Chùa Linh Phong
8:48', 14/6/ 2005 (GMT+7)

Chùa Linh Phong tên thật là Linh Phong Thiền tự, tục gọi chùa ông Núi, ở trên Núi Bà, mặt phía nam thuộc thôn Phương Phi, Phù Cát. Chùa có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh.

             Chùa Linh Phong

Ban đầu chỉ là một am tranh gọi là Dũng Tuyền Tự. Người sáng lập là một nhà sư Trung Hoa tên là gì không ai biết đích xác. Có người bảo là Lê Bang nhưng không lấy gì làm chắc. Người địa phương gọi ông là ông Núi vì thấy nhà sư ở tu trên núi suốt năm.

Truyền rằng ông Núi dùng vỏ cây làm y phục và ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì gánh một gánh củi xuống chân núi để nơi ngã ba đường rồi trở lên. Người quanh vùng đem muối gạo đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau nhà sư đến nhận gạo muối, nhiều ít không biết, mất còn không bận. Những khi trong hạt có bệnh tả, bệnh dịch thì tự nhiên nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong đi ngay, một cái vái cũng không nhận.

Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mộ đức, xuống chiếu làm lại chùa ngói, tứ danh là Linh Phong Thiền tự và ban cho nhà sư pháp hiệu là Tịnh Giác Thiện Trì đại lão Thiền sư.

Qua đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) nhà sư lại được ân tứ một bộ áo cà sa có vòng ngọc móc vàng.

Thiền sư viên tịch đời Tây Sơn (1771-1802) hiện còn bửu tháp. Song có người bảo rằng tháp mới xây dựng sau này để làm kỷ niệm, chớ thật ra nhà sư đã bỏ đi mất từ khi Trương Thúc Loan chuyên quyền, trong nước sanh loạn. Một đi không trở lại và không ai biết đi về đâu.

Lại truyền rằng: Năm Minh Mạng thứ 7 (1837), nhà vua lâm bệnh nặng, các ngự y đã hết phương. Một đêm nhà vua mộng thấy một nhà sư mình mặc áo vỏ cây, một tay cầm quạt mo, một tay bưng chén thuốc, ung dung bước vào cung vua nằm. Nhà sư dâng thuốc cho vua uống xong, cầm quạt phất mấy phất rồi biến hẳn. Vua tỉnh dậy trong mình thấy khỏe, rồi bệnh tự nhiêu thuyên dần. Vua hỏi đình thần. Có người kể lại sự tích ông Núi. Nhà vua xuống chỉ truyền đem bộ áo cà sa của chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ân tứ về kinh, rồi ban cho chùa Linh Phong một bộ cà sa mới, vòng ngà, móc vàng để thờ và cấp cho 120 nén bạc để tu bổ chùa lại.

Phong cảnh quanh chùa thật kỳ mỹ. Chùa nằm trong rừng cây cổ thụ, tịch mịch thâm u, nhiều cây sống lâu đời, hình thù cổ quái. Nhiều cây cao vút bóng mây, lại nhiều cây nằm ngửa nghiêng trong sắc cỏ. Quanh chùa đá mọc ngổn ngang, hoặc đứng sừng sững giữa trời hoặc chen chúc cùng cây cối. Nơi chồng chất thành những hòn giả sơn, nơi lại dựng đứng như vách, nơi lại nằm rải rác như một bầy voi nằm dấu vòi.

Chùa cất trên đầu núi, nhưng sau lưng vẫn có núi cao. Nước khe trên núi cao chảy xuống, đến chùa thì chia làm hai nhánh lớn chảy bọc quanh thềm. Hai nhánh lớn lại chia làm nhiều nhánh nhỏ chảy vào sân sau, chảy vào bếp.. quanh co róc rách, rồi nhập lại nơi sân trước để chảy xuống hồ sen trước chùa.

Nơi sườn núi về phía đông có một hang đá rộng lớn ăn sâu vào lòng núi. Đó là nơi ông Núi tu trì ngày trước. Truyền rằng trong hang có bàn đá, ghế đá, và nhiều dụng cụ khác cũng toàn bằng đá. Lại có hai con cọp mun hiền lành của thiền sư để lại, thỉnh thoảng ra khỏi hang đi tìm trái chín đỡ lòng. Hang bỏ vắng đã lâu đời, đường vào hang gai rấp, cửa hang mây phong, khách mười phương dù có ý tò mò cũng không dám và không thể vào thăm được.

Đi quanh chùa một vòng, rồi ra phía trước, tìm một tảng đá cao đứng trông ra bốn mặt, để cho thêm rộng tầm con mắt thì mới hả tấm lòng đăng sơn.

Xa tít tận chân trời, đồng lúa bát ngát bao trùm hai mặt tây và nam. Lúa non trải sắc xanh mươn mướt, lúa chín trải màu vàng hươm, thoảng ngọn gió đưa, lúa vờn sóng lụa và hết đây lại đó đàn cò điểm những điểm trắng rung rinh. Lẫn trong màu sắc của đồng ruộng mênh mông, từng chòm từng khoảnh nổi lên màu lục đậm của cây, màu xam xám hoặc đo đỏ của chợ quán, nhà cửa, chùa đền... ẩn hiện dưới bóng mây làn khói.

Nhìn về phía đông thì biển xanh lênh láng. Phía đông nam thì đầm Thị Nại long lanh và rừng dương liễu chạy từ Cách Thử đến Gò Bồi, quãng dày quãng thưa, chập chờn trên bãi cát nửa vàng nửa trắng. Xa xa, thành phố Quy Nhơn thấp thoáng trong sương sóng, nửa tỏ nửa mờ, khi ẩn khi hiện. Và gió biển thổi vào rừng dương liễu dưới bãi, thổi vào rừng cổ thụ trên non, tiếng nghe rào rào lẫn lộn cùng tiếng sóng vỗ nơi gành xa bãi vắng.

Phong vị thật là thanh kỳ.

Dưới triều Hàm Nghi, lúc phong trào Cần Vương nổi dậy (1885), cụ Đào Tấn đến trú ẩn tại chùa Linh Phong gần một năm. Cụ có soạn bài kỳ về chùa và đề nơi vách một luật.

Rằng:

Bách hát chung thinh xuất thụ điên

Ngẫu tùy ngâm tiết khấu đàn duyên

Thập niên hồ hải qui lai mộng,

Nhất kỉnh yên hà tự tại thiên.

Giai sĩ từ bi ninh thị Phật,

Sơn ông danh dự bán nghi tiên.

Thanh tuyền tê ẩm tri chân vị

Bất phụ nhân gian phất diệm tuyền.

Nghĩa là:

Cành xanh trăm tắm tiếng chuông rơi

Hứng tới đàn duyên bước thảnh thơi.

Một bức yên hà trời tự tại,

Mười năm hồ hải mộng qui lai.

Am mây ông Núi chừng tiên đấy,

Lượng bể người thơ đích Phật rồi.

Ngụm nước thanh tuyền, chơn vị tỏ,

Mười phương không phụ tiếng thơm bay.

Người dân ở quanh vùng, ngày rằm mồng một đến dâng hương. Các văn nhân tài tử cũng thường đến viếng cảnh. Thơ đề nơi vách đá rất nhiều, nhưng hầu hết đều thơ chữ Hán, chỉ có mấy bài thơ quốc âm mà bài sau đây trội nhất:

Thạch Đỗng xưa tu nổi tiếng thầy,

Thầy nay đâu vắng dấu còn đây.

Giữ chùa ông hộ non xây đá,

Cúng Phật vừa hương biển kéo mây.

Nước nhỏ lon bon chuông dưới suối,

Gió rung lốc cốc mõ đầu cây.

Những người phiền não trường danh lợi,

Đến đó thời lòng cũng giải khuây.

Bài này của cụ Võ Kiêm, đậu ba khoa tú tài ở làng Hưng Trị, Phù Cát, lúc về già đầu Phật lấy pháp danh là Minh Tịnh. Thơ đề khoảng niên hiệu Thành Thái (1889-1907) hoặc Duy Tân (1907-1916), nghĩa là đã năm sáu mươi năm nay.

Mùa hè năm Mậu Dần (1938), Trường Xuyên lên viếng chùa cũng có một bài tức cảnh rằng:

Chùa vua cất, núi trời xây.

Nguồn đạo thơm thanh mạch suối đầy.

Suối chảy quanh chùa, chùa vịn núi,

Núi nằm ôm biển, biển sanh mây…

Có chăng? Chẳng mất: người trong tháp,

Có đó mà không: khói ẩn cây,

Một tiếng chuông buông hồ gợn sóng,

Gió sen phất nhẹ cánh cò bay…

Quang cảnh chùa ông Núi nói tóm lại thật là thần tiên. Người đến viếng cảnh chùa, lòng không rửa mà trong, thân không cánh mà nhẹ. Ngồi tựa bóng cây đón mát, tưởng chừng mình đã xa cách hẳn cõi trần hiêu.

Gió ru hồn mộng thiu thiu,

Chuông chùa rơi rụng bóng chiều đầy non.

Nếu không có tiếng chuông lay mộng, thì mộng còn mãi chìm trong bóng mây ráng, hoặc làm con cò vương hương bay lững lờ trong hồ sen yên tịnh… Nhưng mộng du dù đã tỉnh, mà cơn hứng vẫn còn nồng… Tuy nhiên, bóng chiều đã về tây, khách du quan cũng lo xuống núi, vì thú rừng sắp theo bóng tối đi tìm mồi và đôi cọp mun trong hang đá sau chùa tuy tu hành đã lâu năm nhưng e chưa cải hẳn tánh trời sở phú.

Các bạn ở xa nghe danh chùa ông Núi muốn đến chơi, chắc cần biết đường đi?

Nếu ở Quy Nhơn đi thì có hai đường: đường bộ và đường thủy.

Muốn đi đường bộ thì theo quốc lộ số 1 đi ra đến An Hành, rẽ xuống đường hương lộ đi thẳng đến hướng đông.

Muốn đi đường thủy thì theo đầm Thị Nại mà đi thẳng ra Cách Thử rồi đi bộ một quãng ngắn nữa là đến nơi.

Dọc đường khi đi cũng như khi về thường nghe các em mục đồng, các chàng ngư phủ, với một giọng hát thật thà, hồn hậu hát những câu hát về chùa ông Núi khi thì thanh thoát như:

Cây che đá chất chập chồng,

Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây.

Bụi đời không bợn mảy may,

Chút thân rộng tháng dài ngày thảnh thơi.

Khi thì ngậm chứa đôi nỗi u hoài, như:

Ông Núi đi đâu

Bỏ bầu sơn thủy

Đủ nhân đủ trí

Thêm vỹ thêm kỳ…

Chùa xưa nhạt bóng tà huy,

Xui lòng non nước nặng vì nước non.

Những câu hát ấy, những giọng hát ấy, đối với những bạn có tình là những chén rượu khai vị khi đến, những món quà tráng miệng khi về. Hữu thủy, hữu chung… Hỡi ai là người đồng thanh đồng khí?

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)
Chùa Thập Tháp  (10/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)  (09/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn  (07/06/2005)
Thành Bình Định (tiếp theo)  (05/06/2005)
Thành Bình Định  (03/06/2005)
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)
Đầm Thị Nại   (16/05/2005)
Đầm Trà Ô, Đầm Đạm Thủy  (12/05/2005)