Núi Ngang
15:3', 1/7/ 2005 (GMT+7)

Núi Ngang tên chữ là Hoàng Sơn, thuộc huyện Tây Sơn. Tên núi do hình thế và vị trí mà đặt. Quang cảnh, khí thế hùng. Sau lưng, núi non từ đèo An Khê chạy xuống, điệp điệp trùng trùng.

Trước mặt, nào gò nào ruộng, nơi vun nơi bằng, và màu sỏi đỏ, màu đá xám chen lẫn cùng cỏ cây lúa đỗ, khi đậm khi nhạt, chỗ nhặt chỗ thưa, trên cao trông xuống giống in bức thảm bằng xơ dừa nhiều sắc.

Con sông Côn từ hướng Tây chảy xuống, đến cuối Trinh Tường tiếp nhận con sông Đá Hàng từ Nam chảy ra, thành hình "lưỡng long giao thủ". Và hòn núi Ông Đốc phía Đông Nam ngó lên, hình như con mãnh hổ phủ phục.

Ngoài cảnh "long bàn hổ cứ", trong cuộc đất Núi Ngang còn có nào chuông (Hòn Một), nào trống (Hòn Giải), nào ấn (cũng Hòn Giải), nào kiếm (hòn Hóc Lãnh). Và hòn Hợi Sơn với vũng nước sâu trên đỉnh làm nghiên, hòn Trưng Sơn với chóp nhọn chấm trời làm bút. Những ngọn núi này đứng từng cặp một cách cân đối trước Hoành Sơn, như có tay người sắp đặt.

Mấy dãy gò ở trước núi, nhìn kỹ cũng lắm vẻ kỳ: Gò chạy lúp xúp như sóng biển cuộn nồm. Trên gò, đá mọc từng khóm, trông như những đám người ngồi dụm lại với nhau. Các thầy địa lý bảo là cuộc "Thần đồng hội giảng".

Và đó là những cảnh gần, hầu hết đều nằm trong địa phận Trinh Tường (Tây Sơn).

Nếu chúng ta đứng trên đầu Núi Ngang, đưa xa tầm mắt xuống Đông, thì chúng ta thấy núi chạy liền dây, lớp thì giống những hàng cờ đuôi nheo bay trước gió, lớp thì tựa những chiếc trống trận có người khiên, linh động nhịp nhàng, chẳng khác một đoàn quân gióng trống xổ cờ xuất trận. Cho nên các thầy địa lý bảo đó là cuộc "Chấn cổ canh kỳ".

Sát chân núi phía Đông, khoảng giữa, nổi lên một trảng đất lum lum. Trong khoảng này dáng núi lại hơi cong cong. Đứng phía trước trông vào thì giống một ghế bành vĩ đại, mà lưng và tay dựa là núi, và mặt ghế là trảng đất. Trên trảng nằm song song hai nấm mộ bằng đá, hình chữ nhật. Vua Gia Long ngờ rằng đó là phần mộ của ông bà Nguyễn Phi Phúc, song thân ba vua Tây Sơn, nên truyền quan địa phương khai quật. Nhưng hài cốt không thấy đâu cả, mà chỉ thấy bốn chum dầu phụng đã lưng, trong mỗi chum có một ngọn đèn chong đương cháy.

Ai cũng biết bốn chum dầu ấy do nhà Tây Sơn chôn, song không ai đoán ra mục đích. Và tất cả mọi người đều biết di hài của ông bà Nguyễn Phi Phúc táng tại Hoành Sơn, nhưng cũng không có người nào biết được nơi chốn. Vua quan nhà Nguyễn ra công tìm kiếm, nhưng dấu tích vẫn mờ mịt mây khói.

Nơi trảng đất dưới chân Hoành Sơn, hiện nay vẫn còn ít nhiều di tích. Những khách phương xa đến viếng cảnh, không biết rõ câu chuyện, đều lầm tưởng là mộ Nguyễn Phi Phúc bị đào.

Có người bảo rằng ngọc cốt của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc cũng táng trong vùng Hoành Sơn. Đó là bằng theo chuyện "bạch mã hiện hình" mà ước đoán.

Nguyên vua Thái Đức có một con chiến mã rất tốt: Thân vóc cao lớn như ngựa bắc thảo, lông trắng như tuyết, đuôi và kỳ mao mịn như tơ. Nhà vua yêu quý rất mực. Sau khi nhà vua băng hà, con bạch mã xổ chuồng chạy mất, quan quân tìm kiếm không ra. Cách ít lâu, chiều chiều người trong vùng Hoành Sơn thường trông thấy bóng ngựa trắng, khi thì đi thơ thẩn dưới chân núi, khi thì lên đỉnh đứng hí não nùng.

Mọi người đều tin rằng đó là con bạch mã, hoặc là hồn thiêng con bạch mã của vua Thái Đức. Vì tôn trọng nhà vua, người trong Ấp Tây Sơn không một ai nuôi ngựa trắng.

Nhưng sau khi hai nấm mộ giả nơi trảng đất dưới chân núi bị nhà Nguyễn phá hủy, thì bóng ngựa vắng biệt trong một thời gian khá lâu. Mãi đến khi nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng dấy nghĩa Cần Vương (1885-1887) thì bạch mã xuất hiện trở lại. Người địa phương cho là "ngựa thần" nên hết lòng kính sợ.

Vì sao thấy "ngựa trắng hiện hình" lại đoán rằng lăng mộ vua Thái Đức táng nơi Núi Ngang?

Là vì ngựa vốn là giống vật rất khôn và có nghĩa. Nhiều con, chủ chết, bỏ ăn bỏ uống ra mả nằm chết theo. Lắm con không chết theo, nhưng thỉnh thoảng tìm đến thăm mả chủ, và cất tiếng hí thê lương. Nếu ngọc cốt của nhà vua không an táng nơi Hoành Sơn thì sao con ngựa - hay hồn ngựa - của nhà vua lại tìm đến.

Đó là ước đoán, chớ từ xưa đến nay không ai biết rõ nơi chôn cất vua Thái Đức, mặc dù vẫn truyền rằng di thể được long trọng đưa về cố hương.

Còn về việc người Bình Khê (nay là Tây Sơn), nhất là người Phú Lạc, Trinh Tường, không nuôi ngựa trắng, vì trước kia do lòng tôn trọng vua Tây Sơn, sau này một phần lớn do lòng mê tín: Sợ thần Bạch Mã.

Nghe đồn rằng: Thời Pháp thuộc, tại Đồng Vụ (thuộc Trinh Tường) có người mua được con ngựa bạch toàn sắc, đem về nuôi không được bao lâu thì tự nhiên ngã đùng ra chết. Người ta tin là bị thần Bạch Mã vật. Do đó lòng kiêng cữ nuôi ngựa trắng của người địa phương gia tăng.

Đó là những chuyện ngày xưa. Bây giờ, không biết ngựa trắng có còn xuất hiện nơi Hoành Sơn? Và người vùng Hoành Sơn có còn sợ thần Bạch Mã?

Dù có không - không có, những huyền thoại kể trên thêm vào những di tích lịch sử, làm tăng phẩm giá cho Hoành Sơn.

Năm Tân Sửu (1961), nhân dân Tây Sơn lại dời trung cốt Mai anh hùng đến an táng nơi Hoành Sơn. Lăng tẩm trang nghiêm hùng tráng làm tăng khí sắc sông núi lên bội phần.

Khách du lịch đến Bình Định, tưởng không nên quên Núi Ngang vậy.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hầm Hô  (30/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 3)  (29/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 2)  (28/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 1)  (27/06/2005)
Đá Vọng Phu  (26/06/2005)
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)
Chúa Xà Đàng và bầy ngựa rừng  (15/06/2005)