Trận đại phá quân Thanh năm 1789:
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 2)
14:47', 28/6/ 2005 (GMT+7)

Về thời gian chiến lược, khi đại quân Tây Sơn đã tập kết tại Tam Điệp thì cũng vừa vào dịp tháng Chạp ta - Tết Kỷ Dậu đã hiện ra trước mắt - Tôn Sĩ Nghị lại vừa chiếm được Thăng Long một cách dễ dàng. Dưới con mắt của các tướng nhà Thanh, đại quân Thanh ở vào thế tiến công, thế của "thiên triều" đem quân đi hỏi tội Nguyễn Huệ; còn về phía Tây Sơn thì bị đặt vào thế kẻ chống đỡ.

Quang Trung đại phá quân Thanh (tranh vẽ tại Bảo tàng Quang Trung, Tây Sơn).

Tâm lý của phía quân Thanh từ tướng tổng chỉ huy đến các binh sĩ thường là tận hưởng các lạc thú trên đất bị chiếm đóng mà chúng có quyền tự do vơ vét của cải, bắt người phục dịch. Chính vì thế, một mặt, phía quân xâm lược bao giờ cũng muốn đánh nhanh thắng nhanh, nhưng vào thời điểm cụ thể này, chịu tác động của phong tục tập quán đối với tâm lý, một tên tướng như Tôn Sĩ Nghị, vừa không phải là một danh tướng, vốn lại là tổng đốc Lưỡng Quảng tất nghĩ đến việc cho đại quân Thanh nghỉ ngơi ăn Tết linh đình để rồi sau Tết sẽ xuất quân. Khi tên Việt gian Lê Quýnh xin tiến quân nhanh, Tôn Sĩ Nghị dã hóm hỉnh trả lời: "Việc gì mà phải vội vã như vậy? Ví như thò tay lấy đồ vật ở trong túi, đến sớm thì lấy sớm, đến muộn thì lấy muộn đó mà thôi. Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân xa xôi đến đây, cần phải nghỉ ngơi không nên đánh vội".

Thế là Tôn Sĩ Nghị đã để yếu tố thời gian chiến lược tuột khỏi tay mình, chuyển thời gian tác chiến thành thời gian hưởng thụ cho toàn đại quân Thanh.

Từ ngày tiễn táo quân, tướng và binh sĩ Thanh đã "ngày càng chơi bời, tiệc tùng, không để ý gì đến việc quân, mặc cho quân lính các đồn tự tiện bỏ cả đội ngũ đi lại lang thang không còn có kỷ luật gì cả", còn bọn bù nhìn Lê Chiêu Thống thì "làm lễ phong ấn" (tức là cái ấn nghỉ việc ăn Tết) vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, các quan cùng quân lính cũng đều cho phép nghỉ mười ngày để cùng vui xuân.

Về phía quân Thanh, nhân tố thời đã chi phối chặt chẽ hai nhân tố lực và thế.

Về thế, các cụm quân co lại trong vòng doanh trại, châu đầu trong các bàn tiệc, bãi cờ bạc dễ say sưa, tổ chức bị xé lẻ thành những cá nhân say sưa lúy túy, "ngọn cờ nghiêng ngả, trống canh trễ tràng". Khói pháo, men rượu, máu mê bài bạc đã làm cho quân Thanh rệu rã cả về tinh thần, thể xác lẫn đội ngũ. Thế trận của chúng co lại, dễ trở thành đứt đoạn và chơi vơi từng quãng, từng cụm.

Với đại quân Thanh, ba yếu tố lực, thế, thời không được kết hợp với nhau mà chống đối lại nhau trong bối cảnh chiến lược được tạo ra từ những điều kiện khách quan đến những quyết định và hành động chủ quan của phía Tôn Sĩ Nghị.

Ở đây, yếu tố thời trong những ngày Tết Kỷ Dậu nổi bật lên như một tử huyệt của đại quân Thanh. Nếu vào những ngày thường, khi một nơi nào trong tuyến phòng thủ của quân Thanh bị tiến công, các nơi khác có thể bị đánh động nhanh chóng và có thể được điều động để ứng cứu kịp thời thì, vào những ngày Tết, toàn bộ lực lượng quân Thanh lại cùng lâm vào "cơn say" Tết, không ở vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu để có thể phản ứng nhanh chóng và nhạy bén. Cái thế trận mà Tôn Sĩ Nghị đã bỏ nhiều công phu xây dựng từ vòng đai chung quanh Thăng Long đến sông Gián Khẩu không là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng đại quân Thanh mà lại phơi bày những chỗ yếu, những sơ hở chí tử của chúng.

Tất cả những yếu tố chiến lược trên đây đã nằm gọn trong "phương lược đã được tính sẵn" tức là: trong những tính toán chiến lược của Quang Trung ngay từ khi xuất quân tại Phú Xuân, đã được hoàn chỉnh dần trên đường hành quân đến Tam Điệp qua những tin tức được thu thập kịp thời và tài quan sát nhạy bén. Sự đánh giá tình hình đúng đắn, chính xác của Quang Trung về tương quan địch, ta khi người anh hùng áo vải đã đến Tam Điệp là cơ sở cho kế hoạch tác chiến tài tình của ông nhằm tiêu diệt gọn đại quân Thanh trong thời điểm những ngày Tết Kỷ Dậu.

Nhằm thực hiện mục tiêu tiêu diệt toàn bộ đại quân Thanh trong một thời gian ngắn chỉ vài ngày, Quang Trung giành lấy hai nhân tố không gian và thời gian chiến lược về phía mình, tạo thành lợi thế, nâng sức mạnh của phía Tây Sơn lên gấp bội, đẩy sức mạnh của phía quân Thanh tụt xuống nhiều lần, chuyển hóa tương quan lực lượng có lợi về phía Tây Sơn, qua một kế hoạch tác chiến vượt xa khả năng dự toán thiển cận của Tôn Sĩ Nghị.

Quang Trung chia đạo quân làm 5 đạo, với những nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Đạo quân chủ lực đảm nhiệm hướng tiến công chủ yếu do Quang Trung trực tiếp chỉ huy, gồm có bộ binh, tượng binh, kỵ binh với Đại tư mã Ngô Văn Sở, Nội hầu Phan Văn Lân chỉ huy Tiên phong, Hán hổ hầu Chiêu Viễn tướng quân là người đã từng chiêu tập hàng vạn tân binh ở Thanh Nghệ, đốc xuất hậu quân làm đốc chiến. Đạo quân chủ lực này là cánh chính binh đánh thẳng vỗ mặt vào mặt trận chính của quân Thanh trên đường phía Nam kinh thành Thăng Long.

- Đạo quân thứ hai do Đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy được xem là cánh kỳ binh, lực lượng tuy không nhiều nhưng cơ động nhanh chóng, thực hiện cách đánh tạt ngang sườn. Từ Tam Điệp, đạo quân này hành quân theo đường thượng đạo, từ Nho Quan, xuyên qua Mỹ Đức (Hà Tây) đến Nhân Mục (Mọc, nay thuộc huyện Từ Liêm - Hà Nội) để bất ngờ ập xuống bao vây tiêu diệt đạo quân Sầm Nghi Đống đóng ở Đống Đa, ra qua cửa Tây Nam (Ô Chợ Dừa - Đống Đa, Hà Nội) thọc sâu vào tận cung Tây Long, chỉ huy sở của Tôn Sĩ Nghị bên bờ sông Hồng.

Đạo quân thứ ba do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi theo đường Sơn Minh (huyện Ứng Hòa, Hà Tây) ra làng Đại Áng, phía Tây Nam đồn Ngọc Hồi, để phối hợp với đạo quân chủ lực, tiến công Ngọc Hồi.

Đạo quân thứ tư là đạo quân thủy do Đô đốc Tuyết chỉ huy, có nhiệm vụ vượt biển tiến vào sông Lục Đầu, tiêu diệt quân cần vương của Lê Chiêu Thống ở Hải Dương rồi tiến lên uy hiếp sườn phía Đông của đại quân Thanh đóng tại Thăng Long.

Đạo quân thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy, cũng theo đường thủy tiến vào sông Lục Đầu rồi tiến đến các hạt Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế để chặn đường chạy về của quân Thanh. Quang Trung đã tính toán: "Người Thanh nghe tin ta ra Bắc, tất sẽ tập trung hết quân tinh nhuệ xuống phía Nam giữ Thượng Phúc, Phú Xuyên, còn một dải Kinh Bắc phòng ngự ắt yếu. Ta sẽ xuất kỳ bất ý chia quân chẹn ở Thái (Nguyên) Lạng (Sơn)".

(còn nữa)

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 1)  (27/06/2005)
Đá Vọng Phu  (26/06/2005)
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)
Chùa Linh Phong  (14/06/2005)
Ấn vàng và kiếm bạc  (13/06/2005)
Chùa Thập Tháp (tiếp theo)   (12/06/2005)