Thầy Nguyễn Văn Diêu
9:13', 3/7/ 2005 (GMT+7)

Chưa được rõ năm sinh năm mất của thầy giáo này, chỉ biết thầy là người làng Nhân Ân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, đỗ tú tài vào năm 1860, ở nhà dạy học.

Thầy đã dạy văn bài chữ nghĩa như nhiều ông đồ khác, nhưng đặc biệt hơn là thầy dạy cả nghệ thuật. Đó là nghệ thuật tuồng. Miền Nam Trung bộ (từ Quảng Nam vào Bình Định) là đất tuồng, có nhiều vị thầy xuất sắc, chuyên truyền thụ các bài bản hát, múa cho những kẻ yêu nghề, tự nguyện dấn thân vào nghệ thuật. Nguyễn Văn Diêu là vị thầy nổi tiếng nhất là về cả hai mặt biểu diễn và sáng tác. Các vở tuồng như Ngũ hổ bình Liêu, Võ Tam Tư, Trảm Nguyệt cô và vở tuồng đồ Liễu Đố đều là những tác phẩm của ông.

Có người kể rằng, khi viết tuồng, Nguyễn Văn Diêu cũng từng gửi gắm niềm tâm sự. Xây dựng nhân vật Trại Ba trong Ngũ hổ bình Liêu, ông đã mong "đền ơn đáp nghĩa một người phụ nữ đã quyên sinh vì chí tình với ông" (theo Mịch Quang trong Kỷ yếu về Đào Tấn năm 1978).

Nguyễn Văn Diêu đã là thầy học tuồng của nhiều nghệ sĩ, trong đó có tác gia lớn là Đào Tấn. Giới nghiên cứu cho rằng, do sự ảnh hưởng của thầy học, năm 19 tuổi Đào Tấn đã viết vở tuồng đầu tay Tân Dã đồn (còn gọi là Tứ Thứ qui Tào).

Sau đây là một giai thoại rất đặc sắc, minh họa được tình thầy trò giữa Đào Tấn và Nguyễn Văn Diêu, rất đáng làm gương trong lịch sử giáo dục:

Trong Ngũ hổ bình Tây, kể chuyện nàng Trại Ba ghen, không cho Địch Thanh qua cửa ải, cụ Nguyễn Văn Diêu đã diễn tả đoạn này rất điêu luyện, rất phù hợp với tâm lý người phụ nữ. Ông viết lời của Trại Ba, ra lệnh cho tướng Cáp Man đóng chặt cửa ải:

- Cáp Man nghe lệnh mỗ ân cần, đóng ải quan cẩn mật

Nhược hận nhất hào sơ suất, tất can trọng tội nan đào

Tiếp đó là cảnh hai vợ chồng gặp nhau. Địch Thanh trình bày đầy đủ, thuyết phục được Trại Ba. Hai vợ chồng than thở với nhau một hồi, Trại Ba bằng lòng cho Địch Thanh đi:

- Dùng dằng nghĩa trước tình sau

Day phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang

Chia nhau một nẻo Dương quan

Em về Đơn quốc, anh sang Liêu thành.

Viết như vậy, thật là chí tình, sắc sảo. Từ trước tới nay, đoàn tuồng nào diễn Ngũ hổ bình Tây cũng tôn trọng văn bản như vậy. Nhưng Đào Tấn đọc lại, vẫn thấy có chỗ hở. Đúng là Trại Ba đã đồng ý cho chồng đi. Nhưng có một chi tiết nhỏ: Lúc đầu nàng đã ra lệnh cho Cáp Man đóng cửa ải. Lệnh chưa thay đổi, thì Địch Thanh ra cửa ải làm sao?

Đào Tấn muốn chữa lại đoạn này của thầy. Ông sửa soạn đến gặp cụ Tú Diêu, nhưng chưa kịp đi thì cụ Tú mất. Tự ý chữa thì vô lễ với thầy, cứ để nguyên thì hòn ngọc hóa ra có vết, Đào Tấn đã nghĩ ra một cách: Ông mang lễ vật đến, thắp hương trước bàn thờ cụ tú Nguyễn Văn Diêu, vái thầy và khấn thầy cho phép chữa lại. Lời khấn của ông không rõ nguyên văn ra sao, nhưng có lẽ cũng là hóm hỉnh: "Xin thầy cho phép mở cửa ải để cho Địch Thanh lên đường!"

Khấn vái xong, Đào Tấn mới chữa lại cho Trại Ba hát đoạn văn tuồng trên như sau:

Dùng dằng nghĩa trước tình sau

Dây phiền đó buộc, chuỗi sầu đây mang.

Lệnh:
Thuyền Cáp Man mở ải

(đặng cho ta)

Đưa phu tướng lên đường

Sông lụy san san

Thốn tâm cảnh cảnh

Hồn ly biệt đường mê đường tỉnh

Nỗi sầu tình khó dứt khó chia

Dặm Tây Liêu hiểm hóc Sơn khê...

Chia nhau một dải quan hà

Em về Đơn Quốc, anh qua Liêu Thành....

 

. Theo Địa chí Bình Định

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Núi Ngang  (01/07/2005)
Hầm Hô  (30/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 3)  (29/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 2)  (28/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 1)  (27/06/2005)
Đá Vọng Phu  (26/06/2005)
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)
Sức khỏe và tài trí  (18/06/2005)
Chùa Hang  (16/06/2005)