Xa xưa, dân tộc Xà Đàng lừng danh là một bộ tộc không hề khuất phục ai. Sống riêng một cõi, tung hoành bốn phương, họ làm náo động từ rừng sâu đến đồng nội. Người Xà Đàng chỉ tin và sợ trời.
Một buổi sáng nọ, tin anh em Tây Sơn dấy binh, chiêu dụ anh tài chống lại triều đình lan đi khắp nơi, làm xao xuyến cả buôn làng Tây Nguyên. Vị chúa Xà Đàng gương mặt tự phụ, nói với thủ hạ rằng: "Huệ sao dám làm điều kinh thiên động địa? Nếu Huệ có tài như con trời, thì hãy dụ được bầy thiên mã của trời nuôi trên núi. Khi đó, ta sẽ đem cả làng theo hết".
Nguyễn Huệ nghe tin ấy, mỉm cười. Mấy ngày sau ông cùng mấy chàng trai lực lưỡng cưỡi ngựa vào rừng. Ông chọn con ngựa cái khỏe, đẹp, lông nó mướt như nhung, đuôi dài và óng ả như cánh phượng, mắt ướt long lanh, thả nó vào rừng. Hàng ngày nó hí lên những tiếng dài khêu gợi, vọng vào rừng sâu, như nhắn gọi. Nguyễn Huệ cắt cỏ thật non, bỏ cho nó ăn. Trong bầy ngựa trời, có con đực chúa đàn, nghe tiếng hí, từ trong rừng sâu lần ra. Nó thấy con ngựa cái tơ của Nguyễn Huệ có vẻ "dễ thương", liền lân la đến làm quen. Dần dần ngựa cái rủ được cả bầy cùng theo đến. Ngày nào chúng cũng hí gọi, nô giỡn với nhau rất thân thiết.
Ông Huệ rình ở đằng xa, thấy bầy ngựa rừng đã có vẻ say cô ngựa của mình, liền ra mặt. Bầy ngựa rừng lúc đầu hoảng sợ, muốn chạy, nhưng đã bị "nàng ngựa cái" giữ lại. Ông Huệ ra cho cỏ, vuốt ve con ngựa của mình, khiến bầy ngựa rừng dạn người. Lần sau ông ra, chúng không lạ lùng nữa. Ngày này qua ngày khác, ngựa rừng đã quen, ông Huệ cắt nhiều cỏ non, dắt con ngựa cái về. Lũ ngựa rừng nhớ bạn, lại đã dạn người, nên đi theo. Ông Huệ kiên nhẫn theo dõi, nắm đặc tính từng con ngựa rừng để thuần phục chúng.
Dụ được bầy ngựa rồi, ông Huệ chưa vội báo cho dân làng biết. Lúc chúng thuần như lũ ngựa nuôi trong tàu của mình, Nguyễn Huệ mới báo tin cho dân làng. Không ai tin, nhất là mấy già làng. Họ vẫn nói: "Không ai khiến được ngựa trời đâu. Chỉ có trời sai được chúng thôi!"
Một số người muốn đi xem, ông Huệ bằng lòng. Ông cho lũ thanh niên trèo lên núi cao, rừng rậm, ngồi im trên ngọn cây, để xem ông sai khiến ngựa trời. Đám thanh niên hồi hộp theo dõi ông Huệ gọi bầy ngựa trời ra, sai khiến chúng thật ngoan. Họ phục ông Huệ là "người trời", đã sai khiến được ngựa trời, nên về khoe với các già làng. Già làng vẫn chưa tin. Có người phải thề: "Mắt tao thấy, tai tao nghe, tao nói sai trời phạt. Ông Huệ đúng là con trời xuống dạy lũ ngựa trời như lính của ông rồi". Nhiều già làng đi xem, thấy quả đúng như vậy. Lúc ấy họ mới phục và tôn ông Huệ là thần, làm kiệu rước ông về, vật trâu vật heo, đón ông Huệ "con trời", làm lễ huyết thề, quyết đi theo Tây Sơn, theo ông "con trời" dấy binh khởi nghĩa.
. Theo Địa chí Bình Định |