Chùa Hang
8:33', 16/6/ 2005 (GMT+7)

Chùa Hang chính danh là Thiên Sanh Thạch tự, ở thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, Phù Mỹ.

Đó không phải là một ngôi chùa mà là một hang đá sâu rộng, bên trong thờ Phật và có sư trụ trì, nên gọi là chùa Hang.

Chùa ở lưng chừng núi, mặt hướng về đông.

Núi tên là Lý Thạch (truyền rằng những khi nắng hạn, nghe trên núi có tiếng ồ ồ như tiếng xay lúa thì liền đó trời đổ mưa to. Mưa lâu ngày mà có tiếng như thế thì biết là trời sắp nắng). Dưới chân núi, đồng bằng bao la và đất trồng mít, xoài, dừa… khoảnh này tiếp khoảnh kia, sắc xanh mịt mịt.

Từ chân núi lên chùa, đá xây thành cấp, nửa nhân tạo, nửa thiên nhiên, quanh co khúc khuỷu. Lên khỏi các bậc cấp thì đến sân, một khoảnh đất nhỏ không được vuông vức cũng không mấy bằng phẳng.

Bước vào sân, chúng ta thấy ngay dưới bóng cây xanh một tảng đá cực kỳ to lớn từ trong sườn núi dô ra như một mái hiên bằng bê tông cốt sắt. Tảng đá này dày có đền vài thước tây, rộng đến năm bảy thước và dài có hơn mười thước. Mặt phía trên cong cong như mai rùa, mặt dưới bằng phẳng như mặt ván ngựa và cách đất trên hai thước rưỡi.

Dưới tảng đá "mái hiên", một hang đá bùng bênh ăn sâu vào lòng núi.

Hang chạy dài từ đông lên tây. Nền hang thấp hơn mức đất ở ngoài không bao nhiêu. Bề ngang của hang độ chừng bốn năm thước. Bề sâu có đến vài chục thước.

Bàn thờ Phật trần thiết ở giữa hang, đèn hương đêm ngày, thâm u tịch mịch.

Trước bàn Phật có một hang nhỏ ăn sâu xuống đất, sâu thăm thẳm và tối om om. Truyền rằng hang này thông thương với biển. Có người lấy một quả dừa khô khắc chữ quăng xuống hang, rồi ra biển xem thì thấy quả dừa trôi ở mé nước.

Lách ra phía sau bàn Phật và đi thẳng vào trong thì tối tăm lạnh lẽo phải có đèn mới thấy đường đi. Trong này không có gì lạ. Chỉ có đá mọc lởm chởm, vách đá hô hê và ở cuối hang có một lỗ trống vừa một người qua, ăn thông lên núi.

Như thế là trong hang có hai con đường, một đường lên núi, một đường xuống biển, cũng có thể gọi là kỳ. Nhưng muốn vui mắt đăng sơn thì phải ra ngoài hang, trèo lên tảng đá "mái hiên" nhìn quanh bốn mặt. Phía sau là núi, đá chồng chất, cây xanh tươi. Hoa nở rừng sâu, phảng phất mùi hương trộn gió. Phía trước mặt, ruộng vườn bát ngát và trải trùm tận muôn xa để nối liền với mặt biển khơi nửa nổi nửa chìm trong khói sóng.

Cảnh khá ngoạn mục!

Nhưng muốn hưởng trọn phong vị, tưởng nên viếng cảnh buổi chiều. Khói nhang từ trong tuôn ra pha lẫn cùng khói đá từ rừng sâu đưa lại, lờ mờ, phảng phất, vừa có đó lại vụt không, như quyện với những tiếng chim kêu, hồi chuông vọng… Và cảnh vật luôn theo cảnh chiều sắc thái. Thanh âm, hương vị, thực thực hư hư, man mác lửng lơ, khiến cảnh chùa đượm vẻ thanh u huyền diệu.

Phong cảnh chùa Hang là thế.

Còn sự tích như sao?

Hang có tự nghìn xưa, nhưng chùa mới "lập" dưới triều Đồng Khánh hay Thành Thái, tức là vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (1886-1916).

Nhà sư khai sơn danh tự là gì không được biết, chỉ biết là người Bình Định vào Ninh Thuận thọ giới cùng Hòa thượng chùa Xà Bang. Sau khi thông hiểu kinh luật rồi trở về trụ trì tại hang đá. Hòa thượng Xà Bang thỉnh thoảng ra thăm đệ tử. Truyền rằng đã tu đắc đạo nên Hòa thượng đi nhanh chóng và nhẹ nhàng như gió và mây. Khi đến cũng như đi về, đều dùng con đường núi ở sau hang, chớ không bao giờ đi đường của thường nhân qua lại.

Nhà sư viên tịch đã từ lâu và đã đến hai ba đời kế túc.

Năm Đinh Dậu (1957), Định Phong cùng các bạn đến viếng chùa lại rủi gặp lúc vị trù trì đương kim vừa tịch. Các chú tiểu còn trẻ quá. Trong chùa lại không có tự phổ, nên chỉ nhờ dân địa phương mà biết được đôi nét đại cương về chùa.

Hang núi có sư đến trụ trì rồi trở thành chùa Phật, ở Việt Nam có nhiều và nhiều nơi phong cảnh hùng vĩ, sự tích kỳ dị như động Hương Tích, động Phật Tích, động Chùa Trầm, Thạch Động Hà Tiên… Lại có một nơi nữa cũng gọi là chùa Hang ở núi Dục Thúy tại Ninh Bình.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)
Chùa Linh Phong  (14/06/2005)
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)
Chùa Thập Tháp  (10/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)  (09/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn  (07/06/2005)
Thành Bình Định (tiếp theo)  (05/06/2005)
Thành Bình Định  (03/06/2005)
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)
Các ngọn tháp (tiếp theo)  (23/05/2005)
Các ngọn tháp  (20/05/2005)
Đầm Thị Nại, Giao Trì, Ngạc Đàm, Bàu Đồn  (18/05/2005)