Thành Bình Định
16:22', 3/6/ 2005 (GMT+7)

Như trên đã nói, từ đời Lê đến đời Tây Sơn, lỵ sở của cấp chỉ huy tối cao ở địa phương đều đóng tại thành Đồ Bàn cũ. Đến năm Gia Long thứ 12 (1814) lỵ sở mới dời vào phía nam và thành Đồ Bàn bị triệt hạ để lấy vật liệu xây thành mới.

Cửa Đông thành Bình Định vừa được xây dựng lại (ảnh: Văn Lưu)

Thành tuy mới nhưng vẫn mang tên cũ đã đặt cho thành Quy Nhơn, tức thành Đồ Bàn cũ, từ năm Kỷ Mùi (1799) lúc Nguyễn Ánh chưa thống nhất lãnh thổ: Bình Định.

Thành Bình Định nằm trên hai thôn An Ngãi và Liêm Thực thuộc quận An Nhơn.

Địa cuộc của thành rất tốt: Dựa lưng vào núi Mò O ở mặt bắc, và lấy dãy Triều Sơn làm tiền án ở mặt nam. Thành xây trên một dãy gò thấp, nhưng đứng nơi thành ngó vào dãy Triều Sơn thì thấy núi hạ thấp xuống như đàn voi phủ phục trước người quản tượng. Hai nhánh nam phái và trung phái của sông Côn cùng các nhánh sông khác lại còn tạo thêm cho thành cái thể "tứ thủy triều qui" tức là bốn mặt nước về chầu. Cảnh trí thật đẹp, có thể gọi là đắc địa.

Vách thành xây toàn đá ong lấy ở thành cũ. Chu vi trên ba cây số, cao ba thước rưỡi tây và dày gần một thước trên đầu thành - còn dưới chân thành, phía trong đắp đất dày đến mươi thước và chạy lài lài lên đến đầu thành. Trông thật hoành tráng bốn mặt thành trổ bốn cửa, xây cổ lầu đồ sộ, kiên cố. Ngoài thành có hào sâu bao bọc. Để vô ra, trước cửa thành có xây cổng bằng đá, hình cầu vồng. Trong thành dựng hành cung, là nơi nhà vua nghỉ ngơi những khi hành du và các quan cùng những người có phẩm hàm từ cửu phẩm trở lên đến bái mạng trong những ngày khánh tiết; những dinh thự của các quan tỉnh tòa ngang dãy dọc, tráng lệ nguy nga.

Chung quanh các cung thự đều trồng xoài, bóng mát, trái ngọt. Quang cảnh thành có vẻ sầm tịch u nhàn.

Nhưng dưới bầu không khí yên tĩnh, hiền hậu, thành Bình Định đã chứng kiến nhiều sự kiện hùng tráng có, bi đát có, hài hước có:

Năm Ất Dậu (1885) nước mất, vua chạy, các sĩ phu trong nước hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, thành Bình Định đã anh dũng chống cự cùng quân xâm lăng mấy trận. Sau vì viên Tổng đốc là Lê Bá Thận phản bội, bắt bỏ ngục người cộng tác là chí sĩ Nguyễn Cung (án sát) rồi mở cửa thành đầu giặc. Nguyễn Cung xé vạt áo trắng, cắn tay lấy máu viết tâm thư gởi đến nghĩa quân ở An Khê, rồi tuẫn tiết ở trong ngục. Quân Pháp lấy được Bình Định rồi thì giao thành cho quan nam triều đóng cơ quan hành chánh tỉnh, còn chánh quyền thực dân thì đóng tại Quy Nhơn.

Năm Mậu Thân (1908), hưởng ứng phong trào "khất sưu" nam nghĩa, đồng bào Bình Định kéo nhau đến tỉnh kêu xin hai quan chánh phủ Pháp, Nam giảm bớt gánh nặng cho dân. Quan tỉnh đóng cửa thành không cho vào. Đồng bào phải tụ tập ở ngoài thành, bắt ống loa kêu gọi. Vâng lệnh quan trên, lính tỉnh ở trên mặt thành bắn vãi vào đám lương dân, lớp bị thương, lớp thiệt mạng.

Dưới triều Thành Thái (1889-1907), Nguyễn Thân ngồi ghế Tổng đốc Bình Định, máu người Bình Định đã chảy một cách oan uổng, không biết bao nhiêu lần. Có một chuyện ở Bình Định, ai ai cũng biết, là chuyện Nguyễn Thân giết Bá hộ Huệ.

Bá hộ Huệ tên Trịnh Đình Huệ, thôn Bá Canh, quận An Nhơn, là một nhà cự phú tỉnh Bình Định thời bấy giờ, người hào hiệp khí khái. Nguyễn Thân đến lỵ Bình Định, Bá hộ Huệ đến mừng một tấm biển cẩn xà cừ bốn chữ "Thiên Lý Nhân Lương" nghĩa là người hiền tiếng bay xa nghìn dặm. Quan Tổng đốc rất lấy làm vừa lòng, đem treo ngay giữa dinh. Một hôm, một nhà nho địa phương đem lễ vật đến mừng nữa. Quan Tổng đốc khoe tấm biển, nhà nho mỉm cười, quan hỏi không nói. Gạn hỏi năm ba phen, nhà nho khúm núm bẩm:

- Nói ra sợ cụ lớn bắt tội.

Nguyễn Thân nài ép mãi. Nhà nho ung dung thưa:

- Đây là một cách chơi chữ. Chữ Thiên chữ Lý ghép lại thành chữ Trọng. Chữ Lương và chữ Nhân ghép lại thành chữ Thực. Kẻ đi bức hoành này muốn chửi cụ lớn là vị quan "Trọng Thực", tức ham ăn.

Nguyễn Thân căm giận, cho trát đòi Bá hộ Huệ phải đến tỉnh hầu vào buổi chiều hôm sau.

Trời vừa chiều, thầy Bá đã đến dinh quan Tổng đốc, nhưng mãi đến nhá nhem tối, quan mới mời vào, và quở:

- Sao tới giờ này mới đến?

Thầy Bá nói lớn:

-    Tôi chờ cụ Lớn, "đầu thân mút dậu", chớ đâu phải mới tới bây giờ.

Câu "đầu thân mút dậu" có hai nghĩa. Nghĩa đen là từ đầu giờ Thân, tức là vào khoảng ba bốn giờ chiều, đến cuối giờ Dậu, tức vào khoảng bảy giờ tối. Nghĩa bóng chửi cụ Lớn "Thân mút Dậu". Bởi vậy, Nguyễn Thân đã căm hờn lại căm thù thêm và quyết rửa hận cho kỳ được.

Nguyễn Thân bèn truyền hạ ngục Bá hộ Huệ. Mấy hôm sau mật sai người giữ ngục nửa đêm lén thả những phạm nhân trọng tội ra và xúi giục đi trốn, rồi chận bắt trở lại bảo khai rằng Bá hộ Huệ âm mưu… Trăm miệng một lời, Bá hộ Huệ bị xử tử. Hồn oan theo Nguyễn Thân đòi thường mạng suốt mấy mươi năm… và ở Bình Định hễ nhắc đến Nguyễn Thân thì nhắc đến chuyện giết Bá hộ Huệ.

Dưới triều Bảo Đại có một lúc quan Tổng đốc và quan Bố chánh đã làm cho nơi công đường nghiêm trang trở thành một nơi hý trường giúp vui cho thiên hạ. Đó là thời cụ Vương Tử Đại ngồi ghế Tổng đốc và cụ Nguyễn Bá Trác ngồi ghế Bố chánh. Cụ Thượng vốn là thông ngôn tòa sứ xuất thân, giỏi Pháp văn, thông tây học. Cụ Bố là một tay khoa bảng đã từng cùng các nhà chí sĩ đông du, sau về đầu đầu thú được miễn tội, ra giúp tạp chí Nam Phong, rồi được bổ đi làm quan lớn. Hai bên ghét nhau ra mặt. Cụ Bố thường lấy thơ văn làm binh khí để công kích cụ Thượng. Những tật xấu, việc xấu của cụ Thượng đều bị cụ Bố truyền làm thơ. Có mười bài tứ tuyệt gọi là Bình Thành thập thủ, được phổ biến tận đến hương thôn. Có hai bài được truyền tụng nhất là "Khán hổ bì" và "Ký cốc xa".

Khán hổ bì là xem da cọp.

Nguyên có một thiếu phụ tên Võ Thị Cú ở Phù Mỹ chê chồng, kiện xin ly dị. Người chồng không chịu. Vụ kiện kéo dài. Để cho được kiện, Võ Thị Cú lén vào dinh quan Tổng đốc để lo lót. Mong che mắt thế gian, Thị chờ đến đêm mới vào. Chẳng may quan Bố biết được, liền thẳng đến dinh Tổng đốc. Thấy bóng dáng quan Bố, Võ Thị Cú lật đật đứng dậy nép vào vách. Quan Bố bước vào chỉ mặt Võ Thị Cú thét mắng:

-    Mi là con đàn bà kiện để chồng, sao đang đêm dám vào dinh cụ Lớn?

Đoạn thét lính bắt trói.

Quan Tổng đốc lính quýnh, không biết gỡ gạc thế nào. Nhân trên vách nơi Võ Thị đứng có treo tấm da cọp làm đồ trang trí, quan Tổng đốc liền nói:

-    Con nhỏ dại quá. Nó vào thấy tấm da cọp, tò mò đứng xem. Xin quan lớn hỉ xả.

Quan Bố ra về làm bài thơ Khán hổ bì để ngạo quan Tổng đốc, rằng:

Bạc hạnh lang quân thiếp tảo tri.

Lang quân tư thiếp, thiếp tư ly.

Nhi kim dục ngoài ly lang kế,

Dạ nhập dinh môn khán hổ bì.

Nghĩa là:

Sớm hay chàng vốn bạc tình,

Chàng dù thương thiếp, thiếp đành phân ly.

Cung loan mong đứt giây tỳ,

Đang đêm vào "khán hổ bì" dinh quan!

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)
Suối Đá Trải, Suối Từ Bi  (22/04/2005)