|
Tượng vua Quang Trung tại Công viên Quang Trung - Quy Nhơn. |
Cách bố trí thế trận tác chiến như trên biểu lộ rõ rệt ý định của Quang Trung. Tiêu diệt triệt để toàn bộ đại quân Thanh trong một trận quyết chiến chiến lược. Lợi dụng thời cơ dịp tết Kỷ Dậu, phát hiện những sơ hở trong tuyến phòng thủ của địch, Quang Trung tập trung lực lượng giáng đòn sấm sét bất ngờ vào khâu then chốt trong hệ thống phòng thủ của địch tức là đồn Ngọc Hồi, đồng thời tung đạo kỳ binh lợi hại điểm thẳng vào tử huyệt của đại quân Thanh tức là đồn Khương Thượng dẫn đến cung Tây Long, chỉ huy sở của Tôn Sĩ Nghị.
Sau khi đã hình thành thế bao vây chặt chẽ các mặt, Quang Trung đã quyết tâm tiêu diệt sạch sành sanh cánh quân Thanh do Hứa Thế Hanh chỉ huy.
Ở đây, nổi bật lên cách đánh linh hoạt tài tình của Quang Trung. Với những động tác chuẩn bị và tính toán kỹ lưỡng, đạo quân chủ lực do Quang Trung đích thân chỉ huy đã đột phá mãnh liệt vào đồn Ngọc Hồi. Trong đợt đột phá này, ông đã kết hợp voi chiến, hỏa hổ với những tấm mộc quấn các bện rơm tẩm ướt che chở cho các đội dũng sĩ xung kích khi tiếp cận; dùng sức mạnh lợi hại của công cụ đánh thành kết hợp với tinh thần dũng cảm vô song của quân Tây Sơn. Sự xuất hiện của quân Tây Sơn làm cho quân Thanh tại đồn Ngọc Hồi khiếp đảm. Đó chính là lúc bọn chúng vừa hoang mang trước sự xuất hiện bất ngờ của đại quân Tây Sơn vừa kinh hoàng rệu rã trong tình trạng nửa tỉnh nửa say của cuộc truy hoan tết Kỷ Dậu. Quả đấm thôi sơn đó đủ sức đập nát vụn một quãng lũy che chở đồn Ngọc Hồi để cho đạo quân chủ lực Tây Sơn ào ào xông qua đột phá khẩu, tràn vào đồn như nước lũ. Chỉ còn giày xéo lên nhau mà chạy cũng đủ làm cho một bộ phận của quân Thanh trong đồn Ngọc Hồi mất mạng.
Xét về tương quan lực lượng hai bên thì tổng quân số quân Thanh tại khu vực Thăng Long là khoảng 29 vạn, còn đại quân Tây Sơn do Quang Trung thống lĩnh chỉ khoảng 10 vạn. Riêng trong trận Ngọc Hồi, cánh quân chủ lực do Quang Trung đích thân chỉ huy cộng với cánh quân do Đô đốc Bảo chỉ huy có quân số khoảng từ 6 đến 7 vạn trong khi cánh quân của Hứa Thế Hanh tại Ngọc Hồi có quân số khoảng 3 vạn. Thế là so về tổng quân số, phía ta chỉ bằng 1 phần 3 địch nhưng tại điểm mà phía ta chọn làm điểm quyết chiến, quân số của ta gấp đôi phía địch, cộng với các yếu tố bất ngờ, tinh thần dũng cảm, tài trí chiến đấu, tính lợi hại của phương tiện chiến đấu như voi chiến, hỏa hổ v.v… ưu thế về quân số trên đây lại được nhân lên gấp bội. Quang Trung đã thực hiện tài tình nguyên tắc tập trung lực lượng để thực hiện mục tiêu đánh tiêu diệt. Tiến công mãnh liệt ở chính diện đồng thời mở sẵn cho quân địch một con đường thoát dẫn chúng đến một cái bẫy đã được chuẩn bị từ trước để chờ chúng, là Đầm Mực do Đô đốc Bảo chỉ huy, Quang Trung đã bày bố một thế trận kỳ diệu để nắm vững quyền chủ động điều địch từ đầu đến khi kết thúc trận đánh.
Trong trận Ngọc Hồi, để thực hiện cách đánh tiêu diệt sạch sành sanh quân địch, các yếu tố tiến công bất ngờ, đột phá mãnh liệt, bao vây nhiều vòng từ vòng trong hẹp đến đến vòng ngoài rộng, điều động địch hành động theo đúng ý định ta đã ăn khớp với nhau nhịp nhàng theo đúng như sự sắp xếp, bài binh bố trận của Quang Trung. Như vậy là, ngay từ trận Ngọc Hồi, Quang Trung đã thực hiện được nghệ thuật hành binh cơ động thần tốc để tạo ra bất ngờ. Trong bất ngờ, thực hiện tiến công mãnh liệt làm cho kẻ thù càng bất ngờ thêm, bố trí thế trận bao vây nhiều vòng khiến cho khi quân địch chưa kịp hoàn hồn trong khi phải chống đối với sức tiến công mãnh liệt của ta lại càng bất ngờ thêm nữa. Bất ngờ trước làm tiền đề và điều kiện để tạo ra bất ngờ sau, khiến cho kẻ thù lâm vào tình trạng hoảng loạn, rụng rời liên miên từ sau từ những tiếng hò reo vang dậy và tiếng trống thúc xung trận đầu tiên. Bất ngờ tiến công mãnh liệt, bao vây chặt chẽ dẫn đến tiêu diệt hoàn toàn kẻ thù, thật là những yếu tố tiêu biểu trong nghệ thuật quân sự của Quang Trung.
Nếu cuộc tiến công đồn Ngọc Hồi diễn ra ồ ạt như cơn lốc gây bất ngờ hoang mang tột độ cho kẻ địch thì việc cánh kỳ binh do Đô đốc Đặng Tiến Đông tiêu diệt đồn Khương Thượng lại là tiếng sét đánh ngang tai Tôn Sĩ Nghị, khiến cho hắn chỉ kịp than mấy tiếng: "Thật như tướng từ trên trời rơi xuống, binh từ dưới đất chui lên", để rồi "Người chưa kịp mặt áo giáp, ngựa chưa kịp đặt yên", cùng vài tên tùy tùng chạy qua cầu phao sang bên kia bờ sông Hồng, rồi sai chặt đứt cầu phao bỏ rơi lại đám tàn quân và hàng nghìn tên chết đuối.
Trong số 29 vạn quân Thanh, chỉ còn lại vài nghìn tên chạy được về nước. Như thế, toàn bộ đạo quân Thanh sang xâm lược nước ta đã bị tiêu diệt gọn trong những trận đánh thực sự chỉ diễn ra trong vòng hơn hai ngày: mồng ba, mồng bốn và sáng mồng năm tết Kỷ Dậu. Quả thật, đây là một trong những trận đánh tiêu diệt kỳ diệu trong lịch sử chiến tranh trên thế giới.
Mục tiêu đánh tiêu diệt của Quang Trung không chỉ nhằm tiêu diệt đạo quân xâm lược, kết thúc cuộc chiến tranh đang diễn ra mà còn nhằm lập lại hòa bình lâu dài giữa hai nước, Quang Trung đã đánh một trận để:
Sửa hòa hiếu giữa hai nước,
Tắt muôn đời chiến tranh.
Cảnh tượng cả một đạo quân hùng hậu của "thiên triều" bị tiêu diệt trong chớp nhoáng chỉ bằng một đòn sấm sét của đối phương tất làm cho cả triều đình nhà Thanh kinh hoàng. Ý chí xâm lược của một Hoàng đế Trung Hoa kiệt hiệt như Càn Long bị bẻ gãy. Chịu tác động mạnh mẽ của hai nhân tố lực lượng và ý chí trên đây, cách xử sự hợp lý của Càn Long là bãi binh và nối lại bang giao bình thường với nước ta.
Kết thúc thắng lợi chiến tranh bằng tiêu diệt triệt để quân địch trên chiến trường cũng là mở đầu cho những thắng lợi tiếp theo về ngoại giao. Sau đó Càn Long tỏ ra rất tôn trọng Quang Trung.
Thiên tài của Quang Trung thật toàn diện. Ngay trước khi ra lệnh cho đại quân Tây Sơn vượt sông Gián Khẩu vào đêm 30 tết, Quang Trung đã ra lệnh cho Ngô Thì Nhậm chuẩn bị sẵn các văn kiện ngoại giao để sau chiến thắng sẽ gửi cho Càn Long, mở ra cho Hoàng đế Trung Hoa một con đường thoát khỏi bế tắc về sĩ diện.
Chính vì đại quân Thanh "chích luân bất phản, phiến giáp bất hoàn" nên Càn Long mới tiếp một Quang Trung "giả" tại Yên Kinh với đầy đủ nghi lễ long trọng.
. Theo Địa chí Bình Định |