Hang tối trời
15:11', 5/7/ 2005 (GMT+7)

Theo quốc lộ 19 đi lên đến đầu đèo An Khê, chúng ta trông thấy dãy núi, trên thực tế cao không quá 1.000 thước, nhưng hình thế hùng vĩ, khí tượng hiên ngang.

Đó là núi Ông Bình và Ông Nhạc, mật khu của nhà Tây Sơn lúc khởi nghĩa chống nhà Nguyễn. Núi mang tên hai vị lãnh đạo Nguyễn Quang Bình (tức Nguyễn Huệ) và Nguyễn Nhạc. Ông Bình nằm phía Bắc, Ông Nhạc phía Nam.

Dưới chân núi còn dấu thành đá. Trong núi có nhiều kỳ nham quái thạch.

Tại núi Ông Bình lại có một hang đá ăn sâu vào lòng núi. Cửa hang cao rộng như cửa thành và ngó xuống phía Đông. Trước cửa cây che đá dừng, đứng xa không trông thấy được. Lòng hang rộng lớn và dài thăm thẳm. Có nhiều người rủ nhau vào hang. Dưới ánh đuốc sáng tỏ, hết cây này đến cây khác, họ đi từ 8 giờ sáng đến 3 giờ chiều mà đường vẫn còn xa thẳm! Vô càng sâu lòng hang càng rộng và có nhiều ngách nhiều hang. Đá hai bên vách khi thì dựng đứng, khi thì chồng chất lên nhau, thiên hình vạn trạng, quái quái kỳ kỳ. Một khe nước chạy dọc theo lòng hang, nơi sâu nhất chỉ đến thắt lưng. Khí lạnh ớn người. Cá khe trông thấy ánh đuốc xúm lại từng bầy, không chút sợ sệt.

Xưa kia Nguyễn Huệ đã dùng hang này để cất dấu binh khí và sau đó Mai Xuân Thưởng, sau khi phong trào Cần Vương bị dập tắt, đã có lần cùng bộ hạ lên ẩn náu nơi hang.

Hang này vì ánh nắng mặt trời không lọt vào được, nên mệnh danh là Hang Tối Trời.

Hang Tối Trời là một thắng tích. Nhưng ở trong nơi hẻo lánh, đường sá khó đi, nên khách du quan ít khi đến thưởng ngoạn. Nếu ra công tìm kiếm, chắc sẽ tìm thấy nhiều tài liệu lịch sử hữu ích.

Ở Ngũ Hành Sơn có hang Âm Phủ, khách du lịch đều khen là kỳ bí. Nhưng đem so cùng hang Tối Trời, thì hang Âm Phủ không lạnh lẽo tối tăm, không rùng rợn ngột ngạt bằng, vì thỉnh thoảng có ánh sáng lọt vào và cuối cùng có chỗ dừng lại. Hang Tối Trời phải gọi là Hang Âm Phủ mới đúng.

Nếu được mở đường vào ra, đặt người hướng dẫn, thì Hang Tối Trời nhất định hấp dẫn khách du lịch không kém Động Hương Tích ở Hà Tây và Ngũ Hành Sơn ở Đà Nẵng.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hòn đá thần  (04/07/2005)
Thầy Nguyễn Văn Diêu  (03/07/2005)
Núi Ngang  (01/07/2005)
Hầm Hô  (30/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 3)  (29/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 2)  (28/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 1)  (27/06/2005)
Đá Vọng Phu  (26/06/2005)
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)
Bia Quy Nhơn   (18/06/2005)