Vào một chiều mùa xuân có một người cưỡi ngựa từ phía trên núi xuống dừng lại phân vân trước ngã ba đường. Người đó xuống ngựa chờ một anh thanh niên đáng gánh một gánh củi to và nặng đi tới. Người ấy hỏi:
- Xin anh cho biết về Đại An rẽ lối nào?
Anh thanh niên nhìn người lạ mặt với vẻ dò xét:
- Chẳng hay ông muốn về nhà ai ở Đại An?
Người cưỡi ngựa tươi cười tự giới thiệu:
- Tôi là chủ trại tận trên An Khê, có ít cuốc cày hỏng, lại nghe nói Đại An có nhiều thợ rèn giỏi, tôi định về đón một người thợ giỏi lên sửa giúp.
Anh thanh niên đặt gánh củi xuống bên đường nói:
- Ông không biết gì sao? Quang Thái bảo Trương Phúc Loan sợ dân làm loạn nên cấm không cho ai chứa chấp vũ khí trong nhà và cấm hẳn các lò rèn không được rèn dập bất cứ thứ gì có thể gọi là làm vũ khí được. Lò bễ làng tôi đã nguội lạnh từ lâu rồi. Thợ rèn chúng tôi, người quay ra làm ruộng, người không có ruộng như tôi thì phải đi lấy củi độ thân.
Người lạ mặt vẻ tư lự suy nghĩ rồi nói vẻ nuối tiếc:
- Quả thật trên An Khê xa xôi chúng tôi chưa nghe nói việc này. Thôi đã cất công xuống đây anh cứ cho tôi theo về làng rồi tính sau vậy. Bây giờ trời cũng tối rồi… Đêm mùa xuân rất lạnh, đành ngủ trọ lại một đêm vậy.
Thấy người khách lạ có phong độ khác thường lại nghe thấy ông ta nhắc tới An Khê mấy lượt, anh thanh niên bỗng vụt có một ý nghĩ tinh nghịch:
- Thôi được, tôi sẽ đưa ông về làng, chỉ cho ông mấy người thợ rèn giỏi nhất phường và để đổi lại ông có thể gánh giúp tôi gánh củi này về làng được không? Nó nặng quá…
Người khách lạ sau một phút ngạc nhiên, rồi mỉm cười, trao cương ngựa cho anh thanh niên, nó nặng đến gấp đôi so với gánh củi thường. Ông lấy đà trước khi bước đi. Chiếc đòn ống bằng cả một đoạn tre kêu lên mấy tiếng rắc rắc rồi gãy gục.
Người lạ mặt mỉm cười, không thay đổi nét mặt, chỉ một cây trắc nhọn cạnh đường nói:
- Cây trắc này làm đòn gánh còn chắc hơn tre nhiều.
Anh thanh niên đưa cho ông con dao vẫn đeo bên người, ông cầm lấy dao nhưng không dùng để chặt cây mà ông lại nghiêng người kẹp thân cây vào nách, bàn tay nắm lấy thân cây rồi lắc lắc nhổ bật cây trắc lên khỏi mặt đất. Sẵn dao trong tay ông phạt một nhát vào gốc cây cho cả phần rễ rơi xuống, rồi quay lại ngọn cây ông phạt một nhát nữa. Cây trắc đã biến thành một chiếc đòn gánh vát nhọn hai đầu.
Anh thanh niên chừng như đã hiểu người đó là ai nên khoanh tay cúi đầu trước mặt người khách lạ nói:
- Ông có sức khỏe như thần. Xin ông cho biết quý tính quý danh để tôi được tôn ông làm thầy và xin theo hầu ông suốt đời.
Người khách lạ vỗ vai anh thanh niên nói nhỏ đủ nghe:
- Tôi là Hồ Thơm đây!
Người thanh niên nhắc lại:
- Hồ Thơm… Nguyễn Huệ… An Khê… Tây Sơn Thượng.
Nguyễn Huệ vẫn để tay lên vai người thanh niên nói:
- Còn anh, anh cũng nên cho tôi biết quý danh.
Anh thanh niên lễ phép thưa:
- Thưa ông, tôi họ Đặng, tên Long, chính người làng Đại An đây. Tổ tiên tôi đã mấy đời làm thợ rèn, nhưng kể từ khi Trương Phúc Loan chuyên quyền làm bậy, cả phường rèn chúng tôi không được hành nghề nữa. Bởi vậy, dân đen oán hận đã nhiều, chỉ mong có người cầm đầu nổi dậy, dân chúng tôi luôn luôn sẵn sàng nhóm lò đỏ lửa theo minh chủ. Nay cơ trời xui khiến được gặp ông đây, tôi xin đi theo ông. Nhưng bây giờ trời đã tối, đêm hôm sương lạnh, xin ông ghé nghỉ tạm lại nhà tôi một đêm và tôi sẽ rủ thêm những người thợ bạn tài ba nhất lên An Khê cùng ông.
Anh thanh niên trao trả cương ngựa cho Nguyễn Huệ, gánh lấy gánh củi của mình. Vừa đi vừa nói thêm:
- Theo lời cha ông tôi truyền lại thì ở trên Anh Khê có một khe nước quý đối với những người thợ rèn chúng tôi. Vì gươm giáo rèn xong muốn cho thật sắc, thật ngọt phải đem ngâm xuống khe nước đó một ngày một đêm rồi mới lấy lên tôi lại. Làm tất cả chín lần như vậy gươm giáo sẽ tốt bền vô cùng. Nó sẽ sắc ngọt, chém gươm giáo địch như chém bùn.
Sớm hôm sau, một sớm mùa xuân đẹp trời với những sợi nắng vàng óng ả, dân phường Đại An đã lặng lẽ tiễn đưa anh thanh niên Đặng Long cùng những người thợ rèn tài ba khác quẩy đồ nghề lên An Khê cùng Nguyễn Huệ…
Và cũng từ mùa xuân ấy trên núi rừng Tây Sơn Thượng, những chiếc bễ lò rèn của phường rèn Đại An bắt đầu đỏ lửa suốt ngày đêm rèn đủ loại vũ khí cung cấp cho quân Tây Sơn đánh đuổi quân Thanh ra khỏi Thăng Long. Ấy là mùa xuân năm Kỷ Dậu.
. Theo Địa chí Bình Định |