Vào khoảng năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp đã đến lúc quyết liệt và gian khổ. Cuộc họp bất thường được triệu tập. Vì thời gian gấp nên trong giấy triệu tập có ghi: "Việc ăn uống phải tự túc".
Buổi nghỉ trưa đã đến. Cán bộ các huyện đều mang thức ăn quây quần xung quanh bóng cây, mỗi người bày thức ăn của mình ra: Kẻ thì cơm vắt cá kho, người thì muối vừng, muối đỗ. Họ ăn vội vã để tiếp tục cuộc họp buổi chiều. Cuộc họp mở ra tại Phù Cát, cán bộ địa phương được đồng bào ở đây giúp đỡ. Họ quây quần dưới tán cây xoài, vui vẻ vừa ăn vừa cười nói ròn rã.
Các cán bộ ngồi gần nghe những âm thanh kỳ lạ - "trót trót" - xung quanh gốc xoài, chỗ nào cũng âm ỉ vọng lại tiếng trót trót. Một vài người thấy lạ tự hỏi, không biết nhóm Phù Cát ăn thứ gì mà cứ nghe "trót trót" nơi hầu.
Đến gần mới thấy rõ đó là bột mì giã. Bột đặc quánh vàng vàng. Họ xắn bằng đũa, chế thêm một ít nước thịt bò. Chén bột được trộn thêm rau chuối cây và lá dang. Vì sợ không kịp thì giờ ăn món ăn vừa ngon lạ, nên họ ăn vội vã. Nhờ nước thịt bò ngon nên những miếng bột khá to cứ tuồn tuột qua cổ họng do đó có những âm thanh "trót trót". Từ đó về sau, món bột mì giã, trộn rau ăn với nước thịt bò được gọi là món trót.
Giữa cuộc họp có phần giải trí - Một cán bộ tức cảnh đọc hai câu thơ vui:
Món chi trót trót lạ tai?
Ngon sao? Vội nuốt, quên nhai, quên mời!
Cả cuộc họp vỗ tay cười xòa vui vẻ!
. Theo Văn hóa ẩm thực Bình Định
|