Vực Trầm Hương và Giếng Tiên
16:13', 6/7/ 2005 (GMT+7)

Tại An Khê (Tây Sơn thượng) còn một nơi nữa cũng đáng chú ý. Đó là Vực Trầm Hương.

Vực ở xã An Dân, trên dòng sông Ba (Dak-Pa), cách huyện lỵ chừng năm cây số về hướng Tây. Nước sông Ba chảy cuồn cuộn, nhưng khi đến vực Trầm Hương thì dừng lại. Mặt nước lặng lẽ như mặt nước hồ thu và sắc nước xanh lặc lìa như chàm đổ.

Lòng vực sâu "vô đáy". Từ xưa đến nay, chưa một ai đủ hơi sức lặn thấu đáy. Có một lần, một ngư ông dùng ba đàng dây dừa cột vào lưng, lặn xuống vực, bảo người đứng đầu dây đứng trên bờ hễ thấy dây giựt thì kéo lên. Dây mới lút được hai phần ba thì người nắm đầu dây nghe giựt mạnh, liền kéo lên ngay: ngư ông cả mình tím ngắt và miệng mũi trào máu, phải cứu chữa hàng giờ mới tỉnh dậy.

Ngư ông cho biết rằng dưới sông tối om và khí lạnh buốt xương, nếu để chậm giây lát nữa thì không thể sống nổi. Cuộc "thám hiểm" này không đem lại kết quả mong muốn và làm cho con người muốn biết chiều sâu của vực không ai dám "thám hiểm" lần thứ hai. Nhưng có đôi thầy địa lý bảo rằng "dưới vực có đường lưu thông với sông Côn, qua hang Tối Trời". Nói vậy cũng tạm hay vậy.

Còn vì sao tên vực gọi là Trầm Hương?

Truyền rằng:

Trên hòn Cong (cùng thuộc xã An Dân) có cây trầm hương to lớn, thơm ngát cả vùng An Khê. Dưới thời Tây Sơn, cây trầm hương được bảo vệ nghiêm mật, vì người dân tộc thiểu số coi là Cây Thần, và người dân tộc thiểu số ở An Khê đều là tay chân bộ hạ của Tây Sơn Tam Kiệt. Đến khi nhà Tây Sơn diệt vong, quan nhà Nguyễn sai quân lính lên đốn. Quân lính vừa đến nơi thì trời bỗng nổi mưa to gió lớn. Cây trầm hương trốc gốc và bay cả cành lẫn rễ xuống vực sông Ba rồi từ từ chìm xuống đáy.

Do đó mới gọi là Vực Trầm Hương.

Cây Trầm Hương bay xuống vực để lại nơi đỉnh hòn Cong một lỗ sâu thăm thẳm. Tuy ở trên đầu non, lỗ ấy quanh năm đều có nước. Người địa phương gọi là Giếng Tiên.

Vực kia vì cây trầm hương mà có tên, thì giếng này phải mang tên trầm hương mới hợp tình hợp lý. Nhưng tại sao lại gọi là Giếng Tiên?

Truyền rằng:

Mặc dù cây trầm hương đã bay xuống vực, nhưng mùi thơm vẫn còn ngấm mãi nơi vùng đất hòn Cong. Cho nên mạch nước tuôn ra vừa thơm vừa ấm. Nhưng không ai dám đến múc dùng, vì "giếng" rất linh, hễ xâm phạm là mang họa. Người trần không dám đến, song những đêm trăng sáng, các tiên bà, tiên cô thường đến tắm mát và mua vui. Những lúc ấy thì người quanh vùng nghe tiếng nhạc trỗi. Lén đến rình xem thì thấy những giai nhân tuyệt sắc, lớp trần thân ngà ngọc bơi lội nhởn nhơ, lớp áo mống xiêm mây tay đàn môi địch… Hễ cứ trăng lên cao thì đến, trăng xuống thấp thì đi. Vì vậy giếng mới mệnh danh là Giếng Tiên.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hang tối trời  (05/07/2005)
Hòn đá thần  (04/07/2005)
Thầy Nguyễn Văn Diêu  (03/07/2005)
Núi Ngang  (01/07/2005)
Hầm Hô  (30/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 3)  (29/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 2)  (28/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 1)  (27/06/2005)
Đá Vọng Phu  (26/06/2005)
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 3)  (21/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 2)   (20/06/2005)
Truông Mây và Chàng Lía (kỳ 1)  (19/06/2005)