Trận đại phá quân Thanh năm 1789:
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 1)
14:55', 27/6/ 2005 (GMT+7)

Đánh cho nó chích luân bất phản

Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.

Những câu trên đây trích từ lời của Quang Trung hiệu triệu tướng sĩ tại Thanh Hóa nói lên tư tưởng đánh tiêu diệt triệt để của người anh hùng áo vải.

Ngày 21 tháng 12 năm 1788, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ nhận được tin báo khẩn cấp của Ngô Văn Sở về việc quân Tây Sơn bỏ Thăng Long rút lui về Tam Điệp.

Ngày hôm sau, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lập tức thống lĩnh đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc. Khi xuất quân, Quang Trung đã "tính sẵn phương lược" đánh quân thù. "Phương lược" đó là hành quân thần tốc để giáng đòn bất ngờ sấm sét tiêu diệt đại quân Thanh. Nước nhà chỉ thật sự độc lập, ta chỉ thật sự làm chủ đất nước, khi không còn bóng dáng một tên xâm lược nào trên lãnh thổ nước ta. Tiêu diệt sạch sành sanh quân thù để "sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ".

"Phương lược dã được tính sẵn" của Quang Trung, trước hết là đáp ứng với yêu cầu đánh nhanh, thắng nhanh. Vào cuối năm 1788, tại Phú Xuân, Nguyễn Huệ còn có hai mối lo lớn: nội bộ phong trào Tây Sơn đã có những rạn nứt sâu sắc trong quan hệ giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ: với sự nhìn nhận chiến lược thiển cận và tâm trạng đa nghi, hẹp hòi, Nguyễn Nhạc tỏ ra muốn hạn chế quyền hạn và ảnh hưởng của Nguyễn Huệ. Tính quyết đoán, năng động sôi nổi với tầm nhìn chiến lược rộng rãi sâu sắc của Nguyễn Huệ đã ngày càng làm cho Nguyễn Nhạc lo lắng; mặt khác, thừa cơ Nguyễn Huệ đang bận giải quyết những vấn đề chính trị và quân sự phức tạp ở Đàng Ngoài, trong khi Nguyễn Lữ tỏ ra bất tài, Nguyễn Ánh đã thu thập tàn quân đánh chiếm lại Gia Định.

Với tầm nhìn sâu xa của mình, Nguyễn Huệ đã thấy lực lượng của Nguyễn Ánh như là "quân thù" nguy hiểm vì đằng sau chúng còn có những lực lượng "Tây Dương" tức là thực dân Pháp. Phải nói rằng Nguyễn Huệ đã nhận ra rất sớm mối đe dọa của chủ nghĩa thực dân phương Tây thời đó đối với Tổ quốc ta.

Riêng về Bắc Hà, theo sau đại quân Thanh là bè lũ Lê Chiêu Thống có thể tăng cường lực lượng quân ngụy và khôi phục bộ máy cai trị cũ của triều Lê nhằm phục vụ cho quân Thanh. Mặt khác, theo thời gian, đạo quân Thanh có thể tổ chức, xây dựng hệ thống phòng ngự lâm thời của chúng tại Bắc Hà, tạo thành bàn đạp chiến lược để chuẩn bị tiến đánh xuống phía Nam.

Triều Thanh dưới quyền thống trị của Càn Long đang ở vào thời kỳ cường thịnh. Đế quốc Thanh mở rộng biên cương đến tận Ngoại Mông, Tân Cương, Thanh Hải, Tây Tạng. Tiềm lực triều Thanh lớn lao, khí kiêu của Càn Long ngùn ngụt. Như vậy, để dập nát ý chí xâm lược của kẻ thù, phải đánh những đòn tiêu diệt khiến cho bọn chủ mưu ngự trị tại Yên Kinh phải kinh hồn, bạt vía.

Từ Phú Xuân, tầm nhìn chiến lược của Quang Trung bao quát từ Thăng Long, đến Gia Định, toàn bộ lãnh thổ đất nước ta từ Bắc chí Nam, thấu suốt đến tận Yên Kinh và đến tận phương Tây - nơi xuất phát của chủ nghĩa thực dân đang dòm ngó đất nước ta.

Xét từ bối cảnh tình hình trong nước và ngoài nước vào thời đó, phương lược tiến đánh của Quang Trung phải nhằm giải quyết yêu cầu tiêu diệt triệt để và nhanh chóng quân Thanh xâm lược. Yêu cầu của tình hình thích ứng với sở trường trong thiên tài quân sự Nguyễn Huệ; hai nhân tố này tác động lẫn nhau, tạo nên cơ sở cho kế hoạch tác chiến của Quang Trung nhằm đại phá quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy.

Ngày 15 tháng 1 năm 1789, đại quân Tây Sơn tập kết tại Tam Điệp. So sánh lực lượng lúc ấy, quân Thanh có khoảng 29 vạn; đại quân Tây Sơn (sau khi được bổ sung trên đường hành quân tại Nghệ An, Thanh Hóa) có khoảng 10 vạn. Phía quân Thanh lúc ấy có kỵ binh với hàng vạn ngựa, được trang bị cả pháo đặt trên các bờ lũy, các đồn. Phía quân Tây Sơn được trang bị loại hỏa hổ khá lợi hại và có đoàn voi chiến trên 100 con. Tôn Sĩ Nghị chiếm ưu thế lớn về quân số. Nhưng có những nhược điểm tất yếu của một đạo quân xâm lược: lực lượng bị phân tán trên không gian chiếm đóng, trước hết trên các trục đường giao thông nối liền Thăng Long với hậu phương của chúng; tiếp đấy là bị phân tán trên hệ thống tuyến phòng giữ lâm thời, bị chia thành cụm đóng quân - dù rằng các cụm đó được nối với nhau trong một thế trận liên hoàn có thể tiếp ứng cho nhau. Đã bị phân tán thành cụm thì tất cả mỗi cụm có thể bị tiến công trong khi sự ứng cứu từ các cụm khác chỉ là khả năng và như thế dễ có thể bị tiêu diệt từng cụm một.

Có thể nói, ưu thế về quân số của quân Thanh dã vấp phải mâu thuẫn tập trung và phân tán. Bị nhân dân ta chống cự lại, chúng vừa phải chống giữ cả phía trước mặt lẫn hai bên sườn và phía sau lưng. Các cụm đóng quân của chúng dù không cách xa nhau nhiều nhưng vẫn ở vào thế bị cô lập, chơ vơ, bị các xóm làng của ta bao bọc, chia cắt. Về mặt thế trận bố trí lực lượng, quân Thanh không thể tránh được nhiều kẽ hở, nhiều đoạn yếu để có thể bị đẩy vào thế đối phó bị động khi bị đối phương tiến công vào những khâu sơ hở.

Bên cạnh quân Thanh, còn có đạo quân ngụy của Lê Chiêu Thống với quân số vài vạn tên. Tuy nhiên, đây chỉ là một đạo quân ô hợp, theo đóm ăn tàn, tập hợp từ những tàn quân của họ Trịnh, mang sẵn mặc cảm khiếp sợ quân Tây Sơn. Như vậy, nhìn về thế đất của Tổ quốc, tại khu vực đại quân Thanh chiếm đóng từ thành Thăng Long đến các vùng xung quanh, nhân tố không gian không phải dễ dàng nằm dưới sự chi phối của Tôn Sĩ Nghị. Đúng là tên tướng Thanh có trong tay 29 vạn quân, nhưng số lượng đó bị chia thành từng mảnh để đóng rải trên một khu vực chiếm đóng rộng rãi mà trên thực tế chúng chưa kiểm soát được nhân dân trong vùng, chúng chưa thiết lập được quyền kiểm soát chính trị chặt chẽ.

(còn nữa)

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đá Vọng Phu  (26/06/2005)
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)
Chùa Linh Phong  (14/06/2005)
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)
Chùa Thập Tháp  (10/06/2005)