Ngọc Hân công chúa là con gái thứ 21 của vua Lê Hiển Tông (1740-1786). Mẹ là bà Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hà Dương, phủ Từ Sơn, Bắc Ninh. Vua Lê Chiêu Thống gọi công chúa Ngọc Hân là cô ruột. Công chúa thông minh từ bé, diện mạo thanh tú, xinh xắn. Bản tính thùy mị dịu dàng. Được vua cha yêu quí đặt tên là Chúa Tiên và truyền cho nữ quan Lễ sư vào cung rèn cặp chữ nghĩa cho công chúa cùng dạy đủ môn: cầm, kỳ, thi, họa.
Chưa đầy 10 tuổi, công chúa đã thuộc làu kinh điển, thông thạo âm luật, giỏi thơ văn cả Hán lẫn Nôm, nhưng có sở trường về văn thơ Nôm.
Nữ sĩ công chúa thường cùng bà Lễ sư khi ngâm vịnh xướng họa, lúc đàn sáo véo von, hoặc thù tạc vui quân tướng sĩ.
Càng lớn, công chúa càng xinh đẹp nết na, duyên dáng đức hạnh, được tiếng thơm khắp hoàng cung; mọi người đều quí trọng.
Năm 1786 Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đem quân tiến ra Bắc với danh nghĩa "Phù Lê diệt Trịnh", được vua Lê Hiển Tông phong tước "Phù chính dực Vũ uy Quốc Công" và gả công chúa Ngọc Hân mới 16 tuổi cho ông.
Sau hôn lễ con gái chẳng bao lâu, bỗng nhiên nhà vua bị bạo bệnh băng hà.
Đợi xong thất tuần vua cha, công chúa Ngọc Hân theo chồng về Phú Xuân, ở phủ Bắc Bình Vương.
Năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu Quang Trung, phong Ngọc Hân là Bắc cung Hoàng hậu, còn gọi Hữu cung Hoàng hậu.
Lấy chồng được sáu năm, công chúa Ngọc Hân sinh hạ hai người con. Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời. Sau tang lễ, bà đau buồn âm thầm đặt riêng một lễ ở Hữu cung, đọc bài Văn tế tự soạn để khóc chồng! Thật là một chuỗi lâm li bi thiết, ví như:
"… Một phút mây che vừng Thái Bạch,
Trong sáu cung thoắt đã nhạt hơi hương.
Tơ đứt tấc lòng ly biệt.
Châu sa giọt lệ cương thường…
Và:
"… Liều trâm thoa mong theo chốn chân dung, da tóc trăm thân nào có tiếc.
Ôm cưỡng bảo luống ngập ngừng di thể, sữa măng đôi chút lại thêm thương".
(Trích Văn tế)
Tiếp đó, bà còn sáng tác thêm "Ai tư vãn" bằng văn quốc âm, thể song thất lục bát, dài 164 câu. Toàn bài tác giả đã vận dụng lời lẽ thật tha thiết mà rất chân thành, rất xúc động từ câu mở đầu:
"Gió hiu hắt, phòng tiêu lạnh lẽo
Trước thềm lan hoa héo ron ron!
Cầu Tiên khói tỏa đỉnh non
Xe rồng thăm thẳm, bóng loan rầu rầu
Lúc thì chạnh nghĩ mối duyên may mình đã được trải qua:
"… Rút dây vâng mệnh phụ hoàng
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu qui
Trăm ngàn dặm quản chi non nước
Chữ nghi gia mừng được phải duyên
Sang yêu muôn đội ơn trên
Rỡ ràng vẻ thúy, nối chen tiếng cầm…
(Trích Ai tư vãn)
Khi lo lắng thuốc thang cho chồng (vua Quang Trung):
"Từ nắng hạ, mưa thu trái tiết
Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên
Xiết bao kinh sợ lo phiền
Miếu thần đã đảo, thuốc tiên lại cầu
Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước
Phương pháp nào đổi được cùng chăng?
Thoắt lại mơ tưởng lúc chồng vẫn còn sống:
"… Mơ hồ bằng mộng, bàng hoàng như say
Khi trận gió, hoa bay thấp thoáng
Ngỡ hương trời bảng lảng còn đâu
Vội vàng sửa áo lên chầu
Thương ôi, quạnh quẽ trước lầu nhện giăng
(Trích Ai tư vãn)
Tác giả lại ngậm ngùi trách tạo hóa hẹp hòi… và tha thiết xin thay mạng:
"… Công dường ấy mà nhân dường ấy
Cõi thọ sao hẹp bấy Hóa công?
Rộng cho chuộc được tuổi rồng
Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi.
Rồi còn muốn liều thân:
"… Quyết liều mong ven chữ tòng
Trên rường nào ngại, giữa dòng nào e"
(Trích Ai tư vãn)
Nhưng còn vướng víu chỉ vì con nhỏ:
"… Còn trứng nước thương vì đôi chút
Chữ tình thâm chưa thoát được đi
Vậy nên nấn ná đòi khi
Hình dường còn ở, hồn thì đã theo;
Mặc dầu biết chắc còn sống thì sẽ nhiều khổ đau oan nghiệt:
"Phút giây bãi bể nương dâu,
Cuộc đời là thế, biết hầu nài sao?
Chữ tình nghĩa trời cao, đất rộng.
Nỗi đoạn trường còn sống còn đau! ..."
(Trích Ai tư vãn).
Nữ sĩ Hoàng hậu Ngọc Hân bị bệnh mất ở Phú Xuân năm Kỷ Tị (1799). Bà mất sau vua Quang Trung 7 năm, được tôn Miếu hiệu là Như Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu. Lúc đó triều đình cử danh sĩ Phan Huy Ích soạn 5 bài Văn tế bằng Quốc âm để tế Hoàng hậu Ngọc Hân. Đầu tiên là bài cho vua Cảnh Thịnh đứng tế, trong có đoạn:
"… Giọt ngân phái câu nên vẻ quí, duyên hảo cầu thêm giúp mối tu tề; Khúc thư châu thổi sánh tiếng hòa, khuôn nội tắc đã gây nền nhân nhượng".
"Hồ đỉnh ngậm ngùi cung nọ, những rắp chìm châu nát ngọc vốn từng nguyền; Cung khôn bận bịu gối nao, ép vì vun quén quế lan nên hãy gượng.
"Nẻo thuở doành Hoàng phô vẻ, trau vàng chuốt ngọc vẹn mười phân; Trải phen bến Vỵ đưa duyên, phím sắc xoang cầm vây một thể.
"Dầu gót ngọc vui miền Tịnh độ, nỡ nào quên hai chồi lan quế còn thơ. Dẫu xiêm nghe mến cảnh Thanh Đô, nỡ nào lãng một bóng tang du hầu xế…".
Còn lại 4 bài văn tế nữa, dành cho các vị:
- Mẹ Hoàng Hậu Ngọc Hân là Phù Ninh từ cung đứng tế.
- Các công chúa con gái vua Quang Trung đứng tế.
- Bà con quê ngoại ở Phù Ninh đứng tế.
Theo Quách Tấn, trong "Dụ am văn tập" của danh sĩ Phan Huy Ích còn chép đầy đủ bài Văn tế Vũ Hoàng Hậu cùng năm mất của bà là 1799.
Thế nhưng lại có một vài nhà viết sử, văn học sử đã nêu hai giả thuyết khác nhau không có cứ liệu chính xác:
- Nào là: "Ngọc Hân công chúa bị Gia Long bắt truyền nạp vào hậu cung! ... và bà có thêm 2 con với vua Gia Long…".
- Nào là khi thành Phú Xuân thất thủ, Hoàng hậu Ngọc Hân cùng 2 con cải trang dắt nhau chạy vào Quảng Nam ẩn náu; ngay sau đó cả 3 mẹ con bị bắt và bị triều nhà Nguyễn gia hình được tự chọn cái chết trong tam ban triều điển! ...".
Xin nói niên lịch bà Hoàng hậu Ngọc Hân mất là năm Kỷ Tỵ (1799). Cách hai năm sau, Chúa Nguyễn Phúc Ánh mới lấy được thành Phú Xuân, đó là năm Tân Dậu (1801).
Nhà Nguyễn diệt nhà Tây Sơn năm Nhâm Tuất (1802).
Như vậy bà Ngọc Hân không hề lấy vua Gia Long bao giờ, vì bà đã mất trước khi nhà Nguyễn chiếm ngự Phú Xuân.
Phần văn chương trong Ai tư vãn của nữ sĩ Hoàng hậu Ngọc Hân, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận xét: "… văn phong vừa điêu luyện vừa bình dị…".
Ta còn thấy rõ từng nét đau đáu tha thiết của một góa phụ trẻ trung vương giả. Mặt khác còn nổi bật tình nhà, tình nước, sểnh đàn tan nghé! nỗi nước chông chênh!
Và điều rõ nét nhất ta thấy được ở tác giả Ai tư vãn: bà đã chịu ảnh hưởng rất nhiều của Chinh phụ ngâm.
Riêng bài Văn tế của nữ sĩ Hoàng hậu Ngọc Hân lại mang nặng tính chất bác học. Văn vẻ sắc bén vững vàng; chứng tỏ được tài Hán văn của bà.
Bà xứng danh là bậc nữ lưu văn học uyên bác ở cuối thế kỷ 18.
. Theo Địa chí Bình Định
Tên thật: Lê Thị Ngọc Hân.
Tục danh: Chúa Tiên. Thụ phong: Công chúa Ngọc Hân. Ngôi vị: Bắc cung Hoàng Hậu, còn gọi Hữu cung Hoàng Hậu. Thụy hiệu: Như Ý Trang Thận Trinh Nhất Vũ Hoàng Hậu.
Năm, nơi sanh: 1770 tại Hoàng Cung (Đế kinh Thăng Long).
Tác phẩm: Một số bài biểu dâng vua Quang Trung (thất lạc) còn truyền tụng một bài biểu: Mừng thọ tứ tuần vua Quang Trung, Văn tế vua Quang Trung, Ai tư vãn. | |