Thành Bình Định (tiếp theo)
12:18', 5/6/ 2005 (GMT+7)

Vương Tử Đại một khi đến Bình Định liền niêm yết cấm việc hối lộ. Một hôm quan cải trang làm thường dân mướn xe kéo đi chơi quanh ngoài thành, để dò xét dân tình. Quan hỏi người phu xe:

-    Nghe đồn quan Tổng đốc đương kim thanh liêm chánh trực lắm phải không chú?

Không biết rằng người ngồi xe là quan Tổng đốc, người phu xe thật tình đáp:

-    Dạ, phải, thanh liêm chánh trực. Nhưng ai muốn được việc thì đừng đi ngõ lớn mắc bảng cấm hối lộ, mà phải đi ngõ sau, tìm bà lớn là "hảo tai".

Quan liền ghi số xe, về dinh truyền bắt người phu xe tống ngục.

Trước vụ người phu xe, lại có chuyện dân làng Đông Lương huyện Phù Cát cũng vì chỉ trích quan tỉnh nên bị bắt giam cả làng. Vợ con đến khóc xin đêm ngày mà vẫn chưa được thả. Nhân hai vụ đó, quan Bố làm bài "Ký Cốc Xa" (xe kéo tay, chạy kêu cọt kẹt) rằng:

Sanh nhai ký cốc nhất xa hành.

Hưu huyết quan gia lãng phẩm bình.

Bất ký Đông Lương đương nhật sự,

Thê hiền nhi khốc đáo tàn canh.

Nghĩa là:

Làm ăn cút kít tay xe,

Miệng mồm khuyên hãy kiêng dè việc quan.

Đông Lương mang vạ cả làng,

Vợ con kêu khóc ngày tàn lại đêm.

Không rải truyền đơn, không đăng báo chí, thế mà mỗi khi thơ quan Bố vừa làm ra thì tất cả nhân viên ty, tào đều biết, rồi không mấy chốc bay khắp ra cả thành thị thôn quê. Quan Tổng đốc rất căm và để trả thù, quan làm một câu đối Nôm, cho người gởi đến quan Bố, rằng:

"Sóng Âu hải tràn ngang, tràn Hương Cảng, tràn Hoành tân, tràn Mã Lịp Nhĩ Sơn, coi như tuồng dạ sắt gan đồng, một mực giữ gìn dân với nước;

Gió Nam Phong thổi ngược, thổi hường lô, thổi binh bộ, thổi Bàn thành cụ Bố, quen những thói vào luồn ra cúi, đôi đường chen chúc lợi và danh".

Thật là "ăn miếng trả miếng". Miếng nào cũng cay.

Không phải thành Bình Định đều đón tiếp những vị quan như hai họ Nguyễn họ Vương.

Trước đó, vào khoảng 1925, 1926, thành Bình Định có quan Tổng đốc rất khí khái. Đó là tiến sĩ Nguyễn Đình Hiến.

Lúc bấy giờ chí sĩ Đồng Sỹ Bình bị bắt giam tại thành Bình Định. Quan Tổng đốc đối xử hết sức tử tế, cơm nước đều do người nhà của quan nấu dọn. Những lúc rỗi rảnh, ngoài giờ làm việc, quan thường đến nơi giam cầm hoặc vời chí sĩ lên tư dinh bàn luận văn chương và thế sự. Quan Tổng đốc Nguyễn Đình Hiến phục chí sĩ Đồng Sỹ Bình chẳng những vì khí tiết mà còn vì văn chương, vì chí sĩ chẳng những giỏi bên Pháp văn (vì là một thư ký tòa sứ) mà lại rất giỏi bên Hán tự. Những tờ khai của chí sĩ toàn bằng Hán văn, mà hễ đặt bút là viết thao thao bất tuyệt. Quan Tổng đốc mỗi lần đọc lời khai là vỗ vế khen "hay!hay!" và có lần cao hứng cầm bút son khuyên đỏ cả tờ khai. Đến khi cơn hứng tàn, phải năn nỉ Đồng Sỹ Bình chép lại. Viên Công sứ Quy Nhơn biết được thái độ Nguyễn Đình Hiến đối với Đồng Sỹ Bình liền khởi mật thư khiển trách, song cụ Hiến coi như không. Sau Công sứ Pháp sợ quan Tổng đốc tìm cách tha nhà chí sĩ, bèn xin triều đình Huế rút cụ về kinh…

Đối với dân, cụ Nguyễn Đình Hiến cũng rất chiếu cố, những việc kiện cáo đều được xét xử công minh, việc an ninh trật tự đều được lưu ý. Cho nên cụ đi rồi, mà phần đông nhân sĩ Bình Định vẫn luôn luôn nhắc nhở.

Rồi, trước khi chiến tranh bùng nổ trên đất nước Việt Nam mấy năm, cơ quan hành chánh tỉnh dời xuống Quy Nhơn, giao thành Bình Định cho phủ lỵ An Nhơn đóng lỵ sở.

Cơ quan tỉnh dời xuống Quy Nhơn trong thời kỳ ông Nguyễn Hy, con ông Nguyễn Thân làm Tổng đốc Bình Định (khoảng Giáp Tuất-Ất Hợi, tức 1934, 1935).

Nghe đồn rằng: Khi ông Nguyễn Hy vừa đến nhậm sở thì liền mấy đêm nằm thấy một chiếc xe chở một đùm ruột lòng thòng đi qua lại trước mặt. Tỉnh dậy thì dường nghe tiếng kêu khóc ở quanh dinh, liền mời thầy bàn đến bàn. Thầy bàn giật mình, bẩm:

- Đây là hồn Bá hộ Huệ hiện về.

Đoạn kể lại câu chuyện Nguyễn Thân giết Bá hộ Huệ, và nói:

-    Xe chở đùm ruột là chữ xa và chữ tâm. Hai chữ này ghép lại thành chữ Huệ. Như thế là Bá hộ Huệ hiện hồn về chực báo oán.

Nguyễn Hy sợ hãi không dám ở nơi lỵ sở, chiều chiều làm việc xong xuống ngủ ở Quy Nhơn, rồi nhân khí hậu ở thành Bình Định không tốt, thường sanh bệnh sốt rét, bèn mượn cớ xin triều đình Huế cho dời cơ quan xuống Quy Nhơn. Nghĩ rằng tòa sứ và tỉnh ở cạnh bên, thuận tiện cho công việc cai trị, nên triều đình Huế chấp thuận.

Từ ấy thành Bình Định trở thành phủ lỵ An Nhơn.

Và những khi khách du quan đi ngang qua phạm vi thành Bình Định, nhìn thấy lầu cửa đông cũ kỹ, không khỏi nhớ đến hai nhà thơ sanh trưởng ở Bình Định và đã dùng tòa lầu cửa đông làm lầu thơ: Chế Lan Viên và Yến Lan.

Chế Lan Viên với tập Điêu tàn làm lúc mới 17 tuổi (1937) và tập Vàng Sao xuất bản năm 1942, đã làm cho làng văn thơ Việt Nam lưu tâm đến Bình Định.

Và Yến Lan, một đợt sóng thứ hai làm vang dội tên Bình Định bằng bài thơ Bình Định sau đây:

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,

Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền!

Tịch dương liễu không biết mình đang biếc

Tương tư trời, tương tư nhạc triền miên…

Mây nổi đó nhưng hồn chừng viễn xứ,

Nguyệt cô liêu trắng mộng hồ xa nao?

Xe lỗi hẹn với người trong lữ thứ,

Trường hận thuyền muôn dặm cũng hư hao.

Ôi Bình Định hương phong chừng cách biệt,

Nhưng bâng khuâng trong bất hạnh sương hoa,

Nhà ngơ ngẩn những tường vôi keo kiết,

Nam quách sầu, đông phố quạnh, tây môn xa…!

Cây lặng lẽ vui làm bầy hải đảo,

Thuyền bồ câu nghiêm buồm trắng trôi ven.

Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước đạo,

Rượu ân tình Bình Định xứ lên men.

Ôi Bình Định tự thành cao trao gửi,

Buổi xế tà qua mấy cửa song xanh:

Nơi đã đọng những vũng đàn lạnh đợi

Của trăng gầy, gió lụy xuống mong manh.

Nhà thiêm thiếp khổ trong quầng nắng nhạt

Nhớ thương từ vườn chuối nuối vương đưa

Giấc Trang Tử đêm vầy theo hội hát,

Cuối đôi làng xam xám dệt tơ mưa.

Đây tôi sống trong thanh nghiêm thánh thất:

Đèn lưu ly hao sáng mộng tràn đầy.

Lan can đỏ xuống lần từng bậc bậc,

Lòng cuộn dần bậc bậc khói hương xây.

Hồn tôi loãng trên bệ vàng thếp chảy,

Cùng hồn trưa quấn quít lấy giao lân.

Tám phương bạn chợp hàng mi mộng thấy

Thái bình trang vàng rộn lá thu phân.

Kiếp tòng bá có xanh vì xứ sở,

Chớ quăng mình thêm nức nở hồn tôi.

Không được sống xin cho cùng được thở

Vạn lý tình trong gió ngọt xa xôi.

Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc?

Em nằm thương xanh biếc của trời buồn!

Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt,

Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.

Hoa tư tưởng phân thân chiều gió trải,

Trời Giang Nam hồ hải nói trong tâm.

Ôi Bình Định ngươi nằm trong mãi mãi…

Đĩa dầu vơi tim cháy ngọn âm âm…

Với những áng văn thơ bất hủ, thành Bình Định tuy mất, nhưng hình ảnh và tiếng tăm vẫn còn trong mãi mãi của thời gian.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành Bình Định  (03/06/2005)
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)
Suối Nước Nóng, Suối Nước Ngọt  (26/04/2005)
Suối Đá Dàn, Suối Đục  (25/04/2005)