Hang chàng Lía
9:12', 23/6/ 2005 (GMT+7)

Núi Bà là một quần sơn đứng trên một căn đế chu vi có đến tám mươi cây số vuông. Đó là trấn sơn huyện Phù Cát. Khí thế hùng tráng. Trong núi có nhiều thắng cảnh, cổ tích, quái thạch, kỳ nham.

Trên đỉnh Hòn Chung có một tảng đá đứng sừng sững  như một trụ cột kình thiên lẫn mây chen ngút, thể hiện chí cầu tiến và bất khuất của người Phù Cát nói riêng, người Bình Định nói chung. Rồi hòn Vọng Phu với cảnh non cao biển rộng, mơ màng trong một sự tích hư mà thực, thực mà hư...

Núi Bà còn một cảnh nữa ít người nhắc đến, nhưng rất kỳ bí và chứa đựng nhiều chuyện rất hoang đường song rất nên thơ.

Đó là Hang Chàng Lía.

Hang này chạy xuyên qua núi, từ thôn An Đức ở phía Nam, đến thôn Trung Từ, Phú Ngãi ở phía Bắc, dài trên 20 cây số. Cửa hang cao rộng vừa một người đi.

Truyền rằng xưa kia chàng Lía chiếm cứ hang này để chống lại quan quân chúa Nguyễn. Do đó mà hang mệnh danh là Hang Chàng Lía.

Vì xưa đến nay không mấy người tới lui, nên cửa hang đã bị bìm lau che khuất. Cho nên ít người biết rằng trong núi có hang.

Trước kia có mấy người dũng sĩ dùng đuốc vào thám hiểm. Nghe nói lại rằng:

Lòng hang thường thường cao rộng xích xoác bằng cửa hang. Nhưng thỉnh thoảng thu hẹp lại, phải nghiêng mình mới qua lọt, hoặc hạ thấp xuống, phải cúi đầu mới khỏi đụng. Lại có lắm nơi mở rộng như một căn nhà mái. Vách đá không đều đặn, nơi thì dựng đứng và trơn liền như bức tường, nơi thì hô hê, hủng hỉu, nhám nhúa sù sì. Đường đi thì khúc thẳng khúc cong, khúc bằng phẳng như lát gạch, khúc lởm chởm những đá cuội đá dăm. Thỉnh thoảng lại nứt ra những đường rẽ như những nhánh cây, hoặc bị những dòng suối nhỏ cắt ngang, nước lạnh như nước đá. Lòng hang tối đen. Thỉnh thoảng trên vòm hang có đôi lỗ trống, hoặc đôi đường nẻ, ánh sáng mặt trời lọt vào trông như đôi vì sao, hoặc đôi lằn chớp. Hang tuy bịt bùng, nhưng không khí không ngột ngạt, vì luôn có gió thổi hiu hiu.

Trong hang không có thạch nhũ, cũng không có giống vật gì khác ngoài rắn. Rắn dồn trong những nơi mở rộng. Con con lớn bằng bắp chân, nằm ngổn ngang từng đống. Nhưng nhờ ánh đuốc làm chói mắt, nên đoàn thám hiểm được nạn khỏi tai qua.

Đoàn thám hiểm đi từ cửa phía Nam, lúc mặt trời mới mọc, và khi ra khỏi cửa phía Bắc thì mặt trời đã chìm Tây.

Từ ấy đến nay không ai dám vào xem lần thứ nhì nữa.

Buổi thiếu thời tôi được nghe các bậc trưởng thượng kể chuyện rằng:

Khoảng thịnh thời của chúa Nguyễn, ở huyện Tuy Viễn có nhà phú hộ sanh được một gái, nhan sắc kiều diễm. Một hôm nghe đồn chợ Phù Ly có nhiều hàng hóa từ miền Bắc đưa vào, người con gái của phú hộ bèn rủ chị em đi xem. Đường xa, nên phải ra đi từ lúc gà gáy đầu. Trời vừa hừng sáng, một con bạch xà to lớn vụt chạy đến quấn người con gái của phú hộ. Mọi người thất kinh bỏ chạy, vừa chạy vừa la thất thanh. Nhiều người nghe la chạy đến, thì chỉ còn thấy dấu rắn bò trên cát mà thôi.

Biết rằng người con gái bị rắn bắt, người hữu tâm một mặt cho người vào Tuy Viễn báo tin dữ, một mặt theo dấu rắn mà đi tìm. Dấu rắn in rõ rệt trên cát. Theo đến cửa Hang Chàng Lía thì mất dấu. Ai nấy đều quả quyết rằng rắn tha cô nàng vào hang.

Nhà phú hộ thuê người vào hang tìm, nhưng chỉ thấy rắn là rắn, không tìm thấy dấu tích trong hang, bèn đi tìm khắp núi. Nhưng đá chen cây, mây lẫn khói, mịt mờ không thấy bóng người đâu! Gia đình tin chắc con mình đã bị rắn nuốt, đành thương thảm mà chịu tang!

Nhưng ba hôm sau, giữa trưa tròn bóng, thình lình một chiếc kiệu hoa hạ xuống trước ngõ, một người con gái ăn mặc lộng lẫy từ trong kiệu bước ra, ung dung đẩy cánh ngõ bước vào nhà. Vợ chồng phú ông ngạc nhiên chạy ra dòm, thì là con gái mình. Tưởng rằng hồn ma hiện về, hai ông bà sợ mất vía! Nhưng nghe tiếng nàng thỏ thẻ:

- Con về đây. Cha mẹ sao thế?

Thì hai ông bà mới hoàn hồn, vội chạy đến ôm con khóc nức nở.

Láng giềng nghe tin kéo nhau đến hỏi thăm. Nàng nói:

- Hôm ấy con đương đi cùng chị em thì bỗng thấy một bà lão đón lại nói rằng: "Công tử cho đến rước cô nương". Liền đó một chiếc kiệu đẹp đẽ do hai tên phu lực lưỡng khiêng đến. Bà lão mời con lên kiệu…

Nghe nói đến đó, mấy chị em cùng đi chợ với nàng hôm trước tỏ vẻ ngạc nhiên, đều nói lên một lượt:

- Nào thấy bà lão! Nào thấy kiệu! Rõ ràng chúng tôi thấy rắn quấn cô kia mà!

Cô nàng cười:

- Làm gì có rắn.

Đoạn nói tiếp:

- Con không chịu lên kiệu. Nhưng một mặt bà lão cầm tay dắt, một mặt thấy chị em đều bỏ đi hết, con túng thế phải theo lời bà lão. Con không hiểu sao mà người ta lại đón rước mình, và chàng công tử kia là ai. Nhưng lòng không chút lo ngại… Kiệu đưa con đến một tòa lâu đài nguy nga và trang hoàng lộng lẫy. Trong nhà khách khứa đông đảo, nhưng không một tiếng ồn. Bà lão đưa con vào một căn buồng rộng và bài trí cực kỳ sang trọng. Tuy chưa từng đến những nơi đài các, phong lưu và tuy đương ở trong một nơi xa lạ, con vẫn không thấy ngạc nhiên, cũng không hề hồi hộp. Con lại có cảm giác đến một nơi quen thuộc cách biệt lâu ngày. Liền đó một chàng thanh niên, mão văn quan, áo hồng cẩm, gương mặt tươi sáng, phong thái nhàn nhã, vén rèm bước vào, nhìn con mỉm cười. Con hơi bỡ ngỡ. Chàng dịu dàng nói: "Mới cách nhau hơn nửa tháng mà dường nàng đã quên hết tiền sự tiền thân?!". Con chợt nhớ lại: Thì ra chàng là chồng cũ của con! Và đó là nhà cũ của con!"

Ai nấy nghe nói đều sửng sốt? Ông bà phú hộ ngạc nhiên, hỏi:

- Sao? Con nói sao? Chồng cũ…?

Người con gái thưa:

- Kiếp trước con là thần nữ. Chồng con là trưởng nam của vị sơn thần trấn thủ Bà Sơn. Vì nghiệp trần con chưa giũ sạch nên con phải đầu thai xuống thế gian. Con ở cùng cha mẹ được 16 năm nay, kỳ hạn đã mãn nên chồng con cho rước con về quê xưa…

Có người không tin, cất tiếng hỏi:

- Như thế, chẳng lẽ nhà cô ở trong hang rắn núi Bà?

Người con gái điềm nhiên đáp:

- Đối với người phàm, rắn là quái vật, hang rắn là nơi nguy hiểm độc địa. Nhưng thần tiên đều coi muôn loài là chúng sanh có đủ tánh thiện ác. Và nơi nào có thần tiên ở thì nơi đó liền biến thành thế giới riêng, bốn mùa xuân cả bốn và ngày dài như năm. Cho nên hang rắn Núi Bà, hễ người trần đến thì là một hang chỉ chứa đựng những đá cùng rắn, nhưng thần tiên đến thì trở thành cõi Bồng Lai và tất cả chúng sanh đều hưởng an lạc. Bởi vậy, tôi sống ở cõi trần thế đã 16 năm, mà chồng tôi bảo "mới trên nửa tháng là vậy đó".

Ai nghe nói cũng kinh tâm.

Sau khi láng giềng về hết, nàng đem lẽ vô thường mà thưa cùng cha mẹ, và khuyên nên tìm nơi vĩnh cửu mà nương thân. Vợ chồng phú hộ nghe lời, cho mời họ hàng đến phân phát hết tài sản… Xong đâu vào đấy thì một chiếc kiệu to lớn, cán sơn son, rèm xũ gấm, do 6 người khiêng, vụt hiện đến trước sân. Vợ chồng cùng người con gái từ giã họ hàng, lên kiệu đi thẳng ra Núi Bà.

Từ ấy nơi hang rắn Núi Bà, thỉnh thoảng người ta thấy có bóng người vào ra, lờ mờ thấp thoáng…

Câu chuyện rắn hợp cùng câu chuyện chàng Lía làm cho hang Núi Bà kỳ quái trở nên huyền bí. Nhiều người ham thích thắng cảnh cổ tích nghe nói, muốn tìm đến, nhưng lại sợ, nên đành "kính nhi viễn chi".

Và vì nơi Núi Bà có hang Chàng Lía, tại thôn Phong An ở gần đó xưa kia lại có một cái truông mọc nhiều mây, nên có người bảo rằng Truông Mây mà chàng Lía cùng cha Hồ chú Nhẫn đóng lâu la để chống cùng quan quân chúa Nguyễn vốn ở Phù Cát chớ không phải ở Hoài Ân.

Xét hai nơi đều có thế dụng binh, cả hai đều còn giữ ít nhiều dấu tích của chàng Lía, nên thật khó phân biệt chỗ thị phi.

Nhưng Phù Cát hay Hoài Ân cũng đều là đất Bình Định, thì đây cũng như đó, mà đó cũng như đây, thì cần chi phải tách làm "nhân, ngã"?

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)
Chùa Linh Phong  (14/06/2005)
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)
Chùa Thập Tháp  (10/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)  (09/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn  (07/06/2005)
Thành Bình Định (tiếp theo)  (05/06/2005)