Đá Vọng Phu
11:46', 26/6/ 2005 (GMT+7)

Đá Vọng Phu ở trong dãy Núi Bà, thuộc địa phận thôn Chánh Oai, huyện Phù Cát.

Đó là một hòn đá xanh cao lớn mọc đứng trên một ngọn núi cao, ngó ra Vũng Tô bên cạnh Suối Bún. Đi ngoài khơi trông vào giống hình một người đàn bà dắt đứa con đứng nhìn đăm đăm ra biển, như đợi như trông.

Tục truyền rằng:

Xưa kia có hai vợ chồng ông chài sanh hạ được một trai một gái. Người con trai là anh, người con gái là em. Một hôm hai anh em dắt nhau ra vườn đốn mía, chẳng may dao của người anh sún cán, văng phạm nhằm cô em, máu ra lênh láng. Cô em ngã lặng xuống đất bất tỉnh. Người anh sợ quá tìm đường chạy trốn. Vợ chồng ông chài hay tin ra vực con gái vào nhà cứu chữa. Con gái đã chữa khỏi, mà con trai mãi không thấy về. Hai ông bà thuê người đi tìm kiếm. Tìm kiếm khắp đường khắp nẻo, nhưng ngày qua rồi ngày lại, tin tức không nghe được mảy may.

Hai vợ chồng ông chài tuổi đã cao, và chỉ có một mụn con trai làm giống. Mất con, hai ông bà quá đỗi ưu sầu, nên sanh bệnh, rồi nối nhau qua đời. Họ hàng không thương trẻ mồ côi, đã chia những của cải trong nhà, lại còn đem người con gái bán cho một người lái buôn ở tỉnh khác.

Người con gái lúc bấy giờ mới có sáu tuổi.

Cuộc đời thay đổi, nàng không được ở yên một nơi nào. Tấm thân trơ trọi, nay đó mai đây, mãi đến lúc quá xuân mới kết duyên cùng một chàng ngư phủ. Vợ chồng đưa nhau đến trú ngụ tại vùng Núi Bà và sanh được một đứa con xinh xắn. Ngày ngày vợ ở nhà lo nuôi con, chồng dong thuyền ra đầm Nước Ngọt, cửa Đề Gi, xuống Vũng Tô, Vũng Nồm hoặc vô đầm Thị Nại để đánh cá câu tôm đổi lấy bát cơm thơm, tấm áo sạch. Biển cả tuy thường phong ba, song cuộc đời của hai vợ chồng vẫn luôn êm đềm tươi thắm.

Một sớm mùa xuân, nắng vàng trong ấm, sóng biển vỗ nhẹ theo những cơn gió nồm. Đứa con ngồi vung cát nơi sân. Chồng ngồi vạch đầu bắt chấy cho vợ. Cảnh không thêu mà hoa gấm. Tình không nhúm mà lửa hương… Những ngón tay của chồng trên mái tóc xanh của vợ, đi đi lại lại như những cánh buồm rẽ sóng trên mặt biển khơi… Chợt thấy nơi phía trước đầu vợ có vết sẹo dài, chồng dừng tay hỏi nguyên ủy. Vợ nghe chồng hỏi, động lòng sụt sùi, rồi nuốt lệ kể lại chuyện đốn mía ngày xưa. Người chồng ngồi lặng thinh, nhưng trên mặt hiện không biết bao nhiêu nét đau xót.

Vì sao thế?

Vì người chồng chính là người anh ruột đã làm văng dao phạm phải đầu em. Phần ăn năn về sự rủi ro ngày trước, phần cay đắng về sự lầm lỗi ngày nay, lòng chàng như xé như đốt! Nhưng không muốn cho em đã buồn thêm thảm, nên chàng dấu kín sự tình… Sáng hôm sau bảo vợ ở nhà với con để chàng vào Thị Nại đánh cá và mua cước về đan lưới.

Nhưng thuyền một đi không trở lại.

Vợ ở nhà trông chồng, mỗi ngày một vắng, bèn bồng con lên núi đứng trông. Mây nước chân trời xanh, càng trông càng chẳng thấy! Nàng cùng con ở lì trên núi, bỏ uống bỏ ăn. Nắng luyện mưa rèn, lâu ngày hóa thành đá.

Người địa phương gọi là đá Vọng Phu.

Câu chuyện nghe hoang đường nhưng ngậm chứa nhiều ý nghĩa. Nhân tình đạo lý, gương nghìn xưa còn mãi ngày nay.

Ở Tuy Hòa, gần Đèo Cả cũng có một hòn đá đứng trên đầu núi, đi ngoài biển trông vào cũng phảng phất một người đàn bà đứng. Nhiều người lầm tưởng đó là đá Vọng Phu.

Ở Khánh Dương (M'Drack), trên đỉnh núi cao nhất nằm trong dãy phía đông cũng có một hòn đá cao vút mây, đứng nơi huyện lỵ trông giống một người đứng bồng con. Có người cũng tưởng đó là đá Vọng Phu.

Nhưng không phải.

Hòn đá ở Tuy Hòa là Đá Bia (Thạch Bi).

Địa phương có câu ca dao:

- Chiều chiều mây phủ Đá Bia,

Đá Bia mây phủ chị kia mất chồng.

- Mất chồng đây chẳng có lo,

Sợ ai mất vợ nằm co một mình.

Còn hòn đá ở Khánh Dương gọi là hòn Mẫu Tử, tức là Mẹ Bồng Con.

Ba nơi có ba tên khác nhau, tuy vẫn đầu non hình đá. Và mỗi nơi đều có một sự tích, có một tính cách, một phương vị riêng biệt. Hôm nay đến Đá Vọng Phu thì chỉ nên biết sự tích của Vọng Phu vậy.

Mà về Vọng Phu Thạch không phải chỉ riêng Bình Định mới có. Ở Lạng Sơn cũng có đá Vọng Phu. Đá cũng ở trên núi, gần xứ Đồng Đăng và động Tam Thanh. Cho nên ca dao có câu:

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,

Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.

Ai lên xứ Lạng cùng anh,

Tiếc công ba mẹ sinh thành ra em.

Nàng Tô Thị đó là đá Vọng Phu.

Tuy cũng tên Vọng Phu, song sự tích Vọng Phu Bình Định và Vọng Phu Lạng Sơn khác nhau về chi tiết.

Mà chẳng những ở Việt Nam ta mới có kẻ "trông chồng hóa đá" mà thôi. Chính bên Trung Hoa cũng có và cũng có đến hai Vọng Phu Thạch như ở Việt Nam ta.

Như thế là đá Vọng Phu Bình Định, dù đầu non trơ trọi, nhưng vẫn không cô đơn vì ngoài nghìn dặm, trên nghìn thu, vốn sẵn có người đồng bệnh… Và tình người nghĩa phụ, Nam cũng như Bắc, Việt cũng như Hoa, muôn trước nghìn sau, đều được non cao tạc vững. Mây trôi nước chảy, quạnh quẽ đìu hiu.

Khách ở Quy Nhơn muốn đến viếng đá Vọng Phu thì có hai con đường: Đường bộ thì theo con đường Chùa Ông Núi, đến Cách Thử rồi quẹo qua Bắc, hoặc đến Đề Gi rồi đi vào Nam. Đường thủy thì vượt qua đầm Thị Nại đến Cách Thử, mướn ghe ra Chánh Oai.

Theo thiển ý thì nên đi đường biển, vì đã rộng mắt giang san, lại thấy hình người đá được rõ ràng từng chi tiết. Và trong cảnh trời cao biển rộng, lòng chúng ta rất dễ giao cảm cùng "lòng người tháng đợi năm chờ".

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)
Chùa Linh Phong  (14/06/2005)
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)
Chùa Thập Tháp  (10/06/2005)
Chùa Nhạn Sơn (tiếp theo)  (09/06/2005)