Hòa thượng Nguyên Thiều thuộc phái Lâm Tế. Hòa thượng là người đầu tiên truyền chánh phái Lâm Tế ở Trung Việt và chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định là chùa tổ. Nhưng vì ngài sơ tổ Nguyên Thiều sau ra trụ trì ở Thuận Hóa và tịch ở đó nên đệ tử lấy chùa Quốc Ấn làm chùa tổ. Tuy vậy những người mộ đạo vẫn không quên bổn nguyên. Huống hồ sau này, một hòa thượng ở Thập Tháp đã góp phần chấn hưng nền Phật giáo Việt Nam và đã đào tạo nhiều thượng tọa tài đức hiện đương gia công hoằng pháp và hộ pháp ở miền Nam. Đó là hòa thượng Phước Huệ. Hòa thượng tịch năm 1945, lúc Nhật vừa lật đổ Pháp.
Bởi vậy chẳng những người Bình Định mới coi chùa Thập Tháp là nơi "sùng bi vỹ tượng" mà tất cả phật tử ở Việt Nam, hễ đi ngang qua Bình Định thì đều ghé lại cung chiêm.
Chùa xây bằng gạch (gạch lấy ở mười tháp Chàm), lợp ngói. Bốn vày, ba gian, hai chái. Mỗi gian chừng trên dưới bảy thước tây. Kiểu thức của chùa và cách thờ phượng trong chùa cũng tương tự như các chùa khác trong nước, chỉ có một đặc điểm là kèo, trính, quyết đều bằng gỗ sao và đều chạm chữ Phạn, còn cột thì lớn trên một vòng tay ôm và toàn bằng gỗ ké.
Trong chùa lại có đủ ba tạng kinh, giấy khổ rộng và chữ lớn bằng ngón tay út. Ba tạng kinh này, ngoài chùa Thập Tháp ra, không chùa nào có. Bộ kinh hết sức cổ, có lẽ do Sơ Tổ đã thỉnh ở Trung Hoa sang lúc phụng mệnh chúa Nguyễn về Tàu cuối thế kỷ thứ XVII.
Ba tạng kinh nay còn không đủ. Sư cụ Phước Huệ cho hai học trò là Thích Trí Độ và La Đỉnh Thâm mang một số kinh và luận ra Huế mở trường đại học Phật và để lại chùa Từ Đàm. Chùa này bị thiêu hủy thời Ngô Đình Diệm, gần một ngàn quyển kinh luận rất cổ của Thập Tháp cũng cháy rụi. Đó là một tổn thất rất lớn làm cho ba tạng kinh Thập Tháp bị thiếu nhiều.
Có lẽ cũng của Sơ Tổ để lại hai pho tượng hộ pháp và 36 tượng la hán bằng gỗ chạm khắc tinh vi. Hai tượng hộ pháp đặt hai bên cửa bước vào, cao đến hai thước tây. Ba mươi sáu vị la hán, mỗi vị cao độ năm tấc tây, thờ hai bên án cạnh bàn Phật, mỗi bên 18 vị.
Về mặt mỹ thuật thì tuyệt khéo, nhất là các vị la hán, mỗi vị có một khuôn mặt, một dáng điệu khác hẳn nhau, kích thước cân xứng, đường nét nhịp nhàng, trông linh động như sống.
Thật là những bảo vật vô giá.
Vì chùa có danh và đã lâu đời nên người địa phương truyền nhau nhiều chuyện hoang đường, nhưng lý thú, như chuyện "Vỏ lúa" là một.
Truyền rằng: Trước kia quân Pháp lấy Bình Định, tại chùa có một vỏ lúa lớn bằng chiếc trống chầu và vàng ánh sắc huỳnh kim. Quân Pháp nghe đồn đến xem, nghi là đồ giả lấy tay rờ thử thì vỏ lúa liền tan thành phấn vàng bay theo gió. Vỏ lúa ấy là vật kỷ niệm lưu truyền đến hai trăm năm. Đó là vỏ một thứ lúa đặc biệt của chùa do Sơ Tổ Nguyên Thiều từ Trung Quốc đưa sang. Ruộng chùa trồng toàn giống lúa ấy. Lúa không mất công trồng, hễ đến mùa xuân sau khi ruộng cày bừa xong, lúa giống từ chùa lăn ra ruộng để đâm chồi trỗ gié. Đến mùa hạ, lúa chín, người trong chùa phải lo dọn quét sân cho thật sạch sẽ để lúa tự lăn về. Lúa chỉ trỗ vừa đủ cho chùa dùng và bố thí cho những người nghèo khó trong hạt. Mỗi người mỗi tháng chỉ dùng một hột lúa là đủ no, vì mỗi hột lúa chứa đựng hàng thúng gạo, trắng tinh như đã giã kỹ và thơm như nếp tháng mười. Nhiều kẻ tham, lén lấy cắp giống về trồng, song không mọc. Và những nhà có đủ ăn đủ mặc, mà đến xin bố thí, thì gạo vừa đem về tới nhà liền tan thành bủn, bởi vậy lúa chùa chỉ chùa trồng và chùa dùng mà thôi.
Một hôm lúa chín, chùa lo quét dọn sân để lúa về. Sân chưa dọn xong, lúa đã lăn về như thác chảy. Người quét sân nổi giận, trở cán chổi đập mấy hột đi trước, vừa đập vừa mắng om sòm… Đập đã, mắng đã… ngó lại thấy lúa đều vỡ hết, từ chùa tới đồng, gạo đổ ra trắng cả đường lối. Người quét đứng sững như trời trồng. Hòa thượng bước ra tươi cười nói:
- Không phải lỗi tại con. Vạn vật hễ duyên mãn thì sanh, duyên tán thì diệt. Những gì mình thấy ở trước mặt không phải là thực thể mà là giả tướng. Thấy đó không phải là thật có, không còn thấy đó không phải là thật không. Hãy đi gọi người đem thúng đến xúc gạo.
Từ ấy giống lúa mất, chùa cất một số vỏ lúa làm kỷ niệm. Lâu đời vỏ lúa lần lần mục hết, chỉ còn một vỏ, nhà chùa trân trọng hơn vàng. Rồi một lần nữa, người Pháp - như trên đã nói - làm mất hẳn dấu tích.
Câu chuyện tuy hoang đường, song biểu lộ lòng sùng bái chùa Thập Tháp và lòng khinh thị bọn xâm lăng.
Và chùa Thập Tháp tuy đã lâu đời, nhưng hiện vẫn giữ được cốt cách của ngày trước.
Đăng Đạo có bài thơ vịnh Chùa Thập Tháp rằng:
Mười tháp khuất sao sương,
Trang nghiêm cảnh Phạn Đường.
Hiên lồng trăng Tịnh Độ,
Vườn đọng móc kim cương.
Nguyên Thiều công nổi núi,
Bình Định gió sanh hương.
Kinh truyền ba tạng đủ,
Nguồn đạo thấm muôn phương.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|