Bờ biển và cửa biển
11:18', 3/5/ 2005 (GMT+7)

Bờ biển Bình Định chạy từ cửa Kim Bồng vài đến chân núi Cù Mông dài trên 100 cây số. Địa hình bờ bãi khi bằng, khi dốc, khi lõm vào thành cửa, thành vũng, khi lồi ra thành mũi thành ghề, khi thì cát trắng tắm nước xanh, khi thì non cao dợn sóng bạc… Đi ngoài biển trông vào thật vô cùng thích thú.

 

Cửa Kim Bồng

Nằm dưới chân dãy Bình Đê, cửa Kim Bồng ăn thông vào cửa Tân Quan.

Cửa hẹp nhưng sâu nên thuyền trọng tải vào ra Tân Quan được dễ dàng.

Trước kia, nhà vua của các triều đại đều có đặt chức Tấn thủ thừa biện để canh phòng và thu thuế ghe thuyền chở hàng hóa ra vào. Vì vậy nên gọi là hải tấn (Kim Bồng hải tấn). Năm Thành Thái thứ 11 (1899) chức Tấn thủ thừa biện bãi bỏ, người Pháp đặt nha Thương Chánh thay vào.

Từ Kim Bồng chạy vào, bờ biển thấp và toàn cát chừng bảy cây số thì đến cửa An Giũ.

Cửa An Giũ

Cũng là một hải tấn.

Trước cửa có một dải cát chạy dài từ Ca Công, Thạnh Xuân đến Diêu Quan, dài đến bảy cây số, tục gọi là "Con Rồng động đỏ". Bãi cát này khi mở khi lấp không thường, làm trở ngại cho ghe thuyền không ít.

Ở phía hữu cửa biển, tại thôn Thạnh Xuân, có đền thờ ba vị thần là Tứ Dương Thành Phủ Quân, Đà Dương Phủ Quân và Thế Tử Nhạc Phủ Quân, gọi là Tam Thần Từ. Sự tích ba vị thần không ai biết rõ, chỉ nghe truyền rằng là ba vị trung thần thủ tiết, rất linh hiển. Cửa biển An Giũ thường bị cát bồi lấp. Tục tuyền rằng, hễ đến đền cầu đảo thì cửa mở rộng, ghe thuyền ra vào dễ dàng. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), đến kỳ vận tải hàng cửa biển bị lấp, quan địa phương đến đền cầu khẩn thì ngay bữa hôm sau liền thấy mở ra một cửa mới rộng và sâu, nhưng được vài ngày, sau khi vận tải xong thì cửa biển đóng trở lại như cũ. Việc ấy tâu lên, nhà vua chuẩn bị cho sắm lễ cúng tế. Từ ấy năm nào cũng chiếu lệ thi hành. Những khi trời nắng hạn, cầu đảo cũng được ứng nghiệm, dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, nhà vua nhiều lần phong tặng. (Trong Đại Nam Nhất Thống Chí có chép rõ).

Đó là một đặc điểm của cửa biển An Giũ.

Cửa An Giũ cũng là chiến trường của nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn với nhiều trận quyết liệt.

Năm Quí Sửu (1793) Nguyễn Ánh tự đốc chu sư tấn công thành Quy Nhơn, sai Nguyễn Văn Nhơn chia quân kéo đánh đồn Lại Giang. Tướng Tây Sơn là đô đốc Nguyễn Công Thái đánh không lại phải đầu hàng. Qua năm sau (Giáp Dần 1794), tướng Nguyễn là Nguyễn Văn Trương lại kéo quân đến đánh úp quân Tây Sơn một lần nữa ở cửa An Giũ. Quân Tây Sơn bị thua. Quân nhà Nguyễn đoạt được hơn mười chiếc thuyền lương thực. Tuy thắng nhưng lần trước cũng như lần sau, quân nhà Nguyễn đều bị quân Tây Sơn đánh đuổi về Gia Định.

Qua khỏi cửa An Giũ, từ Diêu Quan (Hoài Nhơn) vào đến Phú Thứ (Phù Mỹ), núi Bích Kê chạy sát mé biển, nên nhiều nơi:

Chờn vờn mặt nước cây toan lội,

Lấp lững chân non sóng muốn trèo.

Cạnh vùng Phú Thứ (về phía nam) có cửa Hà Ra.

 

Cửa Hà Ra

Xưa kia cũng là một hải tấn quan trọng, có chức Tấn thủ tuần phòng, sách gọi là Hà La hải tấn.

Cửa biển ăn thông vào đầm Trà Ô ở phía Nam với một con nước dài đến bốn cây số. Ngày xưa cửa biển mở rộng, ghe thuyền vào ra đầm Trà Ô được dễ dàng như các cửa lớn. Nhưng hiện nay đã bị cát bồi, chỉ có mùa mưa lụt, nước chảy mạnh mới lưu thông.

Ở ngoài khơi ngay trước mặt Hà Ra có một hòn đảo nhỏ hình giống con rùa bò, tục gọi là hòn Qui hay hòn Khô. Đó là một nút ruồi trang điểm cho "khuôn mặt" Hà Ra thêm duyên vậy.

Từ Hà Ra vào đến Vĩnh Lợi (Phù Cát), trên 28 cây số, trừ hòn Vi Rồng ở Tân Phụng và hòn Lang ở Vĩnh Lợi ra, tất cả đều là cát trắng viền biển xanh, mịn màng bằng phẳng. Cổ nhân gọi là: Bạch Sa Động.

Truyền rằng:

Động cát này xưa kia là một rừng cây. Từ Tân Phụng trở vào cây cối sầm uất. Hòn Vi Rồng và hòn Lang khuất trong đám cổ thụ bóng cả thân cao. Có một thầy địa lý người Trung Hoa đến xem cuộc đất, cho biết rằng không kíp thì chầy, thế nào rừng cũng bị cát bồi lấp. Người địa phương lo sợ, cầu đảo hàng năm. Nhưng rồi vẫn không tránh khỏi tai nạn: Trời bỗng nổi bão lụt to lớn phi thường. Luôn mấy ngày đêm mưa không ngớt, gió không ngớt. Phần nước trên núi chảy xuống, phần nước dưới biển dâng lên. Nhà cửa ngập trôi, cây cối ngập trôi, vật chết, người chết… Đến khi trời xửng, nước dựt, thì dãy rừng xanh đã biến thành bãi cát trắng. Hòn Vi Rồng và hòn Lang đứng trơ trọi giữa trời.

Khoảng giữa động, tại Xuân Phương có một mũi đá nhô ra biển, tục gọi là Gành Mét, tên chữ là Độc Ky (Gành Một).

Từ Gành Mét đến Hòn Lang có hai vũng ôm lấy bờ biển. Một vũng, ở phía bắc từ Gành Một đến hòn Vi Rồng, gọi là vũng Mới, trên vũng có hải đăng. Một vũng ở phía nam từ Vi Rồng đến hòn Lang, gọi là vũng Bầu. Xưa kia gọi hai vũng này là Phòng Mãi hải tấn, đặt chức Tấn thủ để tuần phòng thủ sở ở phường mới (Tên phường Mới do tiếng Phòng mãi mà ra, hay Phòng mãi do Phường mới mà ra, chưa ai rõ). Chức này bãi bỏ dưới triều Tự Đức một lần cùng Hà Ra.

Qua khỏi vũng Bầu đến cửa Đề Gi.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)
Sông An Tượng, Sông Hà Thanh, Sông Tân Quan  (21/04/2005)
Sông La Tinh  (18/04/2005)
Một nhà nghiên cứu Tây Sơn xuất sắc  (15/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 2)  (14/04/2005)
Lại Dương Giang (kỳ 1)  (12/04/2005)
Sông Côn (kỳ 4)  (08/04/2005)
Sông Côn (kỳ 3)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 2)  (07/04/2005)
Sông Côn (kỳ 1)  (04/04/2005)
Nghĩa lớn Tăng Bạt Hổ  (01/04/2005)
Thứ Hương Sơn (kỳ 5)  (30/03/2005)