Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)
8:35', 9/6/ 2005 (GMT+7)

Trước đây gần bốn mươi năm, đi học về, ghé xem lại ông đá, một vị phụ lão ở trong thôn cho biết rằng:

"Hai pho tượng ở dưới đất trồi lên đã có trên hai trăm năm. Ban đầu chỉ ló chỏm mũ, rồi ló đầu cổ, lần đến cả châu thân. Khi lên khỏi mặt đất thì đứng yên. Người trong thôn rất lấy làm quái gở. Có kẻ tọc mạch đến rờ rẫm quấy quá thì liền bị nhức đầu nóng lạnh. Van vái lại khỏi. Nhân dân địa phương sợ bèn lập đền thờ, ban đầu lợp tranh, sau mới sửa lại ngói gạch".

Nói rằng "hai pho tượng ở dưới đất trồi lên" là gián tiếp bảo rằng không biết ai tạc ra và tạc từ đời nào. Chớ theo những người đã có công khảo cứu thì:

"Xưa kia trên hòn Long Cốt có ba ngọn tháp Chàm cao lớn xây trên ba đỉnh núi (bởi vậy núi có tên nữa là Tam Tháp Sơn) và chung quanh tháp có nhiều tượng bằng đá xanh, lớn có, nhỏ có. Vì Long Cốt là nơi hiểm yếu đối với thành Đồ Bàn, cho nên giặc đến đánh thành thì chiếm cứ Long Cốt trước. Mà thành Đồ Bàn bị biết bao nhiêu lần công phá, núi Long Cốt đã biết bao nhiêu lần bị họa lây, nên những kiến trúc trên núi đều bị sụp đổ hết. Những tượng đá lớp thì bể nát, lớp thì bị vùi lấp. Hai tượng đá chùa Nhạn Sơn hoặc là hai tượng đá ở trên núi lăn xuống, hoặc là ở nơi chân núi bị vùi lấp, người địa phương cày cuốc chạm phải mới đào lên.

Xem cho kỹ thì hai pho tượng đều bị gãy mất hai bàn tay và hai bàn tay hiện hữu là hai bàn tay bằng gỗ tháp vào. Hai bàn tay đá nhất định là hai bàn tay xòe, vì tượng đương múa. Nhưng người Việt Nam, hoặc không thông thạo điệu múa của người Chàm, hoặc muốn cho pho tượng thêm phần oai nghi, mới tiện tay cầm vũ khí. Cây kiếm và cây giản của hai tượng cầm cũng bằng gỗ. Chắp tay xong lại còn lấy sơn, sơn một tượng đen, một tượng đỏ với chiếc khố màu sặc sỡ.

Khi chùa mới lập, thì hai tượng đá chỉ mang một nước sơn mà thôi. Sau này người ta mới bày kết thêm râu đội thêm mũ và mặc thêm áo, trông có phần Việt Nam.

Và chùa lập ra, lúc ban đầu chỉ để thờ "hai ông đá". Không ai biết là hai ông gì, nên chùa mới lấy tên là Thạch Công tự, nhưng gọi là ông đá nghe không "oai" nên nhiều người gọi ông Đen là ông Ác, ông Đỏ là ông Thiện.

Chùa mới sửa sang lại để thờ Phật chừng bốn lăm năm chục năm nay. Khi ấy chùa mới đổi tên là Nhạn Sơn, và hai ông đá vẫn đứng ở chỗ cũ: giữa chùa, trước bàn phật, như hai ông hộ pháp.

Trong chùa Nhạn Sơn, ngoài hai ông đá ra, không có gì lạ và người ta đến chùa vì hai ông đá hơn là vì Phật vì tăng.

Trước khi, chùa được nhiều du khách đến viếng, chẳng những vì hai ông đá mà thôi, mà còn vì phong cảnh ở quanh chùa.

Chùa ẩn hiện dưới bóng xoài xanh, dựa lưng vào núi Long Cốt, trông như một bình hoa để trước một bức Tam Sơn màu đỏ gạch. Trước mặt chùa lại có một ao sen rộng hơn 50 mẫu, hình trăng lưỡi liềm, tên là Tân Nguyệt Trì. Mùa xuân, mùa hạ thì trước chùa hiện một vành trăng non, sắc hồng thay sắc vàng, hương sen thay thế hương quế. Mùa thu mùa đông thì trăng non láng lai sắc bạc, khi thì óng ánh dưới bóng trời xanh, khi thì lờ mờ trong màn mưa xám.

Dưới vòm trời xanh, nắng vàng rực rỡ, hay sương lam lờ mờ, ba ngọn tháp màu đà non chung quanh có người đá, voi đá, nghê đá… sắc xám, đứng sừng sững trên dãy núi ba ngọn, nửa trên màu gạch chín, nửa dưới màu xoài xanh… Dưới chân núi, mặt tây mặt nam, đồng xanh trải lụa gợn sóng… Trước mặt hồ Tân Nguyệt khi thì hồng, khi thì bạc… nằm cong cong như chiếc nỏ mà núi Long Cốt là lảy thần… Ở phía bắc, thành Đồ Bàn nguy nga và lộng lẫy như người Chiêm nữ mới điểm trang mà Long Cốt là vầng trán khảm ba hạt kim cương tháp… Quang cảnh vô cùng ngoạn mục.

Tháp nay không còn nữa, thành Đồ Bàn không còn nữa, hồ Tân Nguyệt không còn nữa. Tháp bị phá, thành bị phá, hồ bị lấp thành đồng ruộng. Đồng lại bị đường xe lửa cắt đôi, cho nên ngày thường đi ngang qua chùa không còn thấy nữa. Nhưng đến mùa lụt, nước bạc khỏa bờ, lên đứng trên núi Long Cốt mà trông thì vẫn còn trông phảng phất hình trăng đêm mồng năm mồng sáu.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Nhạn Sơn  (07/06/2005)
Thành Bình Định (tiếp theo)  (05/06/2005)
Thành Bình Định  (03/06/2005)
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)
Đồng bằng  (28/04/2005)