Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)
10:36', 20/6/ 2005 (GMT+7)

Vào núi, Lía gặp một đoàn lục lâm mời làm chúa. Lía sai sửa sang thành Uất Trì (còn gọi là Thành Lía) của Chiêm Thành ở Bá Bích làm sơn trại. Ngày ngày, Lía và đám lâu la kéo nhau đi ăn cướp, dân tuần, lính canh không chống nổi, ai nấy đều khiếp sợ. Nhiều nhà giàu thuê võ sĩ đến giữ tài sản nhưng tất cả xa gần đều thất đảm mỗi khi bọn Lía đến. Vì tay côn của Lía mỗi khi vung ra thì hàng nghìn người phải ngã quỵ, không một võ sĩ nào có thể chịu nổi một roi. Bởi vậy tiếng tăm của bọn Lía lừng lẫy khắp nơi. Không ai còn dám lãnh giữ của mướn, và bọn Lía đến đâu, không ai dám chống cự.

Nhưng không bao giờ Lía lấy của những người không dư ăn dư để, mà chỉ lấy của những nhà giàu, nhất là nhà giàu bất nhân thất đức. Lía lại đặt ra lệ:

- Nếu chủ nhà biết điều đem của ra dâng, thì bọn Lía lấy hai phần để lại cho chủ một phần. Vàng bạc, lúa thóc cũng như bò trâu heo dê. Bằng kháng cự thì bị đánh lấy hết. Nếu đi báo quan để cầu cứu, thì nhà cửa bị tiêu tan, có khi còn bị thiệt mạng.

- Những của cướp được, đem về trại một phần, còn bao nhiêu đem phân phát cho người nghèo khó, trước hết là người trong địa phương bị cướp.

Bởi vậy, chỉ có nhà giàu oán bọn Lía mà thôi.

Lại thêm, chẳng những Lía ăn cướp của nhà giàu, đem san sẻ cho nhà nghèo, mà còn luôn luôn bênh vực, che chở cho những kẻ yếu thế bị hà hiếp. Nhiều tên cường hào, nhiều tên tham quan ô lại bị xẻo mũi cắt tai, hoặc bị bể đầu vỡ mặt.

Kẻ cầm quyền tìm đủ mọi cách để trừ khử bọn Lía, song nơi sào huyệt thì không dám vào vì núi khe hiểm trở, một vào không còn mong ra. Còn những khi có vụ cướp xảy ra, hễ quan quân hay tin kéo đến, thì bọn Lía đã đi rồi. Đôi lúc gặp được lại chỉ thêm khổ cho quân lính mà thôi, vì phần thì ngọn roi của Lía vương nhằm ai thì không còn mong sống, phần thì đồng bào tìm cách ủng hộ ngấm ngầm… không tài nào bắt được. Cuối cùng phần ai nấy lo!

Lía vào Bá Bích được ít lâu thì bà mẹ tạ thế. Không nỡ để mẹ nằm nơi quê người, Lía quyết đem di hài về chôn ở Phú Lạc. Nhưng chôn ở đồng bằng, sợ về thăm viếng bất tiện, lại sợ bọn cường hào manh tâm xâm phạm đến phần mộ, Lía bèn chọn đỉnh Trưng Sơn. Trưng Sơn ở Bắc Ngạn sông Côn, cách sơn trại của Lía chừng năm, sáu cây số đường thẳng, xiên xiên về hướng Tây Bắc. Để đưa mẹ về, Lía đội quan tài lên đỉnh núi Chớp Vàng ở phía ngoài sơn trại. Một tay đỡ quan tài, một tay cầm chiếc mâm đồng ngắm về hướng Trưng Sơn, ném mạnh. Mâm đồng vút bay, Lía đội quan tài nhảy theo đứng trên mâm, rồi lấy thế nhảy vọt một nhảy nữa đến Trưng Sơn. Chôn cất mẹ xong, Lía khuân một tảng đá to đặt lên trên mộ để giữ nắng mưa, và kê hai thớt đá nhỏ lên nhau ở bên mộ để ngồi khóc mẹ.

Mẹ mất rồi, Lía buồn bỏ Tuy Viễn ra Phù Ly thăm mộ cha rồi thẳng đường đi thẳng ra phía Bắc. Một đoản côn, một khăn gói, lang thang hết Phù Ly đến Bồng Sơn.

Một buổi chiều Lía đi ngang qua Truông Mây. Tứ bề vắng lặng. Thấy đại thế hiểm yếu, dừng chân ngắm nhìn. Bỗng một toán cướp, kẻ hèo người mác, từ trong rừng kéo ra đó đường:

- Muốn qua truông, phải để khăn gói xuống.

Lía cười:

- Ai đời ăn cướp lại giựt của ăn cướp bao giờ.

Bọn cướp không thèm đáp, áp tới đánh, Lía đưa nhẹ cây đoản côn ra đỡ. Mấy tên ngã lăn. Mấy tên khác xông vào, cũng bị gạt ngã lăn nữa… Chúng thất kinh chạy lên núi báo cùng chủ trại.

Chủ trại là hai tên cướp nổi danh, tục gọi là cha Hồ và chú Nhẫn. Cha Hồ, Chú Nhẫn nghe báo liền vác đại đao xuống núi. Trông thấy tướng mạo của Lía tầm thường, vóc vạc lại không lấy gì làm cao lớn, cha Hồ, chú Nhẫn chê không xứng tay… Lía nổi xung đánh một côn. Cha Hồ đưa đao lên để thì đao văng. Chú Nhẫn tiếp đánh. Lía hất đao co chân đá lăn cù. Cha Hồ chú Nhẫn thất kinh! Hỏi ra, biết là Lía, mừng rỡ đó lên sơn trại, mở tiệc chung vui. Lía cho biết việc mình. Cha Hồ, chú Nhẫn liền tôn lên làm đệ nhất trại chủ.

Lía sửa đổi kỷ cương, không cho chận đường cướp giựt nữa, và đem thi hành chánh sách đã áp dụng ở quê hương: Lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Truông Mây nổi tiếng hơn trước. Bọn giàu có quyền thế đêm ngày lo sợ nơm nớp. Còn đám bình dân thì vui vẻ làm ăn. Người đi qua Truông Mây không còn phải lo nộp tiền mãi lộ.

Được ít lâu ở thành Quy Nhơn tổ chức cuộc thi võ để chọn nhân tài cầm quận đi đánh Trịnh. Cha Hồ, chú Nhẫn bàn cùng Lía đi lập công danh. Lía ưng thuận, cùng cha Hồ, chú Nhẫn thay đổi y trang xuống núi.

Thanh thế Truông Mây tuy lừng lẫy xong không ai biết mặt những kẻ cầm đầu. Nhờ vậy mà bọn Lía vào thành được vô sự. Nhưng lại rủi gặp phải viên giám khảo là một tên tham quan, lấy tiền tài làm chủ nghĩa. Bọn Lía không chịu lo lót nên bị đuổi ra như một số võ sĩ chỉ đến với tài năng. Bọn Lía tức mình về Truông Mây kéo lâu la xuống đốt phá trường thi và bắt giết viên giám khảo. Nhân lúc bất ngờ, đánh phá luôn kho lương và cướp đem về núi một số lớn. Tuần phủ Quy Nhơn ra quân truy kích. Nhưng đến Truông Mây thì bị đánh lui.

Quyết tảo thanh Truông Mây, tuần phủ cho thêm binh đến vây đánh. Nhờ thế núi hiểm xung, bọn Lía giữ vững được sơn trại.

(còn nữa)

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)
Chùa Linh Phong  (14/06/2005)
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)
Chùa Thập Tháp  (10/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)  (09/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn  (07/06/2005)
Thành Bình Định (tiếp theo)  (05/06/2005)
Thành Bình Định  (03/06/2005)
Thành Đồ Bàn (tiếp theo)  (01/06/2005)
Các dấu thành cũ (tiếp theo)  (30/05/2005)