Thắng cảnh - Cổ tích
Các dấu thành cũ (tiếp theo)
9:7', 30/5/ 2005 (GMT+7)

Sau khi chiếm được thành Bình Định, Nguyễn Ánh giao thành cho hai tướng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu giữ. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đem quân từ Phú Xuân vào đánh, Võ Tánh và Ngô Tùng Châu đánh không lại nên đóng cửa thành trì thủ. Lâu ngày lương cạn, tướng sĩ mỏi. Liệu không giữ nổi nữa, Võ Tánh lên lầu Bát Giác tự thiêu và Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tuẫn tiết. Thành trở về nhà Tây Sơn. Nhưng không bao lâu, nhà Tây Sơn bị dứt (1802), thành Bình Định thuộc hẳn về nhà Nguyễn. Vua Gia Long bèn lập lăng cho Võ Tánh và Ngô Tùng Châu và dùng lầu Bát Giác làm nơi hương hỏa.

Thành Bình Định từ ấy trở thành lỵ sở của quan trấn thủ địa phương.

Voi đá thành Đồ Bàn

Năm Gia Long thứ 12 (1814) trấn thành dời vào phía nam, trừ lầu Bát Giác được sửa sang lại làm miếu Song Trung, các cung điện cũ đều bị triệt hạ. Đá ong của thành cũng bị dỡ đem xây thành mới.

Thành Đồ Bàn từ ấy chỉ còn trơ một dãy gò sỏi mênh mông với ngọn tháp Cánh Tiên và lầu Bát Giác.

Trước đây một xử sỹ đất Hoan Châu (Nghệ An) là Nguyễn Khôi, đi ngang qua thành cũ Đồ Bàn, có bài điếu cố, rằng:

Đế vương khấu lỗ vị thời lôn,

Nhất phiến phong quang kỷ hiểu hôn

Ca quản lâu đài hòa cự lũng,

Tấn thân đình viện giá tang thôn

Cố khưu lưu lạc anh hùng phách,

Cô trủng thê lương tráng sỹ hồn!

Đa thiểu hào quang vân cọng tán

Duy dư tiên tháp lão càn khôn.

Phỏng dịch:

Ai vua ai giặc khôn bàn

Phong quang một mảnh ngỡ ngàng hôm mai.

Vườn dâu lấp nẻo cân đai

Nơi xưa ca viện vũ đài: Gò không

Mồ hoang lạc phách anh hùng,

Hồn thiêng tráng sĩ lạnh lùng gió sương

Mây tàn tàn cả ánh dương

Tháp tiên riêng vững can trường nghìn thu.

Bài điếu cổ trên có chỗ chép khác:

Đế vương khấu lỗ dĩ thời lôn

Cổ vãng kim lai hỷ hiểu hôn

Ca quản lâu đài hòa cự dã,

Tấn thân đình viện đố tang thôn

Cố khư liêu lạc anh hùng phách

Cổ lũy phiêu linh chiến sỹ hồn

Đa thiểu hào hoa vân quyện khứ

Duy dư tiên tháp lão kiền khôn.

Nghĩa là:

Rằng giặc rằng vua lý chẳng cùng,

Xưa qua nay lại phải rồi không.

Cân đai viện ngọc dâu đầy xóm,

Đàn hát đền hoa lúa mịt đồng.

Lũy cổ đìu hiu hồn chiến sỹ,

Gò hoang lạnh lẽo phách anh hùng.

Hào hoa nhiều ít mây bay sạch.

Tiên tháp tình riêng vững núi sông.

Thơ về Đồ Bàn còn nhiều nhưng toàn là thơ chữ Hán. Thơ Quốc âm chỉ thấy một bài của ông bạn Thọ Nguyên.

Trăm rưỡi năm trên một chiến trường

Bàn thành nay rặc dấu tang thương.

Tháp tiên dạm mặt nhìn sông núi,

Voi đá trơ hình ngạo nắng sương.

Thế cuộc trải xem bao mộng huyễn,

Anh hùng trông thấy một tòa hương.

Nồi da xáo thịt ôi nòi giống,

Trang sử trung hưng giọt máu hường.

Quang cảnh thành Đồ Bàn trước kia còn thế, huống hồ ngày nay đã dồn không biết bao nhiêu lần bể dâu.

Chuyện xưa lấp cỏ mờ rêu

Gót chân hờ hững mai chiều lại qua.

Mai chiều lại qua, khách vô tâm cớ ngờ đâu nơi đây, ngoài những chiến công oanh liệt, còn để lại nhiều sự kiện lịch sử mà khách du qua đó, nếu để lòng, lòng không dễ dửng dưng.

Kìa trên sắc cỏ màu cây héo hắt, trông mơ màng vẻ tiều tụy của công chúa Huyền Trân vì non sông mà phải vào đây... Và những khi đêm nguyệt mờ sương, bờ lau hắt gió, bồi hồi thổn thức, dường đâu đây ca khúc Nam Bình:

Nước non nghìn dặm ra đi…

Mối tình chi?

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô Ly…

Xót xa vì đương độ xuân thì…

Độ xuân thì

Bởi oan khiên hay là nợ duyên gì?

Má hồng da tuyết

Cũng liều như hoa tàn nguyệt khuyết,

Vàng lộn theo chì

Khúc ly ca sao còn lận bận nghe gì?

Tiếng chim hồng nhạn bay đi,

Tình lai láng, bóng như hoa quỳ

Nhắn một lời Mân Quân:

Nay mà như nguyệt

Đặng vài phân

Vì lời cho dân.

Tình đem lại mà cân:

Đắng cay muôn phần.

Tình thật là não nùng. Nghĩ đến cảnh Huyền Trân, người địa phương có câu:

Má hồng đền nợ quân vương,

Những tay chống đỡ miếu đường là ai?

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)