Miếu Xà
10:41', 10/7/ 2005 (GMT+7)

Khi mới khởi nghĩa đánh chúa Nguyễn, binh lính của nhà Tây Sơn phần đông là người dân tộc thiểu số.

Những người lính dân tộc thiểu số mộ được ở vùng An Khê trước hết dồn về căn cứ Mộ Điểu, tập luyện ít lâu rồi mới đưa xuống núi Ông Bình, Ông Nhạc ở dưới đèo An Khê để khép vào hàng ngũ và huấn luyện thêm.

Truyền rằng:

Một hôm Nguyễn Huệ vâng lệnh anh, chỉ huy một đạo tân binh từ Mộ Điểu xuống Ông Bình. Khi gần đến đèo An Khê thì đạo binh vùng thối lui: Một cặp rắn mun cực kỳ to lớn nằm chận giữa đường, cổ cất cao như hai cột nhà cháy và miệng há to như hai chậu máu tươi. Mọi người đều kinh hồn và cho là điềm xấu. Nguyễn Huệ liền xuống ngựa, chấp tay khấn:

- Nếu anh em chúng tôi có thể dựng được nghiệp lớn thì xin Xà Thần tránh đường cho quân đi. Bằng mệnh số chúng tôi không ra gì, thì chỉ xin cắn chết mình tôi mà tha cho quân lính được sống về cùng vợ con, cha mẹ.

Vừa khấn xong thì cặp rắn quay đầu xuống hướng Đông, rồi song song bò đi trước dẫn đường cho đạo binh. Đến chân đèo thì dừng lại. Một con chui vào bụi rậm ngậm ra một thanh long đao, cán đen như mun, lưỡi bén như nước. Rồi cả hai ngậm ngang thanh đao, bò đến dâng cho Nguyễn Huệ rồi biến mất.

Để tỏ lòng tri ân, Nguyễn Huệ sai lập miếu thờ Thần Rắn tại chỗ gọi là Miếu Xà.

Miếu Xà hiện vẫn còn dấu tích tại đèo An Khê. Nhưng miếu hiện giờ không phải miếu ngày trước. Vì miếu xưa lâu đời đã bị sập đổ. Trong một thời gian khá lâu, bên đường chỉ còn dấu sân cỏ mọc. Cọp thường ra ngồi rình nơi sân miếu, người qua lại bị nạn khá nhiều. Hầu mong Thần Rắn phù hộ, người địa phương bèn cất lại miếu.

Nhưng cũng có người cho rằng, Miếu Xà là nơi thờ Thần Rắn mà Nguyễn Nhạc đã chém lấy máu đề cờ, khi cử lễ xuất binh đánh chúa Nguyễn.

Lại có người bảo không phải vì chứng tích chuyện Nguyễn Nhạc chém rắn là Cây Cầy và Cây Ké ở trên đèo. Còn Miếu Xà là chứng tích chuyện rắn dâng đao.

Tuy không có sách vở nào chép, song chuyện vẫn lưu truyền qua nhiều đời. Chuyện chém rắn đề cờ cũng như chuyện rắn dâng đao, là những huyền thoại gắn liền với những chiến công hiển hách của ba anh em nhà Tây Sơn.

. Theo Nước non Bình Định (Quách Tấn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ẩm thực: Món "Trót"  (08/07/2005)
Đồng Cô Hầu và Núi Hoàng Đế   (07/07/2005)
Vực Trầm Hương và Giếng Tiên  (06/07/2005)
Hang tối trời  (05/07/2005)
Hòn đá thần  (04/07/2005)
Thầy Nguyễn Văn Diêu  (03/07/2005)
Núi Ngang  (01/07/2005)
Hầm Hô  (30/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 3)  (29/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 2)  (28/06/2005)
Tìm hiểu nghệ thuật đánh tiêu diệt của Quang Trung (kỳ 1)  (27/06/2005)
Đá Vọng Phu  (26/06/2005)
Nữ sĩ - công chúa Ngọc Hân (1770-1799)  (24/06/2005)
Hang chàng Lía   (23/06/2005)
Nguyễn Huệ, người thợ rèn và mùa xuân  (22/06/2005)