Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)
11:9', 19/6/ 2005 (GMT+7)

Truông Mây có tên nữa là Hóc Sâu, ở xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Truông chạy từ thôn Phú Nhuận ở phía Bắc đến thôn Vĩnh Hòa ở phía Nam, dài độ vài ba cây số. Hai bên mây mọc thành rừng, gai góc tua tủa. Cho nên gọi là Truông Mây.

Phía Đông, nhánh sông Kim Sơn chảy từ Nam ra Bắc, cuồn cuộn lục lìa. Phía Tây núi non trùng điệp, và hòn Núi Một tách ra đứng sừng sững bên truông.

Quang cảnh man dại. Người cứng bóng vía đến đâu, lúc gió chiều sương sớm quạnh quẽ hắt hiu, một mình đi ngang qua cũng cảm thấy rờn rợn. Lại thêm nhiều cọp. Cho nên hành khách ít dám qua lại, ngày nay cũng như ngày xưa, thời bình cũng như thời loạn.

Ít người qua lại, nhưng ở Bình Định không mấy ai không biết đến Truông Mây. Đó là nhờ Chàng Lía. Ca dao có câu:

Chiều chiều én liệng Truông Mây,

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

Chàng Lía, hay Chú Lía, là ai?

Là một hiệp sĩ áo vải, sống vào thời chúa Nguyễn (không biết chắc chắn thời Chúa nào). Cha là người huyện Phù Ly, ở gần "miền Bích Khê". Mẹ là người Phú Lạc, huyện Tuy Viễn. Lía mồ côi cha. Mẹ đem về nuôi ở quê ngoại. Lớn lên cho ở chăn trâu cho một phú hộ trong miền.

Lía rất thương mẹ. Đến ở nhà người, nhưng tối nhất định trở về với mẹ. Và những lúc ra đồng, vào rừng, hễ bắt được con cá con chim đều để dành về dâng cho mẹ. Những khi không bắt được chim cá, thường bắt trộm gà vịt ở các thôn xóm xa, làm thịt mang về, nói dối rằng vịt nước, gà rừng. Nhiều lần, bà mẹ sinh nghi, không chịu ăn, gạn hỏi:

- Bắt trộm của ai?

Lía năn nỉ:

- Thấy mẹ khổ, Lía kiếm về nuôi mẹ. Mẹ ăn đi cho Lía vui lòng.

Bà mẹ nhất định không ăn thì Lía chui đầu vào lòng khóc đến lúc mẹ chịu ăn mới thôi. Bà mẹ giận thì Lía xin chừa. Nhưng rồi thỉnh thoảng vẫn đem về không chiếc đùi gà thì cũng nửa chân vịt.

Lía trông không có gì khác chúng bạn. Thân vóc cũng không có gì vạm vỡ, song sức mạnh thật phi thường. Mỗi lần gây sự đánh nhau, Lía chấp hàng vài ba chục trẻ em đồng lứa. Những khi hai trâu báng lộn, một mình Lía nắm một đuôi trâu, cả bọn mục đồng nắm một đuôi, kéo lui ra không cho báng. Lúc nào trâu của Lía cũng bị kéo lui xa hơn. Bởi thế bọn mục đồng đều khiếp sợ Lía. Lía bảo gì phải nghe theo nấy, không ai dám cãi, cũng không ai dám tỏ ý bất bình.

Một hôm cao hứng, Lía bảo bọn trẻ vật một trâu nghé của Lía chận, xẻ thịt thui ăn. Ăn xong sai đem tất cả da xương và lông lá vào rừng chôn dấu kỹ, chỉ để lại đuôi trâu. Lía lấy đuôi cắm xiên xiên xuống đất, rồi khuân một tảng đá to lớn đè lên trên, chừa ló mỏm chót với chòm lông đen. Đoạn chạy về nhà báo cùng chủ:

- Trâu đương ăn, bỗng rống lên một tiếng, rồi chui tuột xuống đất. Chúng tôi nắm đuôi kéo không lên.

Chủ nhà lật đật chạy ra xem. Thấy đuôi trâu, nắm kéo thử, nhưng mắc cứng nhổ không ra. Hỏi đoàn mục đồng, chúng đều nói theo Lía. Sau dò biết được sự thật, chủ nhà tức mình đuổi Lía ra khỏi nhà.

Lía về ở cùng với mẹ. Thấy mẹ làm lụng đầu tắt mặt tối, mà tháng ngày vẫn hụt trước thiếu sau, bèn lén đi bẻ bí trộm, đào khoai trộm… đem về giúp mẹ. Bà mẹ rầy rà mãi không được. Mong nhờ chữ nghĩa thay đổi tánh tình, bà cho Lía đi học. Lía học rất tối, lại hay gây gổ, đánh đá bạn bè. Thầy dạy mãi không được, phải đuổi ra khỏi trường.

Sợ mẹ không dám về nhà, Lía đi lang thang trong rừng. Chợt thấy một lão trượng đương đánh cùng cọp. Lão trượng râu tóc bạc phơ, nhưng diện mạo quắc thước, tay kiếm lanh như chớp. Còn cọp là một vện tàu cau, vừa lớn vừa dữ. Hai bên đánh nhau cả buổi vẫn không bên nào chịu nhượng bên nào. Rồi hai bên đều dừng lại, đứng thủ thế ghìm nhau. Lía đi lẻn ra phía sau lưng cọp, thình lình nhảy bổ tới, tay ôm cổ, chân kẹp hông. Cọp thất kinh nhào lộn mấy vòng, nhưng Lía đeo cứng không sao hất ra nổi. Cọp thất thế, vuốt không dùng được, nanh không dùng được, chỉ cố sức vùng giãy để thoát thân. Cọp càng vùng giãy, Lía càng siết chặt. Cọp nghẹt thở, lần lần đuối sức rồi tắt hơi. Lão trượng vui mừng đến hỏi. Lía thưa rõ lai lịch. Lão trượng tỏ ý muốn đem về nuôi. Lía hớn hở đưa về xin phép mẹ. Bà mẹ làm lễ rồi gởi con cho lão trượng. Lão trượng để cọp lại cho mẹ Lía xẻ thịt bán làm vốn nuôi thân và dắt Lía lên núi.

Lão trượng vốn là một võ tướng của nhà Lê. Vì chán họ Trịnh, ghét họ Nguyễn, bỏ quan về ở ẩn. Lão trượng dạy Lía võ nghệ. Lía học văn thì tối, mà học võ lại rất sáng. Học đâu thuộc đó. Học quyền xong, học sang kiếm, côn… Môn nào cũng tinh nhuệ. Lía lại tự luyện được phép phi thân, đứng đỉnh núi này nhảy sang đỉnh núi kia một cách dễ dàng như nhảy qua khe suối. Lại có thể đứng dưới đất nhảy lên đọt cây cao đứng như con chim, rồi nhảy xuống nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng.

Lía ở núi hơn năm năm. Sau khi lão trượng qua đời thì trở về cùng mẹ. Lúc bấy giờ Lía đã trưởng thành, thường ngày lên núi kiếm thịt về nuôi mẹ. Nhưng tánh khí ngang tàng, không chịu nổi những cảnh bất công trong xã hội, nên thường can thiệp vào việc người. Bọn cường hào, ô lại rất ghét, nhưng sợ không dám làm gì.

Một hôm, một tên lính nha về làng, cậy thế hiếp đáp dân chúng, Lía nổi giận đánh chết. Bọn cường hào được dịp trả thù, liền đi báo quan. Quan cho lính đến vây nhà bắt. Biết rằng không thể ở quê nhà được nữa, Lía bèn cõng mẹ, nhảy chuyền từ nóc nhà này sang nóc nhà nọ, chạy ra bờ sông Côn, nhảy sang qua Phú Phong, đi thẳng vào núi xanh trú ẩn.

(Còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)
Chùa Linh Phong  (14/06/2005)
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)
Chùa Thập Tháp  (10/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)  (09/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn  (07/06/2005)
Thành Bình Định (tiếp theo)  (05/06/2005)
Thành Bình Định  (03/06/2005)
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)
Các dấu thành cũ  (26/05/2005)