấu thành cũ
16:52', 26/5/ 2005 (GMT+7)

Ở bên cạnh các tháp thường có dấu thành trì.

Bên cạnh tháp Dương Long có dấu thành Cha.

Bên cạnh tháp Thủ Thiện có dấu thành Sức.

Tháp Cánh Tiên thì nằm trong phạm vi thành Đồ Bàn.

Dưới chân tháp Phốc Lốc cũng có dấu thành, song không biết là thành của người Chiêm Thành xây từ trước, hay là của người Việt Nam mới xây lúc chúa Nguyễn dời phủ lỵ Quy Nhơn ra Châu Thành.

Ở thôn Phú Phong, huyện Tây Sơn, không thấy có dấu thành, song theo sách Đồ Bàn ký của Hoàng Giáp Nguyễn Văn Hiển, thì ở đó có thành Uất Trì. Thành ở nơi nào không ai biết đích xác. Hiện ở địa hạt Phú Phong có dấu thành ở tại Núi Xanh, tục gọi là thành Bá Bích, và ở trên đỉnh núi Chớp Vàng cũng có dấu thành và một số gạch vụn rất cổ, tục truyền là thành chàng Lía. Thành Uất Trì có lẽ là một trong hai nơi đó.

Những thành Uất Trì, thành Cha, thành Sức… không biết có phải là nơi các vua Chiêm Thành đã đóng đô hay không. Ai xây và xây thời đại nào? Không thấy sách nào nói rõ. Duy thành Đồ Bàn sách sử có nói tường tận, và hiện còn nhiều dấu tích đáng xem.

Thành Đồ Bàn

Thành Đồ Bàn tục gọi là thành Cũ, nằm trên dãy gò sỏi trùm hai thôn Nam An và Bắc Thuận thuộc huyện An Nhơn.

Di tích Thành Hoàng Đế

Thành do vua Chiêm Thành Ngô Nhật Hoan xây vào thế kỷ thứ X. Tường bằng gạch, mặt hướng về nam, chu vi hơn mười dặm, có bốn cửa, kiến trúc rất kiên cố. Bên trong có dựng tháp làm bảo chướng. Bên ngoài có dãy đồi Kim Sơn làm cánh che cửa Tây, có núi Long Cốt làm tiền án và gò Thập Tháp yểm hậu. Ngoài xa nữa, khắp bốn mặt lại có núi trùng điệp sông quanh co, biển bát ngát triều ủng. Khí thật là hùng, thế thật là hiểm.

Địa thế của Đồ Bàn rất có lợi cho Chiêm Thành về mặt quân sự.

Vào cuối thế kỷ thứ XIII, vua nhà Nguyên muốn đánh chiếm nước Việt Nam, bèn sai con là Thoát Hoan cùng Toa Đô, Ô Mã Nhi lãnh 50 vạn quân Nam tiến. Quân Nguyên chia làm hai đạo, một đạo do Thoát Hoan chỉ huy, đánh thẳng sang Việt Nam, còn đạo thứ nhì gồm mười vạn thủy quân, do Toa Đô làm tướng đi đường biển vào đánh Chiêm Thành để rồi tiếp ứng đạo quân Thoát Hoan.

Quân Toa Đô rầm rộ đột nhập Thị Nại. Bị đánh thình lình, quân giữ Thị Nại bị thua. Nhưng quân Toa Đô vừa kéo lên bờ thì quân Đồ Bàn chận đánh, quân Thị Nại tập hợp lại được liền đuổi theo. Quân Toa Đô trước sau đều bị công kích, không chống nổi, phải kéo nhau chạy bộ ra Bắc và khi đến địa phận Việt Nam thì bị quân nhà Trần tiêu diệt.

Năm Bính Thìn (1376) Chế Bồng Nga đem đến Hóa Châu 15 mâm vàng để cống vua Việt Nam. Quân trấn thú Hóa Châu là Đỗ Tử Bình đã không đệ nạp, lại dâng sớ nói dối rằng vua Chiêm Thành tìm đến nhục mạ, xin vua cử binh đánh phạt. Vua Duệ Tông nghe lời, sai Hồ Quý Ly đốc vận lương thực đến cửa biển Di Luận (Quảng Bình), còn tự mình đem 12 vạn quân vừa thủy vừa bộ đi thẳng vào Nhật Lệ. Đến Nhật Lệ nhà vua đóng binh một tháng để thao diễn.

Qua tháng giêng năm sau, tức năm Đinh Tý (1377), nhà vua mới tiến quân. Binh Trần tiến vào cửa Thị Nại, khí thế rất mạnh. Quân Chiêm Thành không kháng cự, bỏ thủy trại rút hết lên thành Đồ Bàn. Quân nhà Trần lấy được đồn Thạch Kiều và động Kỳ Mang, rồi kéo lên đánh thành Đồ Bàn.

Chế Bồng Nga làm cừ sắt ngoài thành, rồi làm kế dụ, cho người sang dinh Trần trá hàng nói rằng Chế Bồng Nga liệu thế không chống cự nổi, đã bỏ thành chạy trốn rồi. Trần Duệ Tông tưởng thật, hạ lệnh tiến binh. Vừa đến chân thành Đồ Bàn thì bị phục binh ùa ra vây thành. Quân ra không đề phòng bị đại bại. Vua Trần Duệ Tông tử trận. Tướng sỹ lớp bị giết, lớp bị vướng phải cừ sắt, mười phần chết đến bảy tám.

Năm Quý Mùi (1403) Hồ Hán Thương sai Phạm Nguyên Khôi và Đỗ Mãn đem quân thủy bộ cả thảy 20 vạn vào đánh Đồ Bàn. Quân nhà Hồ vây thành hơn một tháng, mà hạ không nổi. Đợi lúc quân nhà Hồ cạn lương, quân Chiêm mới mở cửa thành kéo ra. Sức quân nhà Hồ đã kiệt, sức quân Chiêm Thành nuôi dưỡng đương mạnh, nên chỉ đánh có một trận mà quân Chiêm Thành đã đuổi được quân nhà Hồ.

Thành Đồ Bàn giữ được là nhờ địa lợi.

Nhưng về sau khí vận Chiêm Thành xuống lần lần, cho nên năm Bính Dần (1446), vua Lê Nhân Tông sai Lê Thụ và Lê Khả đem đại binh vào đánh Đồ Bàn, vua Chiêm Thành là Bi Cái không chống nổi, bị bắt đem về Thăng Long. Thành Đồ Bàn bị lấy, nhưng vua Lê trả lại cho người Chiêm và lập người khác lên làm vua thay thế Bi Cái.

Đến năm Canh Thìn (1470) vì vua Chiêm là Trà Toàn gây sự, vua Lê Thánh Tông cử hơn hai mươi vạn tinh binh vào đánh Chiêm Thành. Đến Thuận Hóa, vua đóng quân lại, một mặt cho thao luyện binh sỹ, một mặt sai người vào Đồ Bàn vẽ bản đồ để biết rõ địa thế.

Rồi tiến binh cả hai mặt, thủy bộ, một lần.

Quân nhà Lê cứ nhắm những nơi hiểm yếu mà tấn công. Quân Chiêm Thành chống không lại, rút vào thành Đồ Bàn chống giữ. Thành trì tuy kiên cố, song nhuệ khí quân Chiêm đã nhụt vì vừa bị thua, và sức lực quân nhà Lê đương hăng vì vừa được thắng, nên chỉ mấy hôm công phá, đã hạ được thành Đồ Bàn và bắt sống được Trà Toàn.

Vua Lê Thánh Tông lấy đất Đồ Bàn sáp nhập vào đạo Quảng Nam, làm một phủ đặt tên là Hoài Nhân. Thành Đồ Bàn dùng làm phủ lỵ và gọi là thành Hoài Nhân.

Sang thời chúa Nguyễn vào Nam dựng nghiệp, năm Ất Tỵ (1605), Nguyễn Hoàng đổi tên Hoài Nhơn làm Quy Nhơn.

Năm Tân Mão (1651), chúa Nguyễn Phúc Tần đổi Quy Nhơn làm Quy Ninh. Nhưng đến năm Tân Dậu (1741) chúa Nguyễn Phúc Khoát lại lấy lại tên Quy Nhơn và sang năm Giáp Tý (1744) bỏ thành Đồ Bàn cũ, dời phủ lỵ ra thôn Châu Thành.

Đến đời Tây Sơn, năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc xưng vương, lấy Quy Nhơn là kinh đô và sửa sang thành Đồ Bàn làm kinh thành. Thành lấy tên là Hoàng Đế Thành với quy mô rộng lớn. Thành xây toàn đá ong, cao một trượng bốn thước, dày hai trượng. Trước kia chu vi thành chỉ có mười dặm, nay mở thêm xuống mặt đông, chu vi nới thành 15 dặm. Thành cũ chỉ có bốn cửa, Nguyễn Nhạc trổ thêm một cửa nữa ở mặt thành phía trước, nơi mới xây thêm và đặt tên là Tân Môn. Còn cửa nam môn cũ gọi là Vệ Môn. Trong thành đắp nhiều thổ sơn dùng để xem thế giặc nếu rủi thành bị vây. Phía tây thành đắp đê Đỉnh Nhĩ để ngăn nước lụt. Phía tây nam đắp đàn Nam Giao để tế trời đất. Phía trong thành lại còn xây một lớp thành nữa gọi là Tử thành. Trong Tử thành, chính giữa dựng điện Bát Giác là nơi vua ngự. Phía sau dựng điện Chánh tẩm, phía trước dựng lầu Bát Giác, bên tả bên hữu dựng hai tự đường, một thờ cha mẹ ruột, một thờ cha mẹ vợ của nhà vua. Trước lầu Bát Giác lại có cung Quyển Bồng và liền với mặt nam tử thành có cửa Tam Quan gọi là Quyển Bồng Môn, xây cổ lầu nên cũng gọi là Nam Môn Lâu. Trong thành và ngoài thành bài trí la liệt những tượng đá, nào voi nào nghê, nào nhạc công nào vũ nữ, là những di tích của người Chiêm Thành còn lưu.

Thành lúc bấy giờ thật là nguy nga tráng lệ.

Nguyễn Nhạc giữ ngôi vua ở Hoàng Đế Thành được 18 năm.

Đến năm Quí Sửu (1793), Nguyễn Nhạc chết, thành Đồ Bàn lệ thuộc Phú Xuân, không còn là kinh thành nữa. Tên Hoàng Đế Thành bỏ và lấy lại tên Quy Nhơn.

Năm 1799, Nguyễn Ánh lấy được thành Quy Nhơn, và đổi tên là Bình Định.

Thành Đồ Bàn mang tên Bình Định bắt đầu từ đấy.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)