Thương người thục nữ vì nước quên mình, chúng ta không khỏi thầm trách khách anh hùng vì mình suýt cắt đứt tình cốt nhục: Hai anh em vua Tây Sơn, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
|
Hồ "Bán Nguyệt" thành Hoàng Đế - một công trình kiến trúc của Tây Sơn vừa được khai quật |
Nguyên sau khi dẹp xong họ Trịnh ở miền bắc, hai anh em bất hòa nhau về việc chia nước non. Nguyễn Huệ ở Phú Xuân kéo quân vào Quy Nhơn đánh Nguyễn Nhạc. Quân Phú Xuân chiếm các nơi hiểm yếu, rồi đặt súng thần công trên dãy Long Cốt bắn vào thành Đồ Bàn. Nguyễn Nhạc bị khẩn, làm lễ tạ Thế Miếu, rồi lên thành kêu em mà khóc rằng:
Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn
Nguyễn Huệ động lòng khóc theo, rồi rút quân. Từ ấy hai anh em lại hòa thuận như cũ.
Nhân câu nói của Nguyễn Nhạc, bà thân sinh nhà thơ địa phương Cổ Bàn Nhân diễn dịch ra quốc âm rằng:
Lỗi lầm anh vẫn là anh
Nồi da nấu thịt sao đành hỡi em?
Nhắc đến nhà Tây Sơn chúng ta phải liên tưởng đến chén thuốc độc và ngọn lửa hồng của song trung Ngô Tùng Châu và Võ Tánh.
Truyền rằng: nghe tin Võ Tánh sắp tuẫn tiết, một người ái thiếp và một người lão bộc xin được chết theo. Võ công không cho, nhưng khi công đã lên giàn hỏa rồi, thì hai người tự trói mình vào cột lầu Bát giác, lửa cháy đều chết; đồng thời quan tổng binh là Nguyễn Thận ở ngoài vào trông thấy, cảm khích cũng nhảy vào lửa chết theo luôn.
Khi vua Gia Long thống nhất sơn hà, lấy lầu Bát Giác làm nơi hương khói cho họ Võ, họ Ngô và làm lễ truy điệu trọng thể. Trong bài văn tế do Đặng Đức Siêu soạn, có câu:
Sửa mũ áo lạy về bắc khuyết, ngọn lửa hồng mát mẻ tấm trung can
Chỉ nước non giã với cô thành, chén thuốc độc ngọt ngon mùi chính khí
(Câu này các sách chép có đôi chữ khác… ngọn quang minh un mát tấm trung can… Chén tân khổ nhắp ngon mùi… Song ở nơi miếu thì khắc như trên).
Câu này được trích làm câu đối thờ nơi miếu song trung.
Ngoài câu đó ra, nơi miếu còn nhiều câu đối bằng Hán tự rất hay, song câu sau đây được truyền tụng nhất:
Quốc sỹ vô song, song quốc sỹ;
Trung thần bất nhị, nhị trung thần.
Võ Tánh, Ngô Tùng Châu vì nghĩa mà chết. Người lão bộc và quan tổng binh cũng vì nghĩa mà chết. Thế mà họ Võ họ Ngô có sử ghi chép, có đền thờ phụng, có văn thơ ca tụng, còn các người kia thì:
Lửng lơ bia miệng giấy trời,
Âm thầm bút tháp chép đời trung trinh.
Khách du qua đó, nhìn cảnh trước mắt, nghĩ chuyện nghìn xưa, lòng ai khỏi thê nhiên cảm khái.
Nhưng nếu chúng ta trèo lên hòn tháp Cánh Tiên trông ra bốn mặt, thâu nghìn dặm vào tấc gang, gần từ nội cỏ, xa đến chân trời, nào cao nào thấp, nào thanh nào u, thảy đều hợp thế hợp tình trình bày ra dưới tháp, thì lòng tự nhiên mở rộng và thân dường mọc cánh lên tiên.
Kìa ở phía đông thành, có ao Liệt Trì, tục gọi là bàu Sức, rộng đến vài ba chục mẫu, nước cạn nhưng trong. Xa xa có những vũng nước tròn và hẹp, đó là ao Lực Tụng; những đường nước cong và dài, đó là mương Thủy Câu. Bên ao gò đống chồng chất nửa ẩn nửa hiện, đó là dấu vết cửa đông mà sắc đá ong chưa hết đỏ.
Ở phía tây gần bên thành, gò Kim Sơn (tên do Nguyễn Nhạc đặt), từng vồng từng vồng nối tiếp như sóng cuộn.
Ở phía nam, núi Long Cốt nổi lên ba ngọn tròn trịa như ba khúc xương rồng uốn trong mây và dưới núi bóng xoài xanh làm nổi bật sắc sỏi đỏ.
Nơi góc đông bắc, hồ nước láng lai, hình trông như một chiếc khánh bạc. Hồ không bao giờ cạn và truyền rằng xưa kia có giống thủy tộc linh thương nương náu, những năm trời hạn, hễ nước hồ thấy trắng hoặc đỏ, thì nhất định một vài hôm sau có mưa to. Vì thế người địa phương gọi là Linh Hồ.
Ở phía bắc, xưa kia có nổng gò cao với mười ngọn tháp chơm chởm: gò Thập Tháp, mà nay là chùa Thập Tháp Di Đà với vườn xoài thâm u tĩnh mịch.
Đó là những cảnh gần.
Xa xa, cách thành chừng bốn năm cây số, về mặt đông, ngọn núi Mò O đứng ngước miệng lên lưng mây "Mắng Trời" và về mặt tây, sông Côn chia ra bốn nhánh chảy xuống đông bắc, chảy xuống đông nam… rồi hợp nơi đập Lý Nhơn, như những cánh tay của con bạch tuột ôm giữ tiếng mồi ngon là thành Đồ Bàn.
Ngoài xa nữa: phía đông, cửa biển Thị Nại và đầm Thị Nại nằm giữa những gành đá cửa sông mênh mông bát ngát, một bên thì bán đảo Phương Mai che chở ở mặt đông, một bên thì động Kỳ Mang yểm hộ ở mặt tây. Vị trí thật tốt. Còn ba mặt nam tây bắc, thì núi non trùng điệp dựng nên "tiểu vạn lý trường thành" hùng tráng hoành vỹ, mà đèo An Khê ở phía tây, đèo Thạch Đê ở phía bắc, đèo Cù Mông ở phía nam, là những cửa thành có thế "bách nhị".
Khí thế thật là hiểm và hùng.
Xem qua hình thế núi sông, chúng ta phải công nhận người Chiêm Thành đã khéo lựa nơi đóng đô. Và thành Đồ Bàn với đại trí như kia, đứng vững trong bao nhiêu thế kỷ là phải lắm.
(Còn nữa)
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|