Chùa Thập Tháp
11:52', 10/6/ 2005 (GMT+7)

Chùa Thập Tháp ở phía bắc chùa Nhạn Sơn. Chùa xây trên mặt nổng gò rộng hình mai rùa. Trên gò xưa kia có mười ngọn tháp nên tên gọi là Gò Thập Tháp, nằm yểm hậu thành Đồ Bàn. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) một vị thiền sư người Trung Hoa tên Bích Hoán Hòa thượng phá mười ngọn tháp lấy gạch xây chùa gọi là Thập Tháp Di Đà Tự.

Chùa Thập Tháp (ảnh: Đào Tiến Đạt)

Vị thiền sư khai sơn chùa Thập Tháp là ngài Thọ Tôn Hòa thượng, húy Nguyên Thiều. Hòa thượng họ Tạ, quê ở Trình Hương, Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, sang Việt Nam năm Ất Tỵ (1665), ngài thuộc phái Lâm Tế.

Sau khi lập xong chùa Thập Tháp, Hòa thượng mở trường truyền chánh pháp. Được ít lâu ngài giao chùa Thập Tháp cho đệ tử trông coi, ra Thuận Hóa lập chùa Phổ Thành tại thôn Hà Trung rồi vào Gia Định mở chùa Giác Duyên, sau lại trở ra Thuận Hóa lập chùa Quốc Ân tại Xuân Kinh (Phú Xuân-Huế).

Dưới triều chúa Nguyễn Phúc Trần (1687-1691), phụng mệnh Chúa, Hòa thượng trở về Trung Quốc tìm mời các danh tăng và cung thỉnh pháp tượng pháp khí. Lúc Hòa thượng trở qua Việt Nam, Chúa Nguyễn liền mở đàn truyền giới rất long trọng tại chùa Thiên Mụ. Sau đó chúa sắc tứ chức Trù Trì chùa Hà Trung.

Một hôm, Hòa thượng lâm bệnh, hợp môn đồ lại dặn dò mọi việc và truyền bài kệ, rằng:

Tịch tịch kỉnh vô ảnh

Minh minh châu bất dung.

Đường đường vật phi vật,

Liêu liêu không vật không.

Đại ý ngài muốn khai thị cho tăng chúng biết rằng: Thể Pháp thân thanh tịnh sáng suốt như tấm gương không bụi, như ngọc minh châu bóng ngời. Tuy hiện tiền sự vật sai khác, nhưng đều là Pháp Thân biểu hiện. Thể Pháp Thân thường vắng lặng nhưng không phải là không. Đó là lý "Chơn không diệu hữu" (Viết theo sách "Việt Nam Phật giáo sử lược" của Thượng tọa Mật Thể và theo lời của Thượng tọa Thích Trí Nghiêm).

Truyền kệ xong, Hòa thượng ngồi yên lặng mà tịch.

Hòa thượng tịch ngày 19 tháng 10 niên hiệu Bảo Thái thứ 10 nhà Lê (1729). Đệ tử làm tháp Hóa Môn để chôn cất hài cốt. Tháp đứng cạnh chùa Quốc Ân, bên một nổng đồi nhỏ làng Dương Xuân Thượng (Năm Hòa thượng viên tịch cần xét lại. Vua Lê Dụ Tông có hai niên hiệu: Vĩnh Thịnh (1706-1719) và Bảo Thái (1720-1729). Bảo Thái thập niên là năm 1729. Chúa Nguyễn Phúc Chu (Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng đế) mất năm Ất Tỵ (1725) trước Hòa thượng. Như vậy không thể ban thụy hiệu cho Hòa thượng được. Hay là Hòa thượng tịch năm Vĩnh Thịnh thứ 10 chăng (1715)?).

Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) ban thụy hiệu là Hạnh Đoan Thiền sư, và có bài minh khắc vào bia để tán thánh đạo đức của Hòa Thượng:

Ưu ưu bát nhã,

Đường đường phạm thất.

Thủy nguyệt ưu du,

Giới trì chiến lật.

Trạm tịch cô kiên,

Trác lập khả tất.

Quán thân bổn không,

Hoằng pháp lợi vật.

Biến phú tường vân,

Phổ chiếu huệ nhật.

Chiêm chi nghiêm chi

Thái Sơn ngật ngật.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)  (09/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn  (07/06/2005)
Thành Bình Định (tiếp theo)  (05/06/2005)
Thành Bình Định  (03/06/2005)
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)
Quy Nhơn  (11/05/2005)
Cửa Đề Gi, Cách Thử  (09/05/2005)
Bờ biển và cửa biển   (03/05/2005)