Tại An Khê, phía trong Tú Thủy chừng 12 cây số có làng Cổ Yêm.
Tuy là một làng vùng cao nhưng đất đai bằng phẳng. Một cánh đồng phì nhiêu rộng có đến năm, sáu trăm mẫu, giăng lam trải lục tận chân trời xanh. Giữa đồng đột khởi một ngọn núi, không lớn lắm và chỉ độ vài trăm thước, nhưng trông hùng dũng hiên ngang. Đứng xa nhìn đồng nhìn núi, thật chẳng khác một chiếc bánh ú lột trần để trên mâm lót lá chuối mà trời là lọng che.
Cảnh trí cực đẹp.
Đồng ấy gọi là Đồng Cô Hầu.
Núi ấy gọi là Núi Hoàng Đế.
Tại sao lại mệnh danh như thế?
Truyền rằng:
Làng Cổ Yêm xưa kia là một cánh rừng mênh mông, ở giữa vun cao vì ngọn núi. Ban đêm chim bay về nghỉ, từng bầy từng lớp, tiếng kêu vang dậy cả ngàn xa. Do đó nên gọi là rừng Mộ Điểu. Người Bana chiếm cứ làm địa sở từ nghìn xưa, người ngoài không dám xâm phạm.
Vị tù trưởng Bana sống vào khoảng giữa thế kỷ 18, có người con gái gả cho Nguyễn Nhạc làm thiếp, tục gọi là Cô Hầu.
Nguyễn Nhạc, sau khi vận động được người dân tộc thiểu số ở An Khê theo mình, thì dùng rừng Mộ Điểu làm căn cứ quân sự. Dinh trại đóng trên núi. Và để lấy lương thực nuôi quân, bèn cho phá rừng làm ruộng.
Công việc khai khẩn, tiếp đến công việc canh tác và thu hoạch đều do Cô Hầu đảm đương. Khi Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế ở thành Đồ Bàn, Cô Hầu vẫn ở nhà khai thác đồng lúa. Do đó mệnh danh là Đồng Cô Hầu. Còn ngọn núi ở giữa đồng coi như là nơi phát tích nhà Tây Sơn nên được tôn xưng là núi Hoàng Đế.
. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)
|